Các nghệ nhân cùng sát cánh với người dạy, người học nhạc dân tộc. Đó là thử nghiệm của dự án đối thoại âm nhạc truyền thống mà Bộ Ngoại giao Phần Lan tài trợ cho Hà Nội.
Các nghệ sĩ Phần Lan biểu diễn tại Hà Nội vào tối 9.4 - Ảnh: Vũ Khương
|
“Chúng cháu không biết ạ”
Những người mê chèo chẳng bao giờ quên được vai diễn đỉnh cao của ông - hoàng tử Pơ Liêm trong vở chèo Nàng Sita lừng lẫy ngày nào. “Thế hệ của chúng tôi được học chèo qua các nghệ nhân. Họ dạy rất kỹ các ngón nghề. Thậm chí, dạy nói một câu chèo cũng kỹ lưỡng chẳng kém gì hát chèo. Vì nói là để dẫn vào hát. Còn bây giờ nhiều người trẻ hát lẫn lộn các thể loại, sai cả các đặc trưng ấy”, ông Chiêm nói.
Không chỉ ông Chiêm lên tiếng về việc giảng dạy âm nhạc dân tộc đang rất không ổn mà nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan, Viện Âm nhạc, cũng kêu trời về việc giảng dạy âm nhạc đang vô cùng có vấn đề, cho dù ở các cấp học thấp, nó cũng chỉ dừng lại ở mức dạy hát dân ca.
“Kết thúc buổi diễn âm nhạc truyền thống vào tối 9.4 tại Hà Nội, chúng ta đã thấy các bạn Phần Lan thể hiện kỹ thuật hát nhạc dân tộc mình hay như thế nào rồi đấy. Trong khi chúng ta đang dạy âm nhạc theo cách chỉ hát được giai điệu, còn những kỹ thuật lẩy hạt thì mất hết. Mà mất như thế là mất hết bản sắc”, bà Loan nói. Sự xinh tươi, vẻ đằm thắm của các tác phẩm âm nhạc dân tộc là điều bà nhắc đi nhắc lại nhiều.
NSND Thanh Tâm lại kể về “niềm đau chôn giấu” của mình. Khi bà tới một trường phổ thông có tiếng ở Hà Nội để giới thiệu về nhạc cụ dân tộc, không một học sinh nào gọi đúng tên cây đàn bầu mà bà mang tới. “Các em đồng thanh chúng cháu không biết ạ. Có một em xung phong xin nói thì lại gọi đó là đàn nhị”, nghệ sĩ đàn bầu nổi tiếng này nhớ lại. Bà không trách các em mà chỉ thật buồn.
Học qua smartphone
Chính vì thế, mở đường cho nghệ nhân đến với người dạy nhạc, người học nhạc truyền thống là cách mà những người làm dự án âm nhạc truyền thống Phần Lan - VN lựa chọn. “Chúng tôi mời các nghệ nhân tới trường để dạy truyền khẩu kỹ thuật cho các học sinh. Những học sinh này sau đó sẽ là hạt nhân để kỹ thuật hát, đàn ấy tiếp tục lan tỏa”, thạc sĩ Minh Ánh - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, nói. Đây chính là trường thụ hưởng dự án âm nhạc này. Đối tác của họ là Học viện Âm nhạc Ostrobothnia (Phần Lan).
Giáo phường ca trù Thái Hà (Hà Nội) là một trong những nơi học sinh Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội được học. Giáo phường có một kho tư liệu quý là các băng đĩa từ những năm đầu thế kỷ 20, với những giọng ca tiếng đàn nổi tiếng thời đó như ông Tư Mã, Trưởng Xuân, bà Châu Doanh, Chu Thị Bốn... “Truyền dạy ngoài dòng tộc chính là mong muốn của giáo phường ca trù Thái Hà để ca trù được hồi sinh mạnh mẽ”, NSƯT Nguyễn Văn Khuê nói.
Trong suốt thời gian dự án thực hiện, các nhà nghiên cứu, giảng viên của Học viện Âm nhạc Ostrobothnia đi lại giữa hai nước, thu thập dữ liệu và hướng dẫn cách làm việc với các nghệ nhân. Họ cũng mang sang VN những ý tưởng mình từng làm thành công và vẫn tiếp tục thực hiện. Một cuốn sách dạy nhạc đã được biên soạn ngắn gọn với 10 bài dân ca vùng Nam Ostrobothnia kèm theo CD do một ban nhạc dân ca chuyên nghiệp biểu diễn. Người học có thể dùng điện thoại thông minh tải miễn phí cả tư liệu video bao gồm video nhạc và hướng dẫn sử dụng nhạc cụ. Sách do nhạc viện quốc gia và một mạng lưới âm nhạc xuất bản. Mạng lưới này có tên Louhimo, chuyên dành cho thanh thiếu niên trong vùng. “Chỉ cần đưa điện thoại vào các hình ảnh là nó sẽ tự đọc và hiện ra các clip âm nhạc tương ứng”, bà Piia Kleemola cho biết.
“Chúng tôi đang chuẩn bị biên soạn những cuốn sách âm nhạc cho thiếu nhi tương tự như cách Phần Lan đã làm. Đó là chương trình sẽ phải thực hiện trong thời gian tới”, bà Minh Ánh cho hay.
Bình luận (0)