Món quà của sự tử tế

03/03/2015 05:46 GMT+7

Cứ mỗi lần cầm cuốn sách mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trên tay là tôi biết gần như chắc chắn phản ứng của mình khi bước vào câu chuyện ông sắp kể. Sẽ có cười khúc khích, sẽ đôi khi phá lên cười thoải mái, sẽ tủm tỉm nhớ lại một kỷ niệm nào đó của tuổi thơ mình như thể vừa xảy ra ngày hôm qua thôi...

Cứ mỗi lần cầm cuốn sách mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trên tay là tôi biết gần như chắc chắn phản ứng của mình khi bước vào câu chuyện ông sắp kể. Sẽ có cười khúc khích, sẽ đôi khi phá lên cười thoải mái, sẽ tủm tỉm nhớ lại một kỷ niệm nào đó của tuổi thơ mình như thể vừa xảy ra ngày hôm qua thôi...

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gặp gỡ bạn đọc trong buổi ra mắt sách Bảy bước tới mùa hè tại Hà Nội hôm 1.3 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Bìa cuốn Bảy bước tới mùa hè - Ảnh: NXB Trẻ
Lần này, Bảy bước tới mùa hè là món quà hướng tới mùa hè lộng gió, là câu chuyện của cậu bé Khoa và các bạn cậu: Mừng, Trang, Đào, Bông và bóng dáng những người lớn thấp thoáng trong hình ảnh thầy Tám, dì Liên, ông Mười khòm. Một vài người và cả thế giới. Thế giới của những đứa trẻ cuối cấp hai, tâm hồn non mướt trong veo. Vẫn là những đứa trẻ nghịch ngợm, hài hước, ham chơi, giữ rất nhiều tật xấu mà người lớn không chịu nổi, thậm chí vì thế mà, như cậu bé Khoa, “một năm có bốn mùa thì bị ăn đòn hết ba mùa”... Thế nhưng, qua mỗi mùa hè các cô bé cậu bé cứ lớn dần lên, trải qua nhiều sự kiện lúc thú vị, khi oái oăm, nhiều khi cảm động, để rồi lớn lên về cả tâm hồn.
Nguyễn Nhật Ánh vẫn trung thành với cách viết hài hước theo kiểu... trẻ con. Có những đoạn rất dễ bật cười với độc giả người lớn, thậm chí đọc xong đi ngoài đường nhớ lại còn tiếp tục cười. Chẳng hạn, trò giả chết đòi lại đồ bị tịch thu của Khoa, hay để lấy cảm tình của cô bé Đào mà cậu chàng Mừng cặm cụi dắt ông ngoại của cô bé đi chơi... Ấy là khi người lớn đã sực nhớ ra mình thời nhỏ mà trở lại hồn nhiên. Cũng có lúc ta nhìn bọn trẻ đọc, thấy chúng cứ cười hinh hích rồi lại ré lên với nhau, chúng lôi các câu thoại trong truyện ra để nói chuyện với nhau. Chúng bắt chước nhân vật gọi tên cảm xúc bằng các món ăn - “ngạc-nhiên-xào”, “sửng-sốt-kho”, “hoang-mang-trộn-dầu giấm”, “bất-ngờ-chấm-đường”... Ta tự hỏi, có gì buồn cười đến mức ấy nhỉ, thì đó là lúc ta trở lại là ta, một người lớn phép tắc, khuôn mẫu, đã xa rồi trong trẻo thơ ngây.
Nguyễn Nhật Ánh thì khác. Ông luôn nheo mắt mỉm cười cùng bọn trẻ. Ông sống trong tuổi thơ kéo dài mãi mãi. Mỗi một câu nói, một ý nghĩ vớ vẩn cũng có thể là một điều day dứt nghiêm trang. Hoặc ngược lại, đang nghiêm túc căng thẳng thoắt bỗng cười vang lên ngay được. Nhờ thế mới có những trang văn thư thái, vui tươi, lại cũng ấm áp, nhân hậu, như thế giới đang mở dần ra đối với những đứa trẻ đang e ngại chính cảm xúc của mình nhưng cũng đầy tin cậy với con người.
Những câu thoại hóm hỉnh thi thoảng nhường chỗ cho những đoạn viết bâng khuâng ngẫm ngợi, một chút thôi không quá đà, dẫn dắt các cô cậu bé đến với những suy tư về cuộc đời, về bạn, về mình, về lòng tốt, sự tử tế, lòng tin, về tình bạn và tình yêu. Đó là nỗi niềm mơ mộng khẽ khàng, đủ để vui cả ngày khi nói chuyện được với nhau, chớm biết “thích” nhưng cũng đã băn khoăn “thích rồi thì sao?”... Thật may, đã có người bạn vui tính Nguyễn Nhật Ánh giải đáp cho các em nỗi băn khoăn chính đáng này, cái điều mà em khó mở lời ra với bố mẹ, cũng không tìm được câu trả lời thỏa đáng từ những nguồn thông tin khác, kể cả Google! Với câu chuyện mùa hè hồn hậu của Khoa, Trang, Mừng và Đào, nhà văn ý nhị cho các em thấy vẻ lung linh của tình yêu chớm nở, giá trị của những chia sẻ, đợi chờ. Có thể những mùa hè như thế rồi sẽ chỉ là kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm đẹp là nền tảng để xây đắp những ước mơ đẹp, một cuộc sống đẹp, một tương lai đẹp. Tôi gần như tin chắc, những độc giả của Nguyễn Nhật Ánh sẽ trân trọng những kỷ niệm như thế trong cuộc đời phía trước.
Trong xã hội đầy bất trắc, các bậc phụ huynh, trong đó có cả tôi, đều không nguôi lo lắng cho những đứa trẻ. Hoặc là chúng tôi cố gắng bao bọc chúng, nhìn trước hiểm nguy để “đỡ đạn” cho con, hoặc là liên tục cảnh báo, dạy cách cảnh giác, nghi ngờ, những mong chúng tránh được cái xấu. Thế nhưng, đọc Nguyễn Nhật Ánh, tôi chợt nghĩ, những điều tích cực, tử tế lại là điểm tựa của sự tự bảo vệ mình. Những đứa trẻ ngây ngô, ít trải nghiệm, dần dần trở nên thiếu nhạy cảm với cuộc sống, vô cảm cả với những người thân yêu - đó là một mối lo. Một mối lo khác là những bạn nhỏ già dặn, sống bằng kinh nghiệm của người lớn, không mở lòng được với ai, nhìn tình yêu một cách thực dụng như nhìn điều gì sẽ mang đến lệch lạc, phiền toái. Cả hai thái cực đều nguy hiểm, đều cản trở những người trẻ sống cuộc đời của chính mình. Nguyễn Nhật Ánh chỉ cho đứa trẻ cách sống hạnh phúc, biết tin trước khi hoài nghi, đồng thời cũng luôn tìm kiếm các bài học để sống vững vàng, thú vị hơn.
Cùng Nguyễn Nhật Ánh, mỗi mùa hè là một mùa khám phá, sống và trưởng thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.