"Có quá nhiều tay vợt xuất sắc ở Trung Quốc. Rất khó để góp mặt trong đội tuyển quốc gia," tay vợt Jeon Ji-hee người Hàn Quốc, nhưng gốc Trung Quốc, giải thích vì sao rời quê nhà và khoác áo đội tuyển khác. Ra đi để rồi chống lại nước nhà không bao giờ thoải mái. Thế nhưng, Jeon Ji-hee và nhiều VĐV khác không có sự lựa chọn.
Rất dễ để nhận ra sự thống trị của bóng bàn Trung Quốc đang dẫn đến một cuộc tháo chạy của nhiều tài năng trong nước. Điều này dấy lên nỗi lo ngày càng nhiều sân chơi "Trung Quốc mở rộng", toàn các tay vợt gốc Trung Quốc tranh tài, sẽ xuất hiện ở các giải đấu mang tính tầm quốc tế. Và thực tế điều này đã xảy ra.
|
Tại Olympic Rio 2016, Trung Quốc không chỉ mang đến giải những tay vợt bóng bàn giỏi nhất, mà còn sản sinh những "lính đánh thuê" chinh chiến trong màu áo các đội tuyển khác. Nội dung đơn nữ của Olympic Rio 2016 chứng kiến những VĐV gốc Trung Quốc đại diện cho Ba Lan, Đức, Bồ Đào Nha, Ukraine...
Tuyển Mỹ cũng có hai tay vợt với xuất phát điểm Trung Quốc. Đội Úc có 3 tay vợt gốc Trung Quốc, còn người thứ tư sinh ra ở Melbourne nhưng ba mẹ là Trung Quốc. Tại Olympic London 2012, chỉ có 3 đội tuyển bóng bàn nữ không có gốc Trung Quốc tranh tài là Ai Cập, CHDCND Triều Tiên và Nhật Bản.
tin liên quan
Olympic 2016: VĐV Trung Quốc bẽ bàng khi ăn mừng chiến thắng quá sớmTranh tài ở môn boxing hạng cân 49 kg tại Olympic Brazil, võ sĩ người Trung Quốc Lu Bin được một phen bẽ bàng khi ăn mừng quá sớm.
Kai Zhang, một VĐV gốc Trung Quốc hy vọng dự Olympic Tokyo 2020 cùng tuyển Mỹ, tiết lộ các HLV ở đất nước thuộc châu Á còn yêu cầu các học trò dù bệnh hoạn hay ốm yếu thế nào cũng phải tới sân tập. “Hãy đến Trung Quốc tập luyện nếu muốn vô địch. Còn nếu muốn một cuộc sống cân bằng, hạnh phúc và tự do, hãy tới Mỹ," Kai Zhang chia sẻ.
|
Mặc cho những cuộc tháo chạy nhân tài, Trung Quốc vẫn vững vàng trên đỉnh cao của làng bóng bàn thế giới. Từ khi bộ môn này được đưa vào thi đấu chính thức tại Olympic 1988, Trung Quốc đã giành 24/28 HCV. Công thức thành công của bóng bàn Trung Quốc đến từ hệ thống đào tạo trẻ. Họ huấn luyện các tay vợt từ khi còn nhỏ.
Trong khi đó, Hàn Quốc phải chờ đến khi tài năng được phát hiện rồi mới đào tạo. "Nếu không nuôi dưỡng những VĐV trẻ tài năng, cơ hội đánh bại các VĐV Trung Quốc rất thấp," Kim Taeksoo, cựu VĐV bóng bàn Hàn Quốc, nói.
|
Với các VĐV bỏ quê hương để phục vụ quốc gia khác, họ thường gặp vấn đề tâm lý mỗi khi đụng độ người quen. "Khi không biết gì về đối thủ, bạn sẽ không căng thẳng. Nhưng nếu biết đối thủ cũng là người Trung Quốc, hoặc một đồng hương từng tập luyện cùng... suy nghĩ lúc đó sẽ rất phức tạp," Jeon, "lính đánh thuê" Hàn Quốc nhưng gốc Trung Quốc nói.
Từ những gì diễn ra,có thể nhận thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục thống trị môn bóng bàn trong nhiều năm nữa, bất chấp mỗi năm lại chứng kiến làn sóng di cư của nhiều tay vợt giỏi.
Bình luận (0)