Mới mưa mà đường phố ở TP.HCM đã ngập

09/05/2018 09:06 GMT+7

Mới chỉ là những cơn mưa đầu mùa nhưng đã gây khó cho người dân TP.HCM vì ngập. Trong khi đó, các dự án chống ngập được kỳ vọng đều đứng trước nguy cơ trễ hẹn.

Có máy bơm vẫn ngập
Cơn mưa đầu mùa chiều 7.5 với vũ lượng đo được từ 16 - 61,3 mm tùy khu vực đã khiến nhiều tuyến đường tại TP.HCM ngập nặng. Cơn mưa bắt đầu lúc 13 giờ 30, kéo dài trong gần một giờ khiến nhiều người đi xe máy trên các tuyến đường ở Q.Thủ Đức, Q.9, Q.2, Q.Bình Thạnh... phải bì bõm dắt xe lội bộ do chết máy.
VIDEO: Người Sài Gòn lại khốn khổ vì mưa gây ngập vào giờ tan tầm
Đáng chú ý, dù đã có “siêu máy bơm” chống ngập nhưng đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) cũng không thoát khỏi tình trạng chìm trong biển nước.
Ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Công ty Tập đoàn công nghiệp Quang Trung, đơn vị triển khai hệ thống máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập tuyến đường này ngày 7.5 là do mưa với vũ lượng lớn trong thời gian ngắn, khiến nước trên mặt đường không kịp thoát xuống cống, máy bơm hoạt động hết công suất vẫn không kịp thu nước. Chưa kể nước từ các hướng cuốn theo cả rác thải bít một số miệng cống khiến việc bơm nước gặp khó khăn.
“Chỉ 30 phút sau khi dứt cơn mưa, máy bơm đã hút hết nước trên mặt đường đổ ra sông Sài Gòn, cứu ngập cho toàn tuyến. Với hiện trạng cốt nền đường cùng rác thải bịt kín nhiều hố ga, miệng cống như hiện nay, máy bơm không thể giải quyết hết ngập ngay thời điểm mưa lớn, chỉ có thể đảm bảo không để tuyến đường ngập quá 30 phút sau mưa, đáp ứng đúng tiêu chuẩn chống ngập của Bộ Xây dựng, cũng như theo hợp đồng với UBND TP”, ông Cường cho biết.
'Cứu tinh' ngưng thi công
Theo báo cáo về tình hình ngập nước trong trận mưa ngày 7.5 của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm chống ngập), TP có 6 điểm bị ngập thì nguyên nhân đều do đường trũng thấp, hệ thống cống cũ mục, xuống cấp. Riêng đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm chống ngập), cho biết dự án Cầu Thủ Thiêm đã thi công xong tuyến cống hộp là phần hạ lưu của tuyến đường. Tuy nhiên cao độ đáy cống phần hạ lưu cao hơn thượng lưu 0,6 m, cùng mặt đường thấp trũng khiến tuyến đường này trở thành “rốn” ngập của TP.
“Giải pháp cấp bách là sử dụng máy bơm thông minh, nhưng về lâu dài cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường và hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến triển khai trong năm 2018 và hoàn thành vào năm 2019”, ông Long nói.
Cũng theo Trung tâm chống ngập, hiện TP đã xử lý được 22/40 điểm ngập bằng giải pháp công trình, 18 điểm còn lại đang triển khai các dự án nhưng một số gặp khó khăn về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng. Đơn cử dự án cải tạo rạch Cầu Ngang - đường thoát nước trục dài 816 m kết nối hệ thống thoát nước ở Q.Thủ Đức được đề xuất gần 7 năm nhưng đến năm 2016 mới được cấp vốn để thi công, còn vướng gần 20 hộ dân chưa đền bù giải tỏa. Hai dự án lắp đặt hệ thống thoát nước đường Lê Văn Việt và Lã Xuân Oai (Q.9) dự kiến trong năm nay sẽ triển khai thi công nhưng đến giờ vẫn chưa động tĩnh.
Dự án "Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1" do Trung Nam Group làm chủ đầu tư dự kiến hoàn thành vào ngày 30.4.2018, được kỳ vọng sẽ trở thành “vị cứu tinh” cho vùng diện tích 570 km² khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM mới bất ngờ thông báo ngưng thi công do thiếu vốn, nguy cơ chậm tiến độ do chậm trễ giải phóng mặt bằng. Như vậy, mùa mưa năm nay, người dân TP vẫn chưa thể thoát khỏi cảnh ngập nước.
Muốn hết ngập, cần 100.000 tỉ đồng
TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC - Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng TP cần huy động vốn để tiếp tục nâng cấp hệ thống thoát nước tại các vùng ven theo Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước 752 đã có từ năm 2001. Chương trình này đã có nghiên cứu nhưng vẫn chưa được triển khai. Bên cạnh đó, kết hợp mảng xanh đô thị cùng với hệ thống thoát nước đồng đều trên các địa bàn quận, huyện. “Để làm được những điều trên, kinh phí TP cần đầu tư ước tính 100.000 tỉ đồng. Nếu không nhanh chóng giải quyết, tình trạng ngập lụt sẽ ngày càng kéo dài và nặng nề”, ông Phi nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.