May mắn đi khắp năm châu bốn biển, được ăn hàng trăm món ngon vật lạ lắm vị nhiều mùi, nhưng cuối cùng như bao người con xa xứ khác, tôi vẫn thủy chung quay về với món Việt.
Người Việt xa quê thuộc loại khó hòa nhập nhất thế giới. Dẫu bao nhiêu năm sống ở xứ người, chỉ cần nhìn thấy tô cơm kèm chai nước mắm, hay nghe lồng lộng mùi phở từ xa, là bao nhiêu món ngon Tây Tàu đều sẵn sàng bỏ hết.
Người ngoại quốc thường biết tới Việt Nam qua tô phở thơm lừng, đĩa cơm sườn đầy hương vị, chả giò (nem rán) giòn rụm và ổ bánh mì thịt nguội (gần đây thêm chai tương ớt hiệu con gà trong các nhà hàng Mỹ, hay phòng nghỉ của United và các hãng máy bay khác). Mà khẩu vị của dân Tây đơn giản. Không cần ngon, chỉ to và sạch là đủ rồi. Nên mới có chuyện vài chỗ bán tô phở size... xe lửa, to bằng cái thau với đầy đủ thịt thà, rau củ và cả nửa ký bánh phở tươi. Nhìn thôi đã no tới hết tuần. Vậy mà vẫn có người Mỹ hoặc Mễ vô ăn ngon lành, húp một lèo hết sạch.
|
2. Có ba món luôn làm người Việt động lòng.
Đó là mắm, cơm và phở. Đi đâu xa, chỉ cần nhìn thấy một trong ba món đó, là mắt sáng rỡ, nước miếng trào ra, ruột gan cồn cào như có hàng ngàn hàng vạn con sóng lòng thôi thúc.
Nhà tôi gần biển. Từ nhỏ mùi mặn của gió lẫn nồng nàn của cá mắm đã thấm đẫm vào người. Nên dù đi bao năm, cái tính ăn mặn không bỏ được. Ai vô nhà, mở tủ lạnh ra thấy đủ các loại mắm đều la làng, sao ở Mỹ mà ăn mặn dữ, hổng sợ cao máu hả? Sống chết có số. Cứ ăn cho đã cơn thèm. Từ chai mắm nhĩ cá cơm, tới mắm nêm còn nguyên con thơm lừng, mắm ruột cá bò dùng để kho với da heo ăn chung với cà dĩa, mắm ruốc chị chắt chiu ra chợ mua từng con tươi rói, phơi cho héo rồi nhờ người quết với ớt, mang bỏ tủ lạnh để có dịp về tôi mang sang, hay hũ mắm sút làm bằng con ốc nước lợ trộn bắp xay tưởng đã thất truyền, hoặc mớ mắm thu, mắm linh, mắm sặt của miền Nam. Chả thiếu loại nào hết.
tin liên quan
Giữ 'hồn Việt' cho tô phở thời hiện đạiNước mắm, không hẳn chỉ là quốc hồn quốc túy mà còn là liều thuốc an thần cho những kẻ xa quê, lìa xứ. Không khói lam chiều bảng lảng, cũng chẳng ruộng đồng thẳng cánh cò bay, chỉ cần nhìn thấy màu nâu vàng sóng sánh, nghe vị tanh tanh, nồng nàn, thơm thơm vương trên đầu mũi, là đã thấy một trời thương nhớ. Đâu cần nhiều nhỏi gì, chỉ vài muỗng mắm, nặn thêm miếng chanh, dầm trái ớt hiểm, không thịt thà sang trọng, cũng chẳng rau rém dưa chua, nhiêu đó thôi, có thể chan lên tô cơm nguội, hay nhúng vài cái bánh tráng, chấm ăn ngon lành. Lỡ khi trời bão tuyết hay mưa gió mịt mùng, chỉ cần lôi mớ mắm ra, giã một chén, hay kho một xoong, đảm bảo cơm ba nồi cũng hết chứ nói chi một nồi nho nhỏ.
Đi đâu xa mà thấy đồ ăn Việt Nam, dù dở hay ngon, thiệt tình thương muốn khóc. Có lần tôi đi Hồng Kông, tới khu Lan Quế Phường, thấy một nhà hàng Việt đông đen khách đứng đợi từ cầu thang kéo tận ra giữa đường. Tôi không đủ thời gian và kiên nhẫn đứng chờ, nhưng tất nhiên lòng ngập tràn niềm tự hào khó tả. Hay hồi ghé Athens (Hy Lạp). Google một hồi mới tìm thấy một nhà hàng tên “Mai” gọn bâng. Thế là lật đật bắt Uber chạy tới. Cô chủ quán người Sài Gòn, mới sang lại cái tiệm của ông chủ người Hoa, chuyển qua bán đồ Việt. Đó là buổi tối đáng nhớ vô cùng khi tôi lần lượt ăn hết một đĩa bánh cuốn, hai đĩa cơm tấm sườn bì, kèm tô phở to. Hổng biết do đói hay tại cổ làm chén mắm ngon kinh hồn nên tôi ăn bạt mạng.
Nhớ lúc đi Dubai, sau một ngày ngồi xe buýt lòng vòng, mồ hôi túa ra như tắm, tôi chui vô một khu shopping mall mát lạnh, tới food court, vô nhà hàng bán toàn thức ăn châu Á. Và hình ảnh tô phở bốc khói, thịt thà đầy nhóc đập ngay vào mắt. Tôi muốn la lên cho thiên hạ biết rằng, phở đấy, món ăn đặc trưng của quê tao đấy, tụi mày thấy không? Và tất nhiên, khi tô phở được bưng ra, tôi phải tự dặn với lòng, mình đang trên sa mạc cách Việt Nam mấy ngàn cây số, chứ không phải đang ở giữa quê hương, mà mong chờ tô phở thơm lừng, đúng điệu.
tin liên quan
Cận cảnh tô phở 3 tầng lấy cảm hứng từ... đèn lồngChia tay bạn, tôi đi Amsterdam hai ngày rồi tiếp tục hành trình tới Barcelona. Giữa Amsterdam đông đúc, tôi ghé lại xe mì xào bên đường sau khi ngửi được một mùi vô cùng quen thuộc. Nhìn thấy hai chữ “Saigon” thân thương ngay trên bảng hiệu, mừng muốn xỉu. Theo chỉ dẫn, tôi chọn mì (gồm mì trứng, mì gói hay udon), rồi rau với thịt (nấm, heo, bò, tôm, mực...) và cuối cùng là nước xốt để đưa cho họ xào tại chỗ. Bữa đó nếu không phải đang đứng giữa đám đông, chắc tôi đã khóc hu hu vì mùi “nước xốt Saigon” có lẫn vị mặn mòi của nước mắm.
Maryland, những ngày chờ xuân Mậu Tuất
Bình luận (0)