Theo suy đoán thông thường, người ta cho rằng Ban giám khảo sẽ chùn tay đối với một tác phẩm bị quy kết về chính trị, là thứ đáng sợ nhất đối với người làm phim lẫn người chấm giải. Trong quá khứ, đã nhiều lần những người hay quy kết chính trị các tác phẩm nghệ thuật đạt được mục đích: tác giả thì hoang mang lo sợ, không đủ tự tin để bảo vệ tác phẩm của mình; còn người định giá tác phẩm cũng không muốn phải giải trình rắc rối nếu bỏ phiếu cho tác phẩm bị đánh, nên sẽ đặt nó sang một bên, để được yên thân.
Ban giám khảo CDV 2006 đã có đủ dũng khí để chịu trách nhiệm về chọn lựa của mình, khi gạt nỗi sợ ấy sang một bên, thay vì gạt tác phẩm. Họ đã xác định được, một bài báo dù nặng nề đến mấy, cũng chỉ là một bài báo đơn lẻ, không đủ sức làm thay đổi nhìn nhận của cả số đông người làm báo, của những người hoạt động điện ảnh cũng như hàng vạn khán giả khách quan. Dù còn một số nhược điểm nhưng Áo lụa Hà Đông vẫn là bộ phim được khen ngợi rất nhiều kể từ khi công chiếu, và vẫn là một tác phẩm nổi trội trong những phim nhựa năm 2006. Áo lụa Hà Đông được giải, sẽ xóa đi một tiền lệ xấu đã mặc nhiên tồn tại khá lâu trong hoạt động nghệ thuật của chúng ta.
Nhưng nếu cái được của lễ trao giải phải đến phút cuối người ta mới biết tới, thì cái không được của buổi lễ đã xuất hiện nhãn tiền ngay từ phút ban đầu. Là một đơn vị hoạt động văn hóa chuyên nghiệp, vậy mà nhà tổ chức đã không có được một đường dây trôi chảy cho buổi lễ, để cho đủ thứ lủng củng luộm thuộm cứ bày ra, bắt mọi người phải chứng kiến.
Không chỉ là chuyện thiếu các trích đoạn đề cử ở phần đầu chương trình, mà ngay cả việc giới thiệu trích đoạn ở phần sau cũng không đúng lúc: sao lại bắt người nhận giải phải cầm giải thưởng (được trao một cách hối hả cập rập để còn chiếu phim) đứng trên sân khấu xem phim của mình, trong khi lẽ ra, giải phải được trao và nhận một cách trân trọng nhất, ấn tượng nhất, để sau đó có thể được nghe những phát biểu đầy cảm xúc của người nhận giải? Sao không làm việc trước với khách mời trao giải, để xảy ra việc một đạo diễn chiếm diễn đàn, dài dòng thuyết minh về đề cử thành công của mình đến nỗi bị cắt ngang? Sao một phim được nhiều giải khác nhau lại không có những trích đoạn tiêu biểu cho từng giải mà lại bắt khán giả tốn công xem đi xem lại cùng một trích đoạn rất phí thời gian? Sao không chuẩn bị tinh thần cho những ứng viên của giải, để họ không bị động trong trang phục, ứng xử, cũng như trong phát biểu?... Sao có quá nhiều thứ thiếu chuyên nghiệp một cách lộ liễu như vậy, trong buổi lễ rất quan trọng của một ngành nghệ thuật - công nghệ luôn đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao?
Hay cứ phải như thế mới là điện ảnh Việt Nam?
Camera
Bình luận (0)