Suốt nhiều năm qua, họ gõ cửa đủ mọi nơi mong được minh oan, được trả lại quyền công dân nhưng kết quả là sự im lặng hoặc từ chối của cơ quan trực tiếp liên quan.
|
Gần 40 năm trước, 3 gia đình với 11 người đang yên ấm bỗng tan nát bởi bị nghi liên quan đến “vụ cướp năm chỉ vàng” tại nhà máy xay xát ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh). Cuộc vây bắt rồi nhục hình lúc ấy đã làm cho những nạn nhân trượt dài vào ngõ cụt cuộc đời...
“Họ bảo nếu không nhận thì họ bắn”
Đêm 26.7.1979, vợ chồng ông Hồ Long Chánh và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan ngồi trong nhà bàn tính việc ngày mai bắt đầu công việc bán bánh mì sao cho suôn sẻ. Trước đó, nhà ông Chánh ở quê vừa cháy, vợ chồng ông đành phải về quê vợ ở ấp Bùng Binh hẻo lánh kiếm kế sinh nhai. Vừa động viên chồng, bà Lan vừa gói ghém vài thứ đồ đạc và không quên quấn kỹ con dao Thái Lan mới mua lúc chiều dành để cắt bánh mì bỏ vào giỏ rồi giục chồng đi ngủ.
Đặt mình xuống giường chưa được bao lâu thì vợ chồng ông nghe tiếng đập cửa. Mở cửa, ông Chánh đã bị ánh đèn pin chiếu thẳng vào mặt rồi tiếng mấy người đàn ông quát ông là cướp; họ bẻ gô tay ông dẫn lên nhà máy xay lúa của ông Nguyễn Văn Đơ, người vừa kêu bị cướp 5 chỉ vàng khoảng 30 phút trước. Tại nhà máy xay, sau những màn đấm đá đổ lên người là hàng loạt câu hỏi mà ông Chánh không thể hiểu: quá trình cướp vàng như thế nào, băng nhóm gồm những ai, vàng cướp được cất giấu ở đâu...
Ông Chánh cố trình bày với những người hỏi cung là ông mới về quê vợ “ăn nhờ ở đậu” nên ngoài một vài người thân bên vợ ông không quen biết ai để kết băng nhóm đi cướp vàng. Nhưng lời của ông không được lắng nghe. Nhóm người kia dẫn ông ra bìa rừng tiếp tục còng tay, tra khảo rằng có phải ông kết hợp với ông Nguyễn Văn Chiến (em vợ) để lấy vàng rồi tẩu thoát bằng đường sông không. “Họ bảo nếu không nhận thì họ bắn”, ông Chánh hồi tưởng và bảo lúc đó ông đã nghĩ “mình chắc chết, chắc bỏ lại đứa con vừa thành hình 5 tháng trong bụng vợ”.
Người lính thăm nhà bị vạ lây
Cùng lúc ấy, cách đó khoảng 500 m tại nhà em vợ ông Chánh là ông Nguyễn Văn Chiến, mọi người đang quây quần bên nồi cháo gà mừng ông Nguyễn Văn Dũng (em vợ ông Chánh) là quân nhân ở chiến trường Campuchia về thăm nhà. Tin vui là sau lần về này, ông Dũng sẽ được thăng quân hàm từ trung sĩ lên thượng sĩ. Lại có thêm người em vợ ông Chiến cùng tên Nguyễn Văn Dũng (nhỏ), là du kích xã xong việc ghé thăm. Mấy anh em lâu ngày gặp lại chuyện trò rôm rả. Bỗng nghe tiếng bước chân dồn dập; mấy bóng người ập tới. Ông Chiến nhận ra có người quen làm ở ấp đội. Đêm hôm đó, thêm ông Chiến và hai ông Dũng bị bắt.
Riêng ông Dũng (lớn) khi bị bắt cứ nghĩ người ta nghi mình đào ngũ. Tới khi bị giải lên trụ sở xã, ông mới biết bị bắt vì nghi tội ăn cướp. Ông phản kháng, yêu cầu những người bắt ông phải chuyển ông qua quân pháp vì mình đang chấp hành lệnh của đơn vị về VN lấy tài liệu phục vụ huấn luyện. Ông bảo mình vừa về tới nhà chiều 26.7.1979 (ngày xảy ra vụ cướp) thì làm sao có chuyện kéo bè kết băng đi ăn cướp được... Thế nhưng, không ai để tâm đến lý lẽ của ông.
Sau khi ông Chánh, ông Chiến và hai ông Dũng bị bắt, đến lượt ông Nguyễn Thành Nghị (bộ đội phục viên, cha của ông Dũng nhỏ) cũng bị công an tới đưa đi. Ngày hôm sau, bà Võ Thị Thương (mẹ của ông Dũng nhỏ) tất tả chạy xuống đơn vị của chồng nhờ người cứu giúp. Tuy nhiên, khi bà đi mới được nửa đường thì người thân đạp xe theo gọi giật về vì công an tới nhà tìm. Về tới sân nhà, bà bị họ còng lại, tra vấn việc giấu vàng ở đâu. Rồi họ đẩy bà lên chiếc xe Jeep, tiếp tục đi “gom” thêm hai người phụ nữ khác là bà Nguyễn Thị Lan (vợ ông Chiến) và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (vợ ông Chánh).
Đáng thương là hai người phụ nữ này đều đang có con nhỏ. Con bà Nguyễn Thị Lan mới sinh được 2 tháng rưỡi. Từ lúc bị đưa lên xe Jeep, đứa bé cứ khóc mãi tới khi người tím tái. Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cứ lịm dần vì đang thai 5 tháng mà tay bị còng chặt. Ngoài đứa con trong bụng, sau đó, bà còn phải dẫn đứa con gái mới tròn 8 tuổi vào ở trong tù bởi không thể nhờ vả ai nuôi...
Nghẹn ngào bi kịch
Bà Nguyễn Thị Cảm, em gái ông Nguyễn Văn Chiến, kể lại sau khi chứng kiến cảnh các anh trai mình bị bịt mắt trên chiếc xe Jeep vụt ngang qua về hướng công an huyện, bà đã tìm hiểu lý do vụ bắt. Sau khi về nghỉ phép, tối 26.7.1979 ông Dũng tới nhà ông Chiến chơi. Nhà ông Chiến nằm cạnh mé sông, là nơi nhóm cướp ở nhà máy xay xát chạy qua, nên khi truy đuổi lực lượng công an thấy nhà ông Chiến còn sáng đèn đã vào lục soát. Cũng cái đêm định mệnh đó, em vợ ông Chiến cũng tên Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ), dân quân xã, sau khi đi tuần về thì tới chung vui, nhậu mệt quá nên nằm ngủ và ôm cây súng M16 mang theo khi đi tuần. Người bị cướp thì khai bọn cướp có súng M16, dao loại thường... Đây chính là lý do mà ông Chánh và cả những người có mặt tại nhà ông Chiến đêm hôm đó bị bắt vì vừa có súng M16, vừa có dao...
Với gia đình bà, sau đó là chuỗi ngày đầy tủi nhục khi đi đâu cũng bị ghẻ lạnh vì “có cả nhà đi ăn cướp”. Đau lòng hơn, người chồng rồi cũng buồn bực, rượu chè có khi hắt hủi, đánh đập bà.
Bi kịch của gia đình bà Cảm bị đẩy lên đỉnh điểm khi cha bà, ông Nguyễn Bá Tòng (khi đó 53 tuổi), chứng kiến 5 đứa con trai, gái, dâu, rể cùng 3 cháu nội ngoại phải vào tù, nên quẫn bách tìm cách đi nói chuyện “phải quấy” với những cán bộ có liên quan, để phải vào vòng lao lý. Dù chưa thực hiện được hành vi gây hấn, ông đã bị tố giác tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép và bị kết án
3 năm tù. Thời điểm ông Tòng bị kết án tù cũng là lúc các con ông bị tạm giữ điều tra được 2 năm. Ngày đầu tiên vào nhà lao, ông được đưa vào đúng phòng của con mình là ông Dũng. Ông Dũng kể, ba chụp lấy tay tôi, nước mắt giàn giụa, nấc lên: “Con ơi, nhà mình đã hết phúc. Các con bị bắt oan, ba không kìm lòng được nên tính tìm thằng Tiết (ông Phùng Văn Tiết, nguyên điều tra viên Công an H.Trảng Bàng - PV) đòi lại công lý cho con nhưng chưa làm được gì thì bị bắt”, ông Dũng nghẹn ngào nhớ lại lần duy nhất gặp ba trong tù.
Cùng gia đình ông Nguyễn Bá Tòng có tới 8 người vào tù, bi kịch cũng ập tới gia đình ông Nguyễn Thành Nghị. Do không chịu nổi tra khảo, ngoài việc nhận tội, con trai ông Nghị là Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ, khi bị bắt mới 18 tuổi) còn khai thêm cha mẹ mình là đồng phạm. Lý lẽ ngây thơ của Dũng lúc đó cứ khai bừa để khỏi bị đánh cái đã. Dũng nghĩ cha mẹ đều hoạt động cách mạng, cha còn là bộ đội phục viên mới về, cứ khai ra biết đâu cha sẽ có cách cứu mình. Nhưng Dũng đã sai lầm, bởi sau khi khai ra, lập tức cha mẹ ông đều bị bắt và chính ông phải chứng kiến cảnh cha bị đánh vì tội… không chịu nhận tội như con mình trước đó.
Thấy cha bị đánh, Dũng lại đi đến quyết định sai lầm khi ra hiệu cho cha nhận tội để còn có cơ hội được sống. Nhưng càng nhận tội thì cha con ông càng bị đánh vì không chỉ ra được chỗ giấu 5 chỉ vàng. Bây giờ đã 57 tuổi, nhớ lại những ngày kinh hoàng đó, ông Dũng luôn tự trách mình vì sao lại khai khống ra như vậy.
Còn ông Nguyễn Văn Chiến cũng không chịu được quá trình tù tội, đã khai đưa vàng cho vợ cất, đẩy bà Nguyễn Thị Lan - vợ ông - phải ôm con mới sinh hơn 2 tháng vào tù. Từ lý do này mà về sau vợ chồng ông cứ mãi hục hặc, cuối cùng dẫn đến ly hôn. Ông Chiến nhận lỗi: “Tôi biết mình là kẻ tội đồ khi đẩy vợ con vào bi kịch khủng khiếp”. Trong trí nhớ của anh em ông Chiến bị bắt hồi đó, với vẻ bề ngoài hom hem ốm yếu, ông Chiến như một “cái bia hứng đòn roi” được đưa ra để ép những người khác nhận tội. Kết quả, sau những ngày khảo cung, tai ông Chiến điếc đặc, đầu lúc nào cũng đau, lúc trái gió trở trời là đôi chân đau nhức.
(còn tiếp)
Bình luận (0)