Cờ ốc được nước chủ nhà Campuchia đưa vào chương trình thi đấu ở SEA Games 32 và là môn khởi tranh đầu tiên từ sáng 29.4. Đây cũng là môn mà đoàn thể thao Việt Nam giành huy chương vàng (HCV) đầu tiên tại đại hội năm nay. 2 kỳ thủ Phạm Thanh Phương Thảo và Tôn Nữ Hồng Ân đã xuất sắc đánh bại các VĐV nước chủ nhà Campuchia ở trận chung kết nội dung đồng đội đôi nữ.
Trở thành môn đầu tiên mang về HCV cho đoàn thể thao Việt Nam ở kỳ SEA Games 32, cờ ốc đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều người hâm mộ. Trong đó, cờ ốc gây tò mò bởi cái tên lạ. Tuy nhiên, không chỉ lạ ở cái tên, môn cờ ốc còn có nhiều điểm thú vị khác, đặc biệt là về điều kiện thi đấu. Trong cờ vua hay cờ tướng, các VĐV đều được thi đấu trong một không gian riêng tư, gần như không có tiếng động bên ngoài để tập trung cao nhất. Nhưng cờ ốc thì khác, môn này thi đấu trong một không gian mở như nhiều môn thể thao có tính đối kháng.
Trong nhà thi đấu môn cờ ốc tại SEA Games 32, các VĐV thi đấu dưới sự theo dõi, cổ vũ của cả trăm khán giả. Trước mỗi trận đấu, các phóng viên được phép tác nghiệp ngay sát bàn cờ. Khi các trận đấu đang diễn ra, các VĐV thường xuyên nghe những thông báo lớn của ban tổ chức từ micro thông qua loa, hoặc nghe khán giả hò reo tưng bừng mỗi khi có một nước cờ hay. Bên cạnh đó, ở những trận đấu hấp dẫn, cả chục trọng tài đứng quanh... để xem.
Hot boy cờ ốc Việt Nam giành HCB tại SEA Games 32: ‘Chỉ có 8 tháng tập và thi đấu’
Ông Nguyễn Minh Thắng - lãnh đội đội tuyển cờ Việt Nam cho biết: "Môn cờ ốc vẫn còn là một môn mang tính dân dã, chưa chuyên nghiệp, khoa học như cờ vua hay cờ tướng. Mặc dù vậy, đây cũng là nét hay khi việc thi đấu mở như vậy sẽ giúp cho nhiều người được biết đến môn cờ ốc hơn".
Kỳ thủ Nguyễn Quang Trung (trái) và kỳ thủ Hoàng Nam Thắng
THU BỒN
Đồng quan điểm với ông Thắng, kỳ thủ Hoàng Nam Thắng của đội tuyển cờ ốc Việt Nam chia sẻ: "Việc thi đấu trong không gian mở giúp môn cờ ốc có tính thể thao hơn. Vì bên cạnh khả năng chuyên môn, các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như khán giả... sẽ giúp cho trận đấu trở nên kịch tính hơn khi các VĐV cần phải có bản lĩnh, duy trì sự tập trung cao độ. Ai thực sự đẳng cấp sẽ giành chiến thắng".
Trong khi đó, người vừa đoạt huy chương bạc nội dung cờ nhanh 5 phút nam - Nguyễn Quang Trung bày tỏ: "Việc thi đấu có nhiều âm thanh từ ban tổ chức, khán giả thật sự rất ảnh hưởng đến các kỳ thủ. Tuy nhiên, chúng ta phải thích nghi, tập luyện trạng thái tập trung cao hơn, tâm lý phải vững vàng, và khó ta thì cũng khó người. Ở nội dung cờ tiêu chuẩn thì tôi đã quen rồi, vì thời gian dài. Nhưng ở nội dung cờ nhanh, vì thời gian chỉ giới hạn 5 phút, còn gặp thêm sự cổ vũ của khán giả đội nhà nữa thì sẽ gặp áp lực rất lớn, dễ mất bình tĩnh và ảnh hưởng lớn đến kết quả trận đấu".
Ngoài ra, theo điều lệ của ban tổ chức, các VĐV phải đủ từ 18 tuổi trở lên mới được tham gia tranh tài môn cờ ốc ở SEA Games 32. Đây cũng là điều lạ của môn cờ ốc. Vì ở môn cờ vua, thần đồng người Ấn Độ - Rameshbabu Praggnanandhaa đã nổi tiếng khắp thế giới từ khi còn rất trẻ.
Cờ ouk chaktrang hay cờ khmer, được người Việt gọi là cờ ốc có cách chơi tương tự như cờ vua (giống 80%). Môn này rất phổ biến ở Campuchia, Thái Lan và được người dân 2 nước này chơi từ rất lâu về trước. Mặc dù vậy, ở SEA Games 32, nhiều kỳ thủ cờ vua của Việt Nam mới chỉ tập luyện chưa tới 1 năm đã thuần thục và trở thành đội mạnh.
Bình luận (0)