Môn nào cũng có đề cương ôn tập: 'Điểm cao để làm gì?'

31/12/2022 15:34 GMT+7

Thông tin Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường tiểu học không soạn đề cương, bài mẫu bắt học sinh làm; không tổ chức học thuộc lòng khiến những người thầy nói không với học vẹt rất hoan nghênh.

Đi trên các tuyến đường ở TP.HCM vào giờ học sinh đến trường, chúng tôi thường nhìn thấy học sinh cầm sách vở, đề cương... học đường. Kiểu học này ảnh hưởng đến mắt, tư thế ngồi và thiếu an toàn. Mỗi dịp kiểm tra tập trung (giữa kỳ, cuối kỳ), hình ảnh học sinh ngồi sau lưng ba mẹ cầm tập đề cương học bài càng trở nên phổ biến.

Lối học vẹt để lấy điểm cao khá phổ biến. “Mưa” điểm 9, điểm 10 (nhất là các môn... học thuộc lòng) khiến người lớn tung hô học sinh, ca ngợi con cái học giỏi. Nhưng kiểu học này vừa kiểm tra xong là… chữ thầy trả lại cho thầy.

Hình ảnh phổ biến của học sinh mỗi sáng đến trường, nhất là vào thời gian kiểm tra tập trung

thái hoàng

Những môn học thuộc bài thường theo kiểu thầy cô giao đề cương, học trò nào học thuộc sẽ đạt điểm cao. Có những môn đề cương ôn tập có 4, 5 câu mà đề kiểm tra ra 3, 4 câu. Thế là học sinh điểm cao chót vót. Nhưng điểm cao để làm gì khi học sinh phải học mụ cả người, nhồi nhét kiến thức sách vở mà thiếu kiến thức thực tế?

Tôi từng buồn, thậm chí cảm thấy mệt mỏi khi chấm những bài văn “đồng phục". Nhiều năm trước đây, mỗi khi gần đến ngày kiểm tra, tôi thường nghe học sinh hỏi về đề cương. Tôi trả lời rằng: 'Học thầy không có đề cương, học thầy không phải học thuộc lòng văn mẫu'. Sau này, để không nghe học sinh hỏi về đề cương, ngay từ đầu năm học, tôi dặn và hướng học trò viết văn theo cách hiểu của mình, có thể điểm không cao nhưng giá trị thật lại đáng ghi nhận. Trong quá trình dạy học, nhất là trước lúc kiểm tra, tôi cũng thường nhắc lại nhiều lần yêu cầu này.

Loại bỏ đề cương trong học tập đồng nghĩa với việc loại bỏ kiểu kiểm tra, thi cử tái hiện kiến thức, đáp án một chiều (theo thầy cô soạn sẵn) khiến học sinh “đóng khung theo mẫu”. Khi “nói không” với đề cương, học sinh cũng không còn học vẹt. Đặc biệt với môn ngữ văn, loại bỏ đề cương thì lối học vẹt, học thuộc văn mẫu sẽ dần “bay màu”.

Từ yêu cầu các trường tiểu học không soạn đề cương, bài mẫu, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu, Sở GD-ĐT TP.HCM hãy áp dụng điều này ở các bậc học khác để dần triệt tiêu suy nghĩ phải có đề cương mới an tâm trước mỗi kỳ kiểm tra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.