Mỗi năm trồng hàng trăm nghìn ha rừng, hết 'đói' nguyên liệu gỗ

27/02/2024 18:51 GMT+7

Giai đoạn 2021 - 2023, diện tích trồng rừng tập trung bình quân đạt 260.400 ha/năm, sản lượng khai thác gỗ đạt bình quân khoảng 32 triệu m3, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và thị trường lâm sản.

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp đạt bình quân 4,6%/năm, đạt 92% kế hoạch; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt bình quân 15,8 tỉ USD/năm, đạt 88% kế hoạch.

Mỗi năm trồng hàng trăm nghìn ha rừng, hết 'đói' nguyên liệu gỗ- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo

ĐT

Ngành lâm nghiệp đã có đóng góp đáng kể vào tỷ lệ xuất siêu của ngành nông nghiệp với con số xuất siêu năm 2021 đạt 12,94 tỉ USD; năm 2022 đạt 14,10 tỉ USD; năm 2023 ước đạt 12,199 tỉ USD.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, ngay trong nửa đầu tháng 2 (từ ngày 1 - 15.2), xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 353,97 triệu USD; lũy kế từ đầu năm đến ngày 15.2 đạt 1,82 tỉ USD, tăng 0,61 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2023.

Phát biểu tại hội thảo "Giải pháp thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới" diễn ra ngày 27.2, tại Hà Nội, ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho biết điểm rất đáng chú ý là trong giai đoạn trên, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.650 tỉ đồng/năm.

Năm 2023 đã thu được 4.130 tỉ đồng, trong đó có 997 tỉ đồng từ dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon rừng, góp phần giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, thực hiện chi trả kinh phí để bảo vệ khoảng 7,3 triệu ha rừng, trở thành một nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp.

Nhờ tác động của Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023, công tác phát triển rừng có nhiều bước tiến.

Giai đoạn 2021 - 2023, diện tích trồng rừng tập trung bình quân đạt 260.400 ha/năm; diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh đạt bình quân 136.000 ha/năm. Sản lượng khai thác gỗ giai đoạn 2021 - 2023 đạt bình quân khoảng 32 triệu m3, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và thị trường lâm sản.

Quản chặt chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị, những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023 đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.

Mỗi năm trồng hàng trăm nghìn ha rừng, hết 'đói' nguyên liệu gỗ- Ảnh 2.

Nhờ tác động của Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023, công tác phát triển rừng có nhiều bước tiến

ĐAN THANH

Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp cũng đang đứng trước những cơ hội, thách thức đan xen. Trong số đó có những thay đổi từ các quy định của các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như luật Đất đai 2024; các quy định mới về thực hiện cam kết của Việt Nam đối với quốc tế như cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050; thực hiện Quy định không phá rừng của EU (EUDR)…

Ông Lực cho rằng, quá trình thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp cũng còn những tồn tại, khó khăn như năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp; việc trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn; chậm đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, sắp xếp công ty lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng còn khó khăn. Nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư, bổ sung ngân sách cho bảo vệ và phát triển rừng.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng cần quản lý và sử dụng có hiệu quả trên 3,4 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp đang được UBND cấp xã quản lý, bảo vệ bằng được diện tích rừng hiện có và phát triển rừng; giải quyết thiếu đất sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc tại chỗ.

PGS-TS Nguyễn Bá Ngãi (Hội Chủ rừng Việt Nam) nhấn mạnh, cần xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phục hồi rừng theo phương thức hợp tác quản lý rừng phù hợp cho từng loại rừng như: giao đất, giao rừng cho cộng đồng để thực hiện quản lý rừng cộng đồng; giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân; giao đất, giao rừng cho các ban quản lý rừng và công ty lâm nghiệp, khuyến khích thực hiện hình thức hợp tác, liên kết với cộng đồng quản lý rừng.

"Đặc biệt, cần tăng cường quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác", ông Ngãi nói.

Lũy kế đến hết năm 2023, cả nước có 465.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đạt 93,0% mục tiêu về diện tích đến năm 2025 (500.000 ha). Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định ở mức 42,02%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.