Mỏi mòn chờ sửa thuế TNCN

07/02/2023 06:40 GMT+7

Tiếp nối đà tăng kỷ lục trong năm 2022, số thu thuế TNCN tháng 1.2023 vừa được Tổng cục Thuế công bố đạt hơn 8,1% dự toán ngân sách.

Thế nhưng người làm công ăn lương, đối tượng đóng góp lớn nhất trong số thu này, lại tiếp tục đối diện một năm đặc biệt khó khăn và thiệt thòi vì các ngưỡng thuế lạc hậu.

Số thu tăng, quy định bất hợp lý vẫn tồn tại

Trước đó, dự toán kế hoạch thu ngân sách năm 2023 đối với thuế TNCN vào khoảng 154.652 tỉ đồng. Như vậy, số thuế TNCN trong tháng 1 đóng góp vào ngân sách nhà nước vào khoảng 12.500 tỉ đồng. Năm 2022, ngành thuế ghi nhận số thu thuế TNCN ở mức kỷ lục, vào khoảng 153.258 tỉ đồng, tăng 24,6% so với năm 2021. Tỷ trọng của sắc thuế này đóng góp vào ngân sách ngày càng tăng cao, chiếm khoảng 10,5% tổng thu do ngành thuế quản lý và tương đương 11% tổng thu nội địa của ngành này.

Mỏi mòn chờ sửa thuế TNCN - Ảnh 1.

Cần sớm thay đổi luật Thuế TNCN để hỗ trợ người nộp thuế

Ngọc Thắng

Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng: Số thu tăng lên do sắc thuế này không theo kịp đà phát triển kinh tế. Chẳng hạn, theo Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Con số này cao gấp nhiều lần thu nhập bình quân đầu người công bố năm 2006 chỉ ở mức 636.000 đồng (tăng 31,3% so với năm 2004 - thời điểm soạn thảo luật thuế TNCN). Như vậy, thu nhập của người dân tăng hơn 7 lần trong vòng 16 năm. Trong khi đó, luật thuế TNCN được áp dụng từ năm 2007, sau 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế (từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và 11 triệu đồng/tháng vào năm 2020) thì mức tăng chưa đến 3 lần.

Ngoài ra, bình quân mỗi người chi tiêu bình quân năm 2008 khoảng 792.000 đồng/tháng thì tới năm 2020 lên gần 2,9 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng 3,6 lần. Như vậy, để đảm bảo duy trì đời sống hiện nay như trước đây thì người dân phải chi tiêu nhiều hơn, đồng nghĩa mức GTGC ít nhất phải được nâng lên tương ứng. Đó là chưa kể trong 3 năm từ 2020 - 2022, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến chi tiêu của các hộ gia đình còn phải tăng lên gấp nhiều với những chi phí về tiền thuốc, lương thực thực phẩm, trang thiết bị phòng chống dịch…

Thêm vào đó, mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã có 9 lần điều chỉnh tăng (trừ năm 2021 do dịch Covid-19 nên không tăng) trong vòng 10 năm, từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần. Thế nhưng mức GTGC cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được một lần với mức tương đương khoảng 1,2 lần.

"Thu nhập tăng lên chưa kịp bù cho chi phí thì người lao động đã phải nộp thuế. Người làm ra thu nhập để chịu mức thuế suất 35% là họ phải đầu tư vào chi phí rất nhiều, nhất là việc học hành để nắm bắt kịp thời những kiến thức thay đổi một cách nhanh chóng của xã hội. Về nguyên tắc, thuế TNCN và doanh nghiệp của các nước là lấy thu nhập trừ đi chi phí trước khi tính thuế. Điều này kích thích người dân chi tiêu hợp lý, mua hàng hóa dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh gia tăng. Lúc này nhà nước thu được tiền thuế doanh nghiệp. Còn VN vẫn chưa thực hiện được như vậy", ông Trần Xoa cho hay.

Nghe nhanh 6h ngày 7.2: 88 người ngộ độc sau khi ăn chè | Thổ Nhĩ Kỳ, Syria tan hoang vì động đất

Không thể chờ đến 3 năm sau mới sửa

Đáng nói, trong khi bất cập ngày càng lớn thì theo đề xuất, dự án sửa đổi luật Thuế TNCN phải tới năm 2025 mới được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tháng 5.2026. Như vậy, người nộp thuế TNCN sẽ phải chờ đến hơn 3 năm nếu những đề xuất sửa đổi được thông qua theo lộ trình này.

Ý KIẾN

Biểu thuế lũy tiến 7 bậc không còn phù hợp vì đây là biểu thuế đánh vào thu nhập từ tiền lương, nhưng mức thuế suất cao nhất trong biểu này lại cao gần gấp đôi so với thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, nên giảm số bậc lũy tiến xuống ít nhất có thể (từ 3 tới 5 bậc), hạ thuế suất để giảm áp lực cho người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, và chuyển trọng tâm sang việc xác định ngưỡng thu nhập chịu thuế cho từng bậc. Đồng thời xem xét lại những quy định khác biệt về thuế TNCN đối với người VN và người nước ngoài đang làm việc tại VN, điều chỉnh theo hướng áp dụng khấu trừ các chi phí hợp lý dành cho người lao động VN như giáo dục, y tế định kỳ, xăng xe, điện nước và các chi phí sinh hoạt khác.

Luật sư Châu Huy Quang

Để phù hợp với tình hình thực tế, cần căn cứ theo lương tối thiểu để tính mức GTGC. Hằng năm, mức lương tối thiểu được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo cuộc sống của người lao động. Khi lương tối thiểu lên, đồng nghĩa mức GTGC cũng tăng theo. Mức GTGC vào khoảng 5 lần lương tối thiểu vùng là hợp lý, tương ứng mức GTGC khoảng 20 triệu đồng/người/tháng.

Luật sư Trần Xoa

"Không biết có lý do gì mà những bất cập của luật thuế TNCN đã được Bộ Tư pháp nêu ra tại tài liệu họp của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 mà phải chờ đến năm 2026 mới được thực hiện", ông Trần Xoa thắc mắc và nhấn mạnh những quy định bất cập, không hợp lý thì cần phải sửa ngay. Nhưng riêng quy định về thuế TNCN ảnh hưởng đến người dân rất nhiều mà phải chờ hết năm này đến năm khác vẫn chưa chịu sửa. 

"Ở đây, chỉ có một lý do là sợ ảnh hưởng số thu ngân sách nhà nước sụt giảm", ông Xoa dự đoán và phân tích: Thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Chẳng hạn năm 2013, mức GTGC cho người nộp thuế từ tiền lương tiền công tăng từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng, số thu năm đó tăng khoảng 1.500 tỉ đồng so với năm 2012, lên 46.458 tỉ đồng. Hay năm 2020, khi điều chỉnh mức GTGC cho người nộp thuế lên 11 triệu đồng/tháng, số thu thuế cũng tăng vọt lên 115.150 tỉ đồng, cao hơn năm 2019 hơn 5.744 tỉ đồng. Chính vì vậy, để khoan sức dân, trong kỳ họp Quốc hội gần nhất trong năm 2023, luật thuế TNCN cần được đưa ra thảo luận và thông qua để kịp áp dụng cho năm 2024. Trong trường hợp không kịp, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm có nghị quyết gỡ bỏ quy định bất hợp lý là khi nào CPI tăng 20% thì mới điều chỉnh mức GTGC. Trong trường hợp chờ sửa luật liên quan đến chỉ số CPI thì giải quyết nhanh trong năm 2023 bằng cách ra nghị quyết điều chỉnh xuống còn 5% là phù hợp.

"Thời điểm xây dựng luật Thuế TNCN năm 2004 - 2005, CPI tăng 2 con số nên mới đưa ra tỷ lệ này. Nhiều năm nay, tình hình đã hoàn toàn thay đổi, VN khống chế được lạm phát, chỉ số CPI có năm tăng chỉ 2 - 3%, nên quy định trên đã quá lạc hậu. Chưa kể hơn 700 mặt hàng để tính CPI hầu hết không tác động nhiều đến đời sống người lao động nên căn cứ theo chỉ số này là chưa phù hợp", ông Xoa phân tích.

Theo luật sư Châu Huy Quang, luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, trong khi chờ luật Thuế TNCN được bổ sung, sửa đổi một cách toàn diện, Chính phủ có thể ban hành các quy định tạm chưa thu thuế TNCN với các khoản lợi ích cho cá nhân người làm công ăn lương được hưởng do người thuê lao động chi trả (sức khỏe, du lịch, bảo hiểm y tế…); bổ sung các khoản không chịu thuế hay các khoản được trừ khi tính thuế TNCN. Những thay đổi này sẽ được bổ sung cùng với các điều chỉnh gồm nâng mức chịu thuế, nâng khoản khấu trừ cho nhân thân và người phụ thuộc, giảm bớt các mức tính thuế… trong dự thảo thay đổi luật Thuế TNCN sắp tới.

"Chúng tôi tin rằng những điều chỉnh của Chính phủ trong giai đoạn này không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách chung nhưng tạo ra sự minh bạch, nhất quán và có được sự đồng thuận của nhiều người đóng thuế", luật sư Quang đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.