Mối nguy từ hồ, đập Trung Quốc: Đã tính đến tình huống Trung Quốc đồng loạt xả lũ

18/10/2015 06:03 GMT+7

Trong thiết kế hồ chứa thủy điện, VN đã tính đến trường hợp các hồ, đập thượng nguồn Trung Quốc đồng loạt xả lũ . Nhưng vấn đề khó hiện nay là nếu xả đột ngột thì vùng hạ lưu sẽ bị động ứng phó, GS-TS Hà Văn Khối, nguyên Trưởng bộ môn thủy văn công trình, Khoa Thủy văn tài nguyên nước, ĐH Thủy lợi cho biết.

Trong thiết kế hồ chứa thủy điện, VN đã tính đến trường hợp các hồ, đập thượng nguồn Trung Quốc đồng loạt xả lũ. Nhưng vấn đề khó hiện nay là nếu xả đột ngột thì vùng hạ lưu sẽ bị động ứng phó, GS-TS Hà Văn Khối, nguyên Trưởng bộ môn thủy văn công trình, Khoa Thủy văn tài nguyên nước, ĐH Thủy lợi cho biết.

Thiết kế hồ chứa các công trình thủy điện VN trên sông Đà có tính đến phương án thượng lưu xả lũ đồng loạt - Ảnh: Hồng AnhThiết kế hồ chứa các công trình thủy điện VN trên sông Đà có tính đến phương án thượng lưu xả lũ đồng loạt - Ảnh: Hồng Anh
Dung tích đón lũ còn rất lớn
Có nhiều năm theo dõi, nghiên cứu ảnh hưởng của các hồ chứa thượng nguồn Trung Quốc (TQ) tác động đến dòng chảy hạ lưu sông Đà, sông Thao, GS-TS Hà Văn Khối cho biết bắt đầu từ năm 2007, TQ khai thác rất mạnh tài nguyên nước trên thượng nguồn để làm thủy điện. Theo số liệu do phía VN chủ động thu thập được, đến năm 2012 TQ có kế hoạch xây dựng 52 thủy điện, hồ chứa lớn nhỏ. Về cơ bản, TQ đã tính đến khả năng khai thác hầu hết các bậc thang thủy điện lớn ở thượng nguồn sông Đà (đoạn chảy trên nước này) với tổng dung tích của tất cả các hồ chứa khoảng 2,5 tỉ m3. Đến năm 2012 đã có 8 công trình lớn đi vào vận hành, có tổng dung tích 1,25 tỉ m3. Qua theo dõi đến nay, tổng dung tích này có nhiều hơn nhưng cũng không đáng kể.
Lưu vực sông Hồng là một lưu vực sông liên quốc gia chảy qua 3 nước VN, TQ và Lào. Trong đó, phần thượng nguồn nằm ở phía TQ chiếm khoảng 48% diện tích của toàn lưu vực, phần diện tích nằm trên lãnh thổ VN là 51,3%, còn lại một phần rất nhỏ thuộc Lào. Nguồn nước của sông Hồng được các sông thượng nguồn TQ cung cấp gần 40%.
Cũng theo GS-TS Hà Văn Khối, trong các công trình thủy điện lớn của VN, khi thiết kế đều tính toán đến phương án đón lũ cho những trận lũ theo chu kỳ xảy ra là 1.000 năm/lần, 10.000 năm/lần. Nhưng ở các công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu thì phương án đón lũ theo mức lũ PMF, nghĩa là tính toán đến giới hạn cực đoan ở mức tối đa, về lý thuyết thì rất khó có khả năng xảy ra trên thực tế.
“Trong thiết kế các công trình hồ chứa thủy điện chúng ta cũng tính toán đến khả năng các hồ đập phía thượng nguồn đồng loạt xả lũ. Vì thế, trong các công trình hiện có chúng ta đã chủ động chuẩn bị không gian rất lớn để đón lũ, kể cả trong những tình huống bất thường, cực đoan nhất”, ông Khối nói.
Đề xuất cơ chế hợp tác ở cấp ngoại giao
Cũng theo GS-TS Hà Văn Khối, vấn đề khó nhất cho vùng hạ lưu VN là ứng phó với tình huống xả lũ đột ngột. Theo tính toán từ năm 2012, thời gian truyền lũ sau hồ chứa ở điểm Thổ Khả Hà (TQ) về đến Mường Tè (Lai Châu) trên sông Đà và từ điểm Mạn Hảo (TQ) về đến Lào Cai trên sông Thao mất khoảng 6 giờ. Trong khi TQ chỉ cung cấp mực nước thực đo theo các “ốp” 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ, chỉ cách nhau đúng bằng thời gian truyền lũ sẽ khó khăn cho VN khi dự báo lũ và đưa ra các phản ứng ứng phó. Còn nếu như trong thời điểm hiện nay chỉ cung cấp thông tin 2 lần/ngày vào trong mùa lũ thì không đủ thời gian ứng phó nếu xả lũ đột ngột. “Bởi có nhiều hồ chỉ cách biên giới VN khoảng vài chục đến khoảng trăm km, ta nhận được tin thì lũ đã vào rồi”, GS-TS Khối nói.
GS-TS Hà Văn Khối cũng cho rằng, giữa VN và TQ chưa có cơ chế hợp tác trao đổi thông tin thường xuyên, dù nhiều lần Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN đã xúc tiến đề nghị hợp tác nhưng không thành công. Thời gian gần đây, các nhà khoa học cũng đã có kiến nghị Chính phủ vào cuộc đề xuất cơ chế hợp tác ở cấp ngoại giao để sớm có hợp tác trao đổi thông tin khi có tình huống xả lũ đột ngột. Còn trước mắt, VN chủ động xây dựng các hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm phát hiện nhanh các tình huống thủy văn bất thường.
Nước sông Hồng dâng cao bất thường vì xả lũ ở Trung Quốc
Nước sông Hồng dâng cao bất thường vì xả lũ ở Trung Quốc - Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ở các dòng sông xuyên biên giới đều có lắp đặt các trạm đo thủy văn ở vị trí đầu nguồn. Trong các mùa bình thường, tần suất đo được thực hiện 4 - 5 lần/ngày, mùa lũ thì tần suất đo được tính theo vài giờ đo một lần, thậm chí đo liên tục 24/24 giờ nên có thể chủ động giám sát, đều có khả năng phát hiện nhanh nhất sự thay đổi đột ngột của dòng chảy để phát tin cảnh báo cho vùng hạ lưu.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN: “Cần cử người khảo sát, nghiên cứu xả lũ bên Trung Quốc”
Ông Trần Viết Ngãi
       Ông Trần Viết Ngãi - Ảnh: M.Q
Không cho rằng việc xả lũ ở các nhà máy thủy điện trên phía thượng nguồn các con sông chảy vào VN sẽ tác động nguy hiểm tới các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Hồng, sông Đà... ở VN nhưng ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, kiêm thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng xanh cho rằng, không nên chủ quan với tác động của việc xả lũ bất thường, lớn từ các hồ thủy điện, hồ thủy lợi lớn bên TQ, giáp VN.
* Thưa ông, nếu như các nhà máy thủy điện ở TQ xả lũ bất thường sẽ ảnh hưởng thế nào đến các nhà máy thủy điện của VN?
- Theo tôi, có ảnh hưởng nhưng không lớn. Như vừa qua có những đợt xả lũ ở thượng nguồn bên TQ ảnh hưởng đến công trình thủy điện Sơn La cũng không nhiều. Sợ nhất là xả ở thượng nguồn thủy điện Lai Châu, thủy điện Hòa Bình, vì có thể ảnh hưởng đến mình, do phần thượng nguồn đó là các con sông lớn bên TQ. Còn những nhánh nhỏ, ảnh hưởng không nhiều. Họ cũng làm thủy điện như mình, khi nước nhiều, lũ về thì họ xả bình thường.
* Nhưng cũng cần phải lường trước những đợt xả lũ lớn, bất thường. Nếu như có thì VN cũng phải có sự chuẩn bị phương án xử lý, vì mình đâu có quy chế phối hợp, điều hành liên hồ gì với TQ, thưa ông?
- Đúng là chúng ta cũng phải có những nghiên cứu xem lưu lượng nước, khả năng xả lũ từ thượng nguồn, từ các con sông, hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn nằm ở phía Trung Quốc, mức nước đỉnh cao như thế nào. Ví dụ như nếu lưu lượng nước ở TQ về VN 20.000 - 30.000 m3/giây thì khi về VN sẽ ảnh hưởng thế nào đến các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình... Chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ. Nhưng quả thật, nhìn lại, tôi chắc VN chưa có đoàn nào, chưa có ai sang bên TQ tìm hiểu vấn đề này. Lãnh đạo các ngành thủy lợi, địa chất VN cần cử người sang nghiên cứu xem cách thức họ xả thế nào: từ dòng sông, qua đập thủy điện hay xả từ các hồ chứa nước qua các đập thủy lợi. Cần xem xét, khi lũ lên họ xả hay đột nhiên họ xả.
* Trong trường hợp họ xả lớn thì về mặt kỹ thuật, các hồ chứa thủy điện của VN có thể chịu tác động nguy hiểm gì không, thưa ông?
- Theo tôi thì không. Các nhà máy thủy điện quy mô công suất lớn như thủy điện Sơn La, Lai Châu hay Hòa Bình vẫn chạy an toàn, không ảnh hưởng mấy vì nếu họ xả mạnh thì ta xả đáy. Ta để nước tràn ra mới xả. Các nhà máy đều thiết kế xả đáy. Xả đáy thì khi nước lên cao trình nhất định có thể xả ra chứ không để mức tràn lớn quá mới xả. Khi xây dựng Thủy điện Sơn La cũng nghiên cứu tác động cả nhưng có thể chưa đầy đủ. Dù sao, theo tôi, qua việc xả lũ bất thường trên mạn Lào Cai, có ảnh hưởng nhất định thì ta không nên chủ quan. Bộ Công thương hay Bộ NN-PTNT cũng nên xem xét lại, cử người qua bên đó xem họ xả lũ qua hồ, đập nào, xem đó là hồ nào, đập nào, xả qua dòng sông nào để biết có gì bất thường mà đề phòng.
Mạnh Quân (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.