Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất - Kỳ 3: Đắng cay tan nhà nát cửa

27/10/2018 10:00 GMT+7

Ra tù không có mảnh giấy chứng minh bị oan, lại ám ảnh những đòn nhục hình, 7 thân phận oan sai phải bỏ xứ mà đi, mất trắng ruộng vườn, nhà cửa.

Đau đớn hơn, những đứa trẻ con của họ sau thời gian vào tù cùng cha mẹ, lớn lên cũng chẳng có nổi hạnh phúc trọn vẹn vì tai tiếng “dòng họ trộm cướp” ...
Bỏ xứ mà đi
Thảm cảnh trong tù
Khi vào tù, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan đã mang thai tới tháng thứ năm. Bà kể, dù thiếu ăn, bị đánh đập nhưng vẫn cố giữ cái thai không bị sẩy. Tuy nhiên, khi cái thai chưa trọn ngày, đủ tháng thì bà sinh non. “Sau khi sinh xong thì con tôi chết. Trong lúc người ta không để ý tôi lẻn ra ngoài trốn đi và chôn con trên sườn một con dốc”, bà Lan mếu máo. Chôn cất con xong, bà đi bộ về hướng TP.Tây Ninh để tìm đường thoát khỏi cảnh tù tội, nhưng thân thể non nớt vì mới sinh, lại thêm chứng chóng mặt, run chân tay nên mỗi ngày bà chỉ đi được một đoạn đường ngắn. Tới ngày thứ 3, bà Lan bị bắt lại.
Lúc đi tù, ông Dũng tròn 18 tuổi đang sức trai tráng nhưng gần 4 năm ở tù biến ông thành một khung người khô khốc, trong mình âm ỉ nhiều thứ bệnh. Về tới ấp, ông Dũng thấy làng xóm đã khác xưa. Ngôi nhà gỗ từng ấm áp hơi người thân giờ đã sụp, thay vào đó là nhiều thứ cây ăn trái được quây, rào cẩn thận. Lúc đầu ông tính về nhà, xem có ai mua đất mua nhà thì bán để chuyển đi nơi khác nhưng: “Nhà người ta đã chiếm, đất người ta cũng đã trồng cây. Mình về đòi biết có được không hay sẽ bị sỉ nhục”. Nghĩ vậy, ông Dũng bỏ lại hơn 2 mẫu đất của ông cha để lại mà ra đi tay trắng.
Ông lên Dầu Tiếng, nơi người chị gái đang sinh sống với nghề cạo mủ cao su, rồi bắt đầu đi xin việc nhưng cứ lo ai sẽ chấp nhận lý lịch của một kẻ cướp? Vậy nên ông bắt chuyện làm quen vài công nhân để: “Khi nào anh chị có việc gì bận thì kêu tôi cho tôi làm thay...”. Ông không dám xin làm công nhân nữa mà chỉ dám chờ để thay thế những người tạm nghỉ. Công việc không có mà sức khỏe thì ngày càng kiệt quệ.
Một thời gian sau khi ra tù, cha mẹ của ông Dũng cũng không chịu nổi ánh mắt khinh miệt của người làng, phải bỏ quê lên nương nhờ con gái. Hai ông bà già với lý lịch không trong sạch cũng chỉ làm thuê làm mướn đắp đổi qua ngày. Nhiều lúc cùng cực ông bà rủ nhau tự tử để giải thoát nhưng: “Xuống đó Diêm vương cũng coi mình là kẻ cướp thôi. Làm sao thì làm trước khi xuống đó phải được minh oan” (bà Thương móm mém kể lại lời chồng).
Ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ) về thăm lại ngôi nhà của mình trước khi đi tù oan, nay đã bị chiếm mất

Anh em ông Chiến, ông Dũng (lớn), bà Lan cũng mỗi người một ngả tìm kế mưu sinh. Từ đó đến nay ông Chiến phải chui rúc xứ người, ăn nhờ, ở đậu người em gái út. Nhìn móng chân ông bị nước ăn mòn đóng bùn đen kịt đủ biết cuộc sống của ông tại căn nhà liêu xiêu mấy chục năm nay không dễ dàng gì. “Phận mình mình chịu chớ biết sao”, than với chúng tôi mà ông Chiến ứa nước mắt.
Còn ông Chánh, sau khi ra tù là bỏ đi biệt xứ. Vợ ông, bà Lan, về lại ngôi nhà xưa nhưng lẻ bóng, rồi cũng bỏ quê theo người em dâu lên Dầu Tiếng sinh sống. Từ đó, bà bặt tin ông Chánh. Trong đầu bà không nguôi câu hỏi mình đã làm gì sai mà chồng bỏ và phải chạy trốn. Câu hỏi ấy chôn sâu trong lòng bà nhiều năm nay cho tới khi chúng tôi tìm được ông Hồ Long Chánh thì mới vỡ lẽ. “Ra tù tôi về thẳng quê gốc ở Hòa Thành. Cha tôi có lần nói dẫn xuống tìm bà Lan nhưng tôi sợ về đó lại bị bắt…”, ông Chánh thổ lộ. Ký ức từ những năm tháng cay cực ở trong tù vẫn như một vết nhơ buộc ông luôn phải che dấu.
Sự vắng mặt của ông Chánh suốt nhiều năm càng khiến những người bị bắt trong vụ việc oan khuất này nghĩ rằng việc ông Chánh khai ra họ sau khi bị bắt là thật. Ông Chánh bị anh em bên vợ oán trách vì khai oan cho họ. Mãi tới gần đây, khi chúng tôi tìm gặp ông và nghe ông kể lại thì cái lỗi với bên vợ mới được hóa giải. “Khi bị bắt, tôi mới về quê vợ được chưa đầy một tháng. Anh em chưa biết hết mặt. Họ hỏi tôi có phải đưa vàng cho vợ giấu, tôi khẳng định là không. Tôi và vợ tôi đều không lấy vàng”, ông Chánh nói.
Bà Nguyễn Thị Lan nhớ lại những ngày tủi nhục nuôi đứa con 2,5 tháng tuổi trong tù. Bên cạnh là chị Chung - đứa con nay đã 40 tuổi cũng không có hạnh phúc trọn vẹn chỉ vì mang tiếng “cha mẹ đi ăn cướp” Ảnh: Trung Hiếu
Những đứa trẻ trong tù
Bà nội mất khi ba còn nhỏ xíu, ông bà ngoại bị bắt cùng ngày khiến Nguyễn Thị Kim Chung (nay 40 tuổi, con bà Nguyễn Thị Lan) vừa lọt lòng đã phải theo mẹ ở tù. “Ngày công an ấp tới bắt, tôi chìa đứa con 2 tháng cho người em chồng nhờ ẵm cháu giúp tôi. Nhưng những người có mặt đẩy tay, nói con tôi còn nhỏ, xa mẹ biết có sống nổi không. Họ bảo tôi ẵm con theo có thể vài ngày điều tra rõ rồi họ cho về. Tôi đành úm con vào lòng bước lên xe Jeep”.
Ra tới Công an H.Trảng Bàng, bà Lan bị dẫn giải vào phòng biệt giam, chân bị còng. Sáu tháng đầu, việc vệ sinh cá nhân của bà đều tại chỗ. Lo cho mình đã chật vật vậy mà trên tay bà không lúc nào rời được đứa con. Vì phòng giam bí bách ngột ngạt nên đứa trẻ khóc hoài. Nước thiếu, quần áo, tã lót không có. “Mỗi ngày chỉ có cơm trắng độn bo bo nên sữa tôi dần cạn. Con nhai vú mẹ cả ngày không đủ no lại khóc tím tái. Vậy là tôi kêu khóc, gọi ai đó ở nhà bếp cho tôi xin ít nước cơm cứu con tôi khỏi chết đói”. Có lẽ vì cám cảnh mẹ con bà Lan nên có 2 cán bộ mà tới giờ bà Lan chỉ nhớ tên là ông Hồng và ông Sắc cứ tới cữ trưa và tối là mang nước cơm cho. Lâu lâu họ lại cho bà Lan thêm một gói đường, cho con bà thêm đôi dép, cái cài tóc... Hết lật rồi bò cho tới lúc chập chững biết đi, cô con gái nhỏ của bà Lan đều gắn với sàn gạch nhà tù. Bà luôn đau đáu việc con mình tương lai sau này sẽ như thế nào nếu như mình không được minh oan.
Trong khi đó, ở một buồng giam khác, chị chồng bà Lan là bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (vợ ông Chánh) cũng phải mang bụng bầu tới lui phòng hỏi cung. Bà Ngọc Lan kể thời kỳ đó, hai bên hông bà lúc nào cũng tím bầm bởi bị đánh. Rồi bà chỉ vào người con gái lớn tên Nguyễn Thị Thanh Hiền (nay 48 tuổi) kể: “Lúc tôi đi tù con bé mới 8 tuổi. Bà ngoại của nó mất từ khi tôi còn nhỏ, các cậu thì đã vào tù hết. Lúc người ta tới bắt tôi con bé một mực chạy theo. Nghĩ con ở ngoài không nơi nương tự tôi đành dẫn con vào tù”.
Mỗi ngày bé Hiền chơi ngoài sân trại giam đến tối lại vào phòng giam rúc đầu ngủ bên mẹ. Ở với mẹ trong trại tạm giam gần một năm, khi mẹ bị chuyển lên trại tạm giam tỉnh Tây Ninh để tiếp tục việc điều tra thì Hiền phải ra ngoài ở với dì ruột. Hằng tháng mỗi khi dì dành dụm được tiền, dì bắt xe đò cho Hiền đi cùng vào trại giam thăm mẹ.
Cuộc sống nặng nỗi buồn của Hiền chưa chấm dứt, ngay cả khi vụ án được đình chỉ điều tra và mẹ được tha tù. Bởi với định kiến mẹ chị vẫn là “kẻ ăn cướp” và chị vẫn là “con của kẻ ăn cướp” nên không có mặt mũi nào sống ở làng. Hai mẹ con bỏ xứ lên Dầu Tiếng (Bình Dương) làm công nhân, đùm bọc nhau qua ngày.
Sau gần 40 năm, những đứa trẻ năm xưa ở tù đã lớn. Tai tiếng của gia đình khiến các chị khó có lấy một mái ấm bình yên. Người chồng trước của chị Hiền ở được một thời gian rồi bỏ chị. Lý do ly hôn cũng vì cái tiếng dòng họ ăn cướp cứ đeo bám. Chị Nguyễn Thị Kim Chung từng nghĩ mình may mắn khi có một người chồng rất mực yêu thương, bảo vệ. Trước sự ngăn cấm quyết liệt từ phía gia đình, chồng chị vẫn quyết tâm cưới chị cho bằng được. Thế nhưng, cuộc sống ở nhà chồng với vô vàn định kiến khiến chị sống dở, chết dở. Đỉnh điểm là một lần chị nghe ba mẹ chồng khuyên chồng ly hôn mình vì là con của kẻ cướp. Từ đó, chị Chung rời đi và không bao giờ quay lại nhà chồng. Chồng chị một chốn hai nơi, đi đi về về được 2 năm thì làm giấy ly hôn chị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.