Môn ngữ văn mới còn phiến diện, lệch hướng?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
12/03/2018 08:25 GMT+7

Theo TS Chu Văn Sơn, Khoa Văn - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, những loay hoay đổi mới về môn văn chưa chạm đến cốt lõi vào vấn đề. Thay đổi theo hướng lệch quá nhiều về dạy ngôn ngữ, tích hợp sẽ khiến môn văn ngày càng thiếu chất văn.

Lệch quá nhiều về ngôn ngữ
TS Chu Văn Sơn cho rằng dự thảo môn văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới đang lệch về dạy ngôn ngữ hơn là dạy văn. Nếu định hướng dạy văn theo cách đó thì không những không cứu vãn được tình hình mà có thể còn làm cho dạy học môn văn trở nên tồi tệ hơn, làm mất tính đặc thù của môn văn.
Thời gian vừa qua, thay đổi đầu tiên đáng ghi nhận là chúng ta dịch chuyển từ giảng văn sang đọc hiểu văn bản, đó là một sự dịch chuyển về phương pháp rất quan trọng. Điều đó thành công nhiều hơn là thất bại. Nhưng môn giảng văn có lợi thế của nó và dạy văn bản theo hướng đọc hiểu có lợi thế riêng. Do vậy, nếu thay thế hoàn toàn dạy văn bản bằng đọc hiểu thay vì giảng văn, nghĩa là ta chỉ chú ý đến sở trường của một cách mà quên đi sở đoản của nó.
Thừa chất công nghệ, thiếu chất văn
Chúng ta đã tiếp nhận, cập nhật rất nhiều kỹ thuật mới trong quá trình dạy học, tuy nhiên lại tiếp nhận không chọn lọc lắm. Công nghệ thông tin, trình chiếu rất phổ biến. Tuy nhiên, với môn văn, việc sử dụng phương tiện này tuy có hiệu quả nhưng làm hại cũng không ít.
Dùng công nghệ trình chiếu để hỗ trợ cho dạy văn nhưng thực tế lại biến thành phương tiện thay thế. Quan niệm dùng nghe nhìn để môn văn hấp dẫn hơn là sai lầm. Điều này khiến ngày càng có nhiều giờ văn thừa chất công nghệ, thiếu chất văn. Vì vậy, không lôi cuốn được học sinh (HS) vào môn văn một cách thực sự. Có một điểm then chốt để xác định giờ văn có chất văn là giáo viên (GV) phải tạo ra được một bầu không khí, đó là sự cộng cảm giữa người dạy và người học, người dạy và người học phải sống chung một bầu cảm xúc.
Điều đó đặt ra câu hỏi nên sử dụng công nghệ thế nào là phù hợp, GV và HS phải làm chủ công nghệ, không để công nghệ làm sai lệch đặc thù của bộ môn. HS phải được sống với những tư duy đặc thù của văn (gồm 3 thứ: liên tưởng, tưởng tượng, suy tưởng).
Chẳng hạn trong một buổi dạy về tác phẩm Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử, khi tới câu “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” thì thầy trình chiếu hình ảnh một khuôn mặt chữ điền của người đàn ông với cành trúc che ngang lòa xòa trên mặt. Hình tượng ngôn ngữ trong câu thơ này là hình tượng phi vật thể, là khoảng trống để phát triển chiều liên tưởng của HS, nếu người dạy “đóng đinh” một hình ảnh như vậy thì sẽ chặn đứng các khả năng liên tưởng của học trò. Vô hình trung làm nghèo năng lực văn cho học trò... Do đó, sử dụng phương tiện nghe nhìn trong trường hợp này là thất bại chứ không phải thành công.
Không thể tích hợp dạy văn với đạo đức, kỹ năng sống
Văn không trang bị kỹ năng sống mà giúp bồi đắp về giá trị sống. Uốn nắn về kỹ năng sống là chức phận của môn đạo đức, giáo dục công dân, không thể là môn văn
TS Chu Văn Sơn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Hiện có xu hướng kết hợp môn văn với các hoạt động giáo dục khác, ví dụ như kỹ năng sống. Việc dạy văn kết hợp với bồi dưỡng kỹ năng sống là không đúng. Trước hết làm mất tính đặc thù của môn văn.
Hiện nay không ít GV văn cứ sau một tình huống lại yêu cầu HS rút ra một bài học kinh nghiệm về ứng xử, lối sống. Ví dụ, tình huống Lọ Lem đánh rơi hài, thầy giáo chỉ ra rằng do Lọ Lem xuất phát muộn nên vội vàng. Từ đó, thầy giáo khuyên HS không nên xuất phát muộn để tránh những tình huống đáng tiếc...
“Như vậy thì còn gì là văn nữa, văn không trang bị kỹ năng sống mà giúp bồi đắp về giá trị sống. Uốn nắn về kỹ năng sống là chức phận của môn đạo đức, giáo dục công dân, không thể là môn văn”, TS Sơn nhấn mạnh.
“Văn không có trách nhiệm uốn nắn hành vi, đạo đức của học trò một cách sống sượng như vậy. Muôn đời của văn là chuyện tình cảm, văn tác động đến tình cảm để từ đó thay đổi hành vi chứ không bao giờ tác động trực tiếp tới hành vi. Do vậy, việc yêu cầu HS phải bắt chước những khuôn mẫu, những hình tượng cụ thể dù có đẹp đến mấy cũng là sai lầm trong dạy văn”, ông Sơn khẳng định.
Phiến diện trong việc lựa chọn 6 tác phẩm bắt buộc
TS Chu Văn Sơn cho rằng nhìn vào danh sách 6 tác phẩm bắt buộc trong chương trình môn ngữ văn ở cấp THPT thấy có 3 phiến diện: Thứ nhất, các tác phẩm tập trung vào thời kỳ trung đại, thời kỳ hiện đại chỉ có 1 tác phẩm là Tuyên ngôn độc lập. Thứ hai, tác phẩm thuộc thể loại chính luận quá nhiều. Thứ ba, hầu hết các tác phẩm đều nghiêng về giá trị yêu nước hơn là giá trị về nhân đạo, trừ Truyện Kiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.