|
Hằng năm, theo chu kỳ sinh học, cứ đầu tháng 5, tháng 6 khi cơn mưa đầu hạ vừa trút xuống những khu vườn rộng đủ để đất thấm mềm, mối đất từ những ụ đất bay ra, mối đực tìm mối cái giao phối sau đó chui vào tổ sinh nở. Đây là thời điểm thích hợp để bắt mối đất. Theo dân gian, mối đất có thể chế biến thành nhiều món khá bổ dưỡng, trị đau đầu, ói mửa, cảm ho.
Khi phát hiện có mối, người ta lập tức tắt bớt điện trong nhà, chỉ để lại một bóng đèn để mối tập trung vào một chỗ. Sau đó đặt thau nước ở dưới ánh đèn, khi thấy nguồn sáng mối bay đến và sà xuống thì gặp nước, cánh bị ướt nên không bay lên lại được. Mối đã đầy thau thì hốt ra bỏ vào bao.
Mối đất sau khi bắt được, làm sạch cánh bằng cách đặt chảo lên bếp, chờ nóng đều, trút những bát mối vào và dùng đũa khuấy đều, mối bốc hơi và khô dần. Lúc này, đổ ra mẹt, dùng ngón tay đảo nhẹ và sảy, hay bật nhẹ quạt máy cho cánh mối bay đi. Bây giờ chỉ cần mang những thân mối vàng ươm đi nấu cháo (giống nấu cháo ong vò vẽ), xào hành hay kho mặn ăn còn ngon hơn cá bống kho tiêu.
“Tuyệt chiêu” và ít tốn công hơn cả là mối đất chiên giòn. Bắc chảo, phi dầu cùng hành tỏi thơm phức rồi trút mối vào. Vài phút sau, nêm một ít nước mắm, tiêu bột, chút đường. Chảo mối đất chiên bây giờ thơm nức mũi; nhanh tay đảo đều, nhắc xuống. Nếu muốn cầu kỳ hơn chút xíu, thì pha một tô bột (loại dùng để chiên tôm), nhúng từng con mối rồi thả vào chảo dầu đang sôi, chờ bột vàng rụm là vớt ra. Ăn mối đất chiên giòn mà có các loại rau húng, quế, ngò tàu hay bánh tráng để xúc thì tuyệt. Mối đất chiên giòn nhai kỹ có vị ngọt bùi, béo đậm đà nhờ chúng có nhiều chất đạm, ăn mãi không chán.
Ngày còn nhỏ, mỗi khi hè về, tụi con nít quê tôi thỏa nỗi mong chờ: chờ để được bắt những chú mối đất bay vù vù, chờ để được thưởng thức món mối đất dân dã. Cơn mưa đầu hạ chiều nay lại gợi nhớ miền kỷ niệm đã thật xa, khuất lấp tận đâu đó trong tâm hồn...
Phan Thị Thanh Ly
Bình luận (0)