(TN Xuân Nhâm Thìn) Ai đã thiết kế mẫu hoa sắt cho những hàng rào, chấn song, cổng Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20? Điều có thể thấy ngay là ảnh hưởng văn hóa Pháp, Trung Hoa cũng như của chính thẩm mỹ người Hà Nội.
Suốt tháng 7.1921, vị hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương - ông Victor Tardieu - đều trở về nhà trong trạng thái rã rời. Bản hợp đồng do đích thân Toàn quyền Đông Dương Maurice Long giao đã “trói” ông vào việc trang trí rất nhiều công trình tầm cỡ Đông Dương tại Việt Nam. Nhưng Victor đầy cảm xúc bởi đang thiết kế công trình để đời của mình tại một xứ thuộc địa rất xa quê hương ông, cả về văn hóa và địa lý.
“Chẳng có gì làm cha ngạc nhiên nữa, chính cha đã trở thành người An Nam rồi…”, người từng giành nhiều giải thưởng mỹ thuật, thiết kế tại Pháp viết thư cho con trai. Bức thư lý giải ảnh hưởng văn hóa Việt rất mạnh trong những công trình liên quan đến ông. Hoa sắt trang trí tại các công trình ông thực hiện như chính Trường Mỹ thuật Đông Dương cho thấy một tư duy cực kỳ uyển chuyển khi kết hợp văn hóa Á - Âu.
Chẳng hạn, theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, ít ai ngờ rằng một hoa văn trên song cửa nhà ông Tardieu ở lại chính là sự sao chép họa tiết trên đầu rùa đội bia tiến sĩ năm Dương Hòa thứ 6 (1640). Bia này khác đặc biệt với hình rùa có họa tiết vân mây trên đầu. Bản thân ông Thế cũng chưa từng thấy bất cứ con rùa nào khác có họa tiết vân mây trên đầu tương tự. Khi chuyển thể họa tiết này thành đồ án trên cửa đi và cửa sổ, chúng chuyển thành những cuộn sóng sôi sục.
Không chỉ mình Victor Tardieu có cảm hứng Á - Âu hòa quyện trong văn hóa như vậy. Trước ông, kiến trúc sư người Pháp là Ernest Hébrard cũng đã chuyển hóa trọn vẹn văn hóa Việt vào công trình kiến trúc Đại học Đông Dương (19 Lê Thánh Tông, Hà Nội). Khi thoáng nhìn, người am hiểu đồ án cổ truyền sẽ nghĩ ngay đến đồng tiền lồng vào nhau. Một ước vọng giàu sang quen thuộc trên các đồ án trang trí gỗ Việt. Nhưng nếu phân tích kỹ, có thể thấy đây chính là những chiếc đèn dây tóc được vẽ cách điệu.
Việc đặt chiếc bóng đèn tại nơi giảng dạy suy cho cùng cũng vẫn mang dấu ấn văn hóa Á Đông - nơi sao Khuê tượng trưng cho văn chương, ánh sáng đồng hành với tri thức. Thay vì sao Khuê, đến thế kỷ 20, người Việt được biết đến một thứ ánh sáng khác - đèn điện. Với cả thảy hơn 50 bóng đèn được vẽ như vậy, quan điểm này đã truyền tải rõ ràng, có chủ ý bằng kiến trúc hoa sắt.
Như thế, hoa sắt ở Hà Nội thoạt đầu chính là món quà của công nghệ và tư tưởng mà người Pháp mang tới.
|
|
|
Theo nghiên cứu của Viện Mỹ thuật, trong đời sống cổ, nghề rèn sắt vốn ít được tôn vinh. Thậm chí ngay cả câu ca “Rủ nhau chơi khắp Long thành. Ba mươi sáu phố rành ràng chẳng sai” cũng không có chỗ cho Hàng Bừa - phố của những người thợ sắt. Một bức ảnh chụp con phố này thời Pháp thuộc cho thấy thấp thoáng những nông cụ như cày, bừa, lưỡi liềm. Sau khi cầu Long Biên xây dựng, vật liệu cũng như công nghệ chế tác sắt thép được phổ biến, việc tán đinh bu lông trên cây cầu đào tạo được nhiều nhân lực nên nghề rèn có phần phát đạt hơn.
Giao thoa văn hóa
Bất chấp kỹ thuật tạo hoa sắt không thuận lợi, sự đa dạng của các đồ án hoa sắt tại Hà Nội đầu thế kỷ 20 vẫn tiếp tục làm những người nghiên cứu ngạc nhiên. Điều quan trọng, chúng thể hiện sự tiếp thu văn hóa truyền thống, ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và Pháp.
“Đồ án đồng tiền rất thường gặp trên các khung cửa”, ông Trần Hậu Yên Thế cho biết. “Người xưa cho rằng cái gì mong ước cầu nguyện thường xuyên sẽ được toại nguyện. Đồng tiền xu tròn bên trong hình vuông là cầu sự giàu có. Một mạng hoa văn dày đặc của tiền xu trông như thảm hoa rất vui mắt. Cũng có lúc là hai đồng tiền giao vào nhau. Gia chủ thương nhân thường thích trang trí này. Thậm chí tại ngôi nhà 68B Trần Hưng Đạo - phong cách kiến trúc đặc trưng châu Âu nhưng ban công lan can lại sử dụng họa tiết này”.
“Vân mây sóng nước ngụ ý cuộc sống phong lưu may mắn. Trong những ban công sử dụng vân mây nổi lên ban công tại biệt thự 27 Cao Bá Quát, chúng làm ta liên tưởng tới những đường nét chạm lộng mềm mại trên các cửa võng, trên các bức ván lá gió”.
“Biểu tượng cây thập giá xuất hiện ở nhà thờ và khu vực liên quan đến giáo hội. Ở khu vực giáo hội Hà Nội xưa - một tòa nhà nhìn ra vườn hoa Hàng Trống, trên chấn song cửa có sự hiện diện của cây thập giá này”.
Cũng có những giao thoa văn hóa rất lạ như đồ án tên gia chủ bằng hoa sắt. Ngôi nhà số 11 Lê Ngọc Hân, trên song cửa có lồng hai chữ L và N. Trên lan can ban công tầng hai ngôi nhà 53 phố Hai Bà Trưng có ba chữ N, V, H. Gia chủ đã kín đáo thể hiện niềm kiêu hãnh của mình qua những chữ viết hoa này. Chính người Pháp đã mang cách thể hiện kiêu hãnh đó tới Việt Nam.
Có thể thấy trong những hoa sắt tại Hà Nội sự giao thoa, tiếp biến văn hóa rõ ràng như vậy. Ở các khu vực người Hoa sinh sống, dạng tích hợp các biểu tượng cổ truyền rất phát triển. Chẳng hạn, ở một số khu như Hàng Buồm, Thuốc Bắc cách tạo hình chữ Phúc, Lộc, Thọ bao giờ cũng có phần chỉn chu hơn.
Lấy lòng người Việt
Nhà nghiên cứu Pháp Philippe Papin viết trong cuốn Lịch sử Hà Nội: “Việc áp đặt phong cách Pháp ở các công trình công cộng to lớn nhằm thể hiện ý đồ chính trị hay trong những công trình tư nhân với nỗi hoài niệm về quê hương còn tiếp tục ở Hà Nội cho mãi đến những năm 1920. Sau này, dưới ảnh hưởng của Ernest Hébrard, người đoạt giải nhất trong cuộc thi thiết kế ở Rome năm 1904, chính quyền Pháp mới áp dụng phong cách Đông Dương vào các công trình”.
Ông cho rằng, sự tìm tòi một phong cách tổng hợp, pha trộn, kết hợp giữa Đông và Tây trong kiến trúc thể hiện một chính sách mới của chính quyền thuộc địa. Nguyên nhân của chính sách đó là việc người Việt Nam không tuân phục chính quyền thuộc địa. Bởi vậy người Pháp thấy cần phải nhanh chóng chinh phục lòng người bằng cách tỏ ra hội nhập vào xã hội Việt Nam. “Giờ đây vấn đề đặt ra không còn là chiếm đóng thành phố mà là chinh phục trái tim của tầng lớp thượng lưu”, ông Papin phân tích.
Ngô An
Bình luận (0)