Tại HĐT Chu Văn An, theo ông Nguyễn Hữu Chiệu, Chủ tịch HĐT: trong hai ngày thi vừa qua chỉ có 2 trường hợp thí sinh (TS) vắng mặt do bị sốt không thể dự thi.
Còn tại HĐT Đông Thái, điểm thi của trung tâm GDTX quận Tây Hồ và Ba Đình, theo chủ tịch HĐT thì có tới hơn 50% TS tại đây là những TS thi lại, trong đó có một số trường hợp thi lại tới lần thứ 3.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, công tác tổ chức coi thi tại HĐT này chưa chặt chẽ, TS để túi, cặp sách ngay trên bệ cửa sổ, sát với ghế ngồi của TS, thậm chí có trường hợp TS mang theo cả cặp sách vào phòng thi và để ngay trên ghế ngồi nhưng giám thị của phòng thi này vẫn không phát hiện. Chỉ đến khi đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT phát hiện và trực tiếp nhắc nhở thì chiếc cặp này mới được mang ra khỏi phòng thi. Khi phóng viên đi theo đoàn mở chiếc cặp này ra thì thấy có “phao” thi trong đó. Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT thì TS mang tài liệu vào phòng thi dù chưa sử dụng cũng bị lập biên bản và đình chỉ thi.
Kết thúc buổi thi chiều nay, nhiều TS tại HĐT THPT Kim Liên bước ra với tâm trạng phấn khởi. Nhiều em hỏi nhau: “có chép được hết không” với nụ cười rất hớn hở. V.A, một TS nữ của HĐT này phấn khởi “khoe” với bạn: hôm nay cô “thả” cho khá thoải mái nên chỉ việc “quay” thôi.
Tin từ ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: ngày thi thứ hai, toàn thành phố có 211 TS bỏ thi (chiếm tỷ lệ 0,28%). Trong đó có 1 trường hợp TS bị tai nạn giao thông.
* Tại Hà Nội, kết thúc môn thi Lịch sử chiều nay, nhiều thí sinh thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành được “gánh nặng” học thuộc. Hơn thế, đề Sử năm nay được đánh giá là rất ngắn gọn, súc tích, các câu hỏi nêu trúng ngay vấn đề. Tại Hội đồng thi trường THPT Hà Đông (Hà Đông, Hà Nội), thí sinh Phạm Thu Quỳnh, học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông) phấn khởi nói: “Lúc đầu vào phòng thi, đứa nào cũng sợ vì môn này là môn khó nhằn, nhiều sự kiện, dữ liệu nhất trong 3 môn thi khối xã hội, nhưng khi được phát đề, thấy toàn các câu hỏi trong phần kiến thức mình đã học qua nên em làm bài cũng được khoảng 80%”. Đặc biệt câu 3b, phần tự chọn dành cho chương trình Nâng cao được nhiều TS thích thú vì nó khá gần với hiện tại. Đinh Việt Dũng (THPT Nguyễn Thị Minh Khai) nhận định: ‘“Đây là câu hỏi mở rất hay. Nó đòi hỏi TS phải có sự liên tưởng, tư duy tốt. Đa phần chúng em chọn câu này, vì toàn cầu hóa là vấn đề được rất nhiều kênh truyền thông chú ý đến, nên cũng dễ tiếp cận”. Còn Quỳnh Anh, học sinh trường THPT Lương Thế Vinh nói em “mạo hiểm” chọn câu 3b vì muốn phát huy tính sáng tạo của mình, đồng thời cũng mong muốn thầy cô giáo khi chấm sẽ đánh giá cao và cho điểm rộng. Một số thí sinh lại cho rằng đề Sử năm nay đi vào chi tiết chọn lọc khiến nhiều TS lúng túng. Hoàng Thị Hồng Ngân thi tại điểm THPT Lômônôxốp cho biết: “Nếu so với môn Địa lý sáng nay, kết quả làm bài thi môn Sử khiến em không mấy tự tin”.
Câu hỏi khiến nhiều TS băn khoăn nhất là câu yêu cầu TS tóm tắt cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến. Nhận định về câu hỏi này, TS Nguyễn Ngân Trang (khối THPT chuyên Đại học Sư phạm) nói: “Hầu như tất cả các bạn thi cùng phòng với em đều cắn bút trước câu hỏi này. Không ai nghĩ đề lại ra vào vấn đề đó. Có nhiều chi tiết không phải ai cũng nhớ được hết trong chuỗi sự kiện đó”. Ở môn thi chiều nay được dự đoán là môn sẽ có khả năng quay cóp nhiều nhất, một TS giấu tên tại hội đồng thi trường THPT Kim Liên ví von: “thực ra bạn bè em cũng dắt vào người nhiều "phao" lắm, nhưng “phao” này chìm nghỉm trong túi quần, túi áo vì không ai dám “manh động”, bị tóm coi như xôi hỏng bỏng không”. Tuy vậy, TS này cũng cho biết, buổi chiều nay thầy cô coi thi cũng thoáng, đề lại ngắn gọn nên việc trao đổi bài tương đối dễ dàng”. Tại nhiều địa điểm phía ngoài sân trường như THPT Thăng Long, Kim Liên, tình trạng các TS vứt lại các loại phao “ruột mèo” khá phổ biến. Khác với môn Địa lý, kết thúc giờ thi môn Sử chiều nay (3.6), nhiều TS tại TP.HCM ra khỏi phòng thi với gương mặt nhăn nhó "làm bài không được" vì đề "đi vào cụ thể quá" và "lệch trọng tâm học bài của tụi em". Nhiều TS bỏ một phần của câu 2 (phần chung) với nội dung câu hỏi: "Tóm tắt cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến (19.12.1946 - 17.2.1947)". Minh Hoàng (học sinh Trường THPT Trưng Vương) cho biết: "Em không học bài kỹ lắm. Chỉ chú trọng vô các chiến dịch lớn thôi và nắm nội dung, diễn biến lớn nên không làm được bài thi. Không bị điểm liệt là may!". Cùng "hoàn cảnh", Trần Minh Khôi (học sinh trường Trưng Vương) cũng than mình bị "lạc đề" vì đề ra ngay phần không ai nghĩ tới, "nhiều bạn bỏ câu 2 lắm!".
Theo đánh giá của các TS thì đề Sử không dài nhưng khó. "Phải học thuộc bài thật kỹ, hiểu rõ mới làm được; học bài lơ mơ thì không thể làm bài được vì không biết chỗ nào mà làm", Nguyễn Trần Nhật Linh (học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân) nhận xét. Vì thế, với đề thi môn Sử năm nay, thời gian làm bài không phải là vấn đề của TS. Những TS học thuộc kỹ bài đều làm dư thời gian từ 30 - 45 phút, còn không thuộc bài thì còn thời gian cũng không làm được gì. Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, trong ngày thi hôm nay, chỉ có 1 TS của TP.HCM vi phạm quy chế thi. Đó là một học sinh của trường THPT Nguyễn Hữu Huân, thi tại HĐT THCS Lê Quý Đôn (Q.Thủ Đức) bị giám thị phát hiện mang điện thoại di động vào phòng thi. Sáng nay một học sinh trường THPT Thủ Đức, thi tại HĐT trường THCS Lê Quý Đôn (Q.Thủ Đức) phải bỏ thi nửa chừng ở môn Địa lý do bị tái phát bệnh ung thư xương. Ngoài ra, có 4 TS khác bỏ thi môn Địa lý: 1 TS do đi trễ 12 phút tại HĐT trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) và 3 TS bỏ thi không lý do. Hệ GDTX có 40 TS bỏ thi môn Địa lý và 2 TS bỏ thi môn Sử. Từ trưa nay, trời mưa to và kéo dài tại TP Đà Nẵng khiến các thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 đến trường thi rất vất vả, nhất là các nữ sinh trong trang phục áo dài lại càng khổ sở. Tuy nhiên, cơn mưa “giải nhiệt” cũng đã khiến tâm lý thí sinh thoải mái hơn nhiều so với những ngày nắng nóng kéo dài trước đây. Chiều nay các thí sinh bước vào môn thi học bài, môn Lịch sử. Theo nhiều thí sinh, đây là môn thi có phần khó hơn cả môn Địa lý bởi lý thuyết nhiều, lại không có phần thực hành để "gỡ" điểm. Chính vì vậy mà không khí ôn lại bài học Lịch sử rất sôi nổi tại các hội đồng thi trước giờ làm bài. Thí sinh Nguyễn Thanh Lâm (Hội đồng thi THPT Thanh Khê) cho biết, đề thi Lịch sử có câu 1 nêu hoàn cảnh lịch sử của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 và vai trò của Nguyễn Ái Quốc tương đối dễ kiếm điểm. Từ câu hỏi số 2 yêu cầu phân tích lý do phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp gây bất ngờ cho nhiều thí sinh. Và đặc biệt là câu số 3 càng khó kiếm điểm do nhiều thí sinh cho rằng câu hỏi sự thành lập, mục đích và nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên hợp quốc là phần… phụ nên chủ quan không học. Tuy nhiên, tình hình thi cử tại các hội đồng thi vẫn diễn ra nghiêm túc, không có trường hợp nào bị lập biên bản vi phạm quy chế thi. Khối GDTX có thêm 6 thí sinh vắng thi không lý do.
Lâm Đồng: Nhiều thí sinh “trật tủ” Tại Lâm Đồng, chiều nay (3.6) sau khi kết thúc môn thi thứ 4 (môn Lịch sử), nhiều thí sinh ra khỏi trường thi với gương mặt “rầu rĩ” vì làm bài không đạt kết quả như ý. Theo các thí sinh này, dạng đề thi lạ, hơn nữa mấy em lại chú trọng “học tủ” những vấn đề lớn, những sự kiện quan trọng, nhất là những vấn đề có liên quan đến kháng chiến chống Mỹ nhưng đề thi lại không ra. Hai thí sinh Thương và Thảo - thi tại hội đồng thi (HĐT) trường THPT Tây Sơn (TP Đà Lạt) với vẻ mặt buồn buồn than: đề ra khó quá, nhất là câu 2, chắc tụi em được khoảng 3, 4 điểm. Một thí sinh khác ở HĐT Quang Trung (Đà Lạt) vừa ra khỏi trường thi như muốn khóc: "khó quá, em không làm được gì cả". Tuy nhiên, một số thí sinh không học “tủ” thì làm được bài. Thí sinh K’Nhung (HĐT THPT Tây Sơn) cho biết, đề không khó lắm, tại vì học bài không kỹ nên em chỉ làm đạt khoảng 60%, câu 2 em làm không đạt. Thí sinh Văn Tân (HĐT Tây Sơn) phấn khởi: em làm chắc cũng được 7 điểm đó anh. Cũng tại kỳ thi này, hằng ngày, bác Phạm Cửu Anh (69 tuổi, trú tại xã Tà Nung, TP Đà Lạt) tự mình đi xe máy vượt 20km để đến HĐT trường Nguyễn Du (Đà Lạt) ngồi đợi con gái thi xong ra xem thế nào. Bác Anh cho biết, ở nhà sốt ruột quá, không làm gì được nên ngày nào tôi cũng ra đây chờ con gái thi xong hỏi làm bài thi thế nào, xong dẫn con đi ăn cơm rồi đưa về nhà trọ nghỉ, dặn dò con lo ôn bài, bình tĩnh đọc kỹ đề bài, câu dễ làm trước, câu khó làm sau, xong tôi lại về Tà Nung sáng mai lại trở ra…
|
Tuệ Nguyễn - Trần Đan - Lê Quân - Ngọc Bích - Hồng Minh - Thành Chung - Viên An - Nguyễn Tú - Gia Bình
Bình luận (0)