[PHIM TÀI LIỆU] Bí mật vụ án oan 40 năm ở Tây Ninh
|
Họ liên hệ Viện KSND tỉnh Tây Ninh đề nghị cung cấp quyết định này thì câu trả lời là “chưa tìm thấy”, trong khi chính Viện lại yêu cầu 7 người phải trưng ra quyết định đình chỉ điều tra mới có căn cứ giải quyết các quyền lợi liên quan. Kiểu “đánh đố” này khiến những người oan sai mấy chục năm qua chất chồng cay đắng.
Phải chăng là quá khó ?
Ngày 24.9, PV Thanh Niên đã tới Viện KSND tỉnh Tây Ninh để làm sáng tỏ tại sao chỉ có ông Nguyễn Văn Dũng nhận được quyết định đình chỉ điều tra (số 15 ngày 11.5.1983 của Viện KSND tỉnh Tây Ninh) mà 7 người còn lại trong vụ án không nhận được? Hiện Viện còn lưu trữ các quyết định đình chỉ điều tra này và có giải quyết việc khiếu nại của 7 người kể trên hay không? Sau khi xin ý kiến lãnh đạo Viện, ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Chánh văn phòng Viện KSND tỉnh Tây Ninh, trả lời việc ông Dũng khiếu nại Viện KSND tỉnh Tây Ninh và được viện này xem xét do có quyết định đình chỉ điều tra. 7 người còn lại không có quyết định đình chỉ nên thời điểm đó Viện KSND tỉnh Tây Ninh không có căn cứ để giải quyết.
Về câu hỏi tại sao thời điểm năm 1983, 7 người còn lại không nhận được quyết định đình chỉ điều tra và hiện Viện còn lưu trữ các quyết định này để họ làm căn cứ đi khiếu nại, ông Hạnh cho biết do thời gian quá lâu, trải qua nhiều vấn đề lịch sử, những người trực tiếp giải quyết vụ việc đều đã nghỉ hưu, một số đã mất nên giờ không thể giải quyết yêu cầu của phóng viên (?!). Còn nếu những người này có chứng cứ như ông Dũng thì Viện KSND tỉnh Tây Ninh sẽ giải quyết. “Với thẩm quyền của mình, tôi chỉ trao đổi với phóng viên vậy”, ông Hạnh nói và cho biết thêm nếu cần thì 7 người làm đơn đề nghị để Viện KSND tỉnh Tây Ninh nghiên cứu, giải quyết, trả lời bằng văn bản.
Câu trả lời của ông Hạnh cho thấy Viện KSND đã không cầu thị, thậm chí né tránh trong giải quyết vụ việc oan sai. Hoạt động của một cơ quan nhà nước phải luôn mang tính kế thừa, liên tục, không thể chỉ dựa vào một vài cá nhân trực tiếp liên quan để khi họ đã về hưu hay đã mất thì không có căn cứ giải quyết. Đặc biệt, công tác lưu trữ càng không thể liên quan đến các cá nhân. Trong quyết định đình chỉ điều tra của Viện KSND tỉnh Tây Ninh cấp cho ông Nguyễn Văn Dũng lúc bấy giờ đã nêu rõ tên cả 8 người bị oan sai, nếu Viện KSND tỉnh Tây Ninh thực sự muốn giải oan cho những người này thì hoàn toàn có căn cứ.
Và những gì diễn ra ở phiên tòa ông Nguyễn Văn Dũng kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh càng thêm cơ sở củng cố nhận định trên.
|
Hành trình một vụ kiện
Trong đơn khởi kiện ban đầu gửi tới Tòa án tỉnh Tây Ninh, ông Dũng đứng đơn kiện đòi Viện KSND tỉnh Tây Ninh giải quyết bồi thường cho 8 người trong vụ án cướp vàng năm xưa nhưng tòa hướng dẫn ông quay về nộp đơn tại Tòa án H.Gò Dầu vì đây là đơn vị đầu tiên cần thụ lý đơn. Tại đây, đơn kiện của ông Dũng được yêu cầu sửa lại với nội dung chỉ yêu cầu bồi thường cho một mình ông và tách riêng những bị can còn lại. Điều đáng nói, nếu như không chung đơn kiện với ông Dũng thì những người còn lại không thể kiện, bởi họ không có quyết định đình chỉ điều tra làm cơ sở đi kiện, nhưng nếu ông Dũng không tách 7 người ra thì tòa không thụ lý và vụ việc sẽ mãi mãi “chìm xuồng”. Cuối cùng, ông Dũng chấp nhận tách những người còn lại ra, nhưng yêu cầu triệu tập những người này tại tòa với tư cách những người liên quan.
Trong phiên tòa sơ thẩm của TAND H.Gò Dầu ngày 12.9, để làm rõ các tình tiết việc nhục hình, bức cung ép người bị bắt trong vụ việc này, ông Dũng yêu cầu tòa triệu tập ông Phùng Văn Tiết (thời kỳ 1979 là điều tra viên tại H.Trảng Bàng, Tây Ninh) đến tòa đối chất, làm rõ trách nhiệm của người gây oan sai. Đồng thời, đại diện nguyên đơn cũng yêu cầu triệu tập những người bị bắt cùng tội danh trong thời điểm đó tới tòa với vai trò người liên quan để làm rõ nhiều tình tiết còn khuất tất trong vụ án. Tuy nhiên, sau khi hội ý, tòa bác yêu cầu này và tiếp tục xét xử. Suốt thời gian sau đó, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (luật sư bào chữa cho nguyên đơn) không ngừng lặp lại các câu hỏi: “Vụ án cướp vàng” năm 1979 có tất cả 8 bị can. Tuy nhiên, khi được thả, chỉ một mình ông Nguyễn Văn Dũng nhận được quyết định đình chỉ vụ án. Vậy, những quyết định còn lại đã ở đâu suốt thời gian gần 40 năm qua và liệu 7 người còn lại có quyết định đó hay không?
Tuy nhiên, đại diện bị đơn là ông Thân Văn Danh, Trưởng phòng Hình sự Viện KSND tỉnh, từ chối trả lời với lý do “không cần thiết phải trả lời” (?!). Trong khi đó, vị thẩm phán điều khiển phiên tòa cũng không yêu cầu bị đơn trả lời câu hỏi. Luật sư Phúc tiếp tục nêu yêu cầu của quyết định đình chỉ điều tra được ông Trịnh Quốc Anh ký năm 1983 là khôi phục các quyền lợi liên quan, vậy các cơ quan tố tụng đã làm việc này như thế nào? Và ông Danh lại đáp “không cần thiết phải trả lời”.
Tại tòa, ông Dũng kể khi bị bắt bị điều tra viên Phùng Văn Tiết đánh bằng ghế và lột quần áo, đồng thời khước từ việc chuyển ông qua quân pháp khiến cuộc đời ông chìm trong bi kịch. Ông yêu cầu phải triệu tập điều tra viên Phùng Văn Tiết tới tòa, nhưng bị tòa ngắt ngang, buộc ông phải ngồi xuống. Phiên tòa bị ngưng với hàng loạt chi tiết chưa được làm rõ, nhưng bản án vẫn được tuyên chỉ với một nội dung vỏn vẹn buộc Viện KSND tỉnh Tây Ninh bồi thường ông Dũng số tiền hơn 615 triệu đồng.
7 người liên quan hoàn toàn không được nhắc đến và những tình tiết cần được làm rõ trong vụ án cũng bị lờ đi.
Đáng chú ý, ở phiên tòa ông Dũng kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh có sự tham gia thầy giáo Nguyễn Thận với vai trò là người đại diện nguyên đơn. Nói với PV Thanh Niên về lý do tham gia vụ án, ông Thận cho hay thông qua một số luật sư tham gia vụ Huỳnh Văn Nén (H.Hàm Tân, Bình Thuận), ông biết đến vụ án này. Sau đó ông Thận gặp ông Nguyễn Văn Dũng nghe kể ngọn nguồn vụ việc. Trong câu chuyện ông Dũng kể, điều ông Thận quan tâm nhất là ông Dũng bị bắt oan sai khi đang làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, giống như em trai ông. Từ đó, dù sức khỏe không tốt, điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng ông Thận từ Bình Thuận lên Tây Ninh gặp những người bị án oan, dự phiên tòa sơ thẩm mà ông Dũng kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh. “Khi nghe người trong cuộc kể những gì họ đã trải qua, tôi đã khóc vì những gì họ đã phải nếm trải. Do đó, tôi quyết định tham gia, đồng hành với họ”, ông Thận chia sẻ.
Theo ông Thận, 8 người bị bắt đã được khẳng định là oan sai bởi quyết định đình chỉ điều tra do ông Trịnh Quốc Anh, Phó viện trưởng Viện KSND Tây Ninh thời đó, ký. Điều cần làm nhất bây giờ là những người tạo oan sai hay những người kế thừa cần phải cầu thị, sửa sai theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, trả lại quyền lợi chính đáng về cả vật chất lẫn tinh thần cho người bị oan sai. “Đừng để oan sai chồng thêm oan sai nữa”, ông Thận kiến nghị, và chúng tôi cũng đồng quan điểm này.
Đeo đuổi đến cùng để đòi quyền lợi cho người oan sai
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 4 (Bộ Quốc phòng), hiện là Trưởng ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh Mặt trận 479 (Quân khu 7), kể ông biết vụ việc của cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng trong chuyến đi tìm mộ liệt sĩ ở Lâm Đồng năm 2017. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu kỹ vụ việc, thiếu tướng Doanh cùng đồng đội quyết định vào cuộc. “Chúng tôi cử đồng đội đi đến điều tra từng gia đình nạn nhân và nhận định đây là vụ án rất nghiêm trọng. Chính quyền Tây Ninh khi đó đã bắt quân nhân tại ngũ đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia mà không báo với đơn vị, làm cho đồng chí Dũng bị oan sai lại thêm tội đào ngũ. Điều này chứng tỏ cơ quan công quyền Tây Ninh rất vô nguyên tắc khi thực thi pháp luật lại vi phạm pháp luật. Sau đó đã ép cung gây ra oan sai cho mấy gia đình trong nhiều năm trời”, thiếu tướng Doanh nói và cho biết điều đau xót nhất là luật pháp không được tôn trọng. “Ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh Mặt trận 479 kiên quyết theo đuổi vụ việc đến cùng, đòi quyền lợi cho cựu chiến binh Dũng và những người liên quan vụ án”, ông khẳng định.
Sau phiên tòa ngày 12.9, ông Nguyễn Văn Dũng đã nộp đơn kháng cáo bản án của TAND H.Gò Dầu, đề nghị TAND tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị oan sai.
|
Bình luận (0)