MUỐN ĐƯỢC TỰ CHỦ
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay Sở GD-ĐT TP khi góp ý dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế thông tư hiện hành, mong muốn được giữ và giao quyền tự chủ trong việc chọn môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Tức ngoài 2 môn thi toán, ngữ văn bắt buộc thì TP.HCM chủ động chọn môn ngoại ngữ là môn thứ 3 trên tinh thần đảm bảo đánh giá toàn diện năng lực, phẩm chất của người học theo đúng Chương trình GDPT 2018. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực của mỗi địa phương.
Ông Minh phân tích mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 không đánh giá học sinh (HS) qua kiến thức một môn học mà tập trung đánh giá phẩm chất, năng lực, khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tế.
Thêm vào đó, với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM diễn ra từ trước đến nay, dù ổn định môn ngoại ngữ là môn thứ 3 thì kết quả học tập của HS cho thấy nhà trường, giáo viên cũng như HS vẫn đảm bảo về mục tiêu và định hướng của chương trình. Đặc biệt, từ nhiều năm trở lại đây, trong quá trình biên soạn và định hướng cho kỳ thi đầu cấp THPT, Sở GD-ĐT thực hiện chủ trương tăng cường các câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tế trong cuộc sống. Đề thi không chỉ dừng ở việc kiểm tra năng lực kiến thức môn học mà chú trọng kiểm tra năng lực vận dụng, đọc hiểu, tư duy logic của HS. Vì vậy, nếu học lệch hay chỉ học những môn toán, ngữ văn hay tiếng Anh thì HS khó có thể giải quyết được đề thi môn toán có yêu cầu vận dụng kiến thức vật lý hoặc hóa học… đã học trong chương trình vào quá trình giải các bài toán liên quan thực tế.
CHỌN MÔN THI PHÙ HỢP MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CỦA ĐỊA PHƯƠNG
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, việc chọn và xác định môn thi thứ 3 nên giao quyền chủ động của từng địa phương. Bởi mỗi địa phương xây dựng chiến lược phát triển giáo dục khác nhau, tùy vào thực tế, đặc thù. Chẳng hạn, riêng với TP.HCM, chiến lược phát triển giáo dục là giáo dục, đào tạo HS có phẩm chất, năng lực, kỹ năng của công dân toàn cầu, theo xu thế phát triển của giáo dục hiện đại đảm bảo những tố chất trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thực hiện theo Kết luận 91 của Bộ Chính trị và nhiệm vụ mà lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã giao thì trong năm học này trở đi, TP.HCM từng bước chuẩn bị cho quá trình thí điểm sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường. Chính vì vậy, việc TP chọn môn thi thứ 3 là ngoại ngữ cũng phù hợp cho mục tiêu phát triển xuyên suốt.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ủng hộ việc giao quyền chủ động chọn môn thi thứ 3 trong thi tuyển lớp 10 cho địa phương, và trong bối cảnh hiện tại của TP thì việc tiếp tục giữ ngoại ngữ là môn thi thứ 3 là việc nên làm.
Đề cập kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025, ông Hồ Tấn Minh cho rằng quan điểm của TP.HCM là giữ ổn định việc tổ chức như các năm học trước, trên cơ sở có rà soát và đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định trong quy chế thi tuyển sinh THCS và THPT của Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, từ nhiều năm nay, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM diễn ra với 3 môn bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Đại diện Sở GD-ĐT cũng cho hay với mục tiêu giảm áp lực tâm lý cho thí sinh khi lần đầu tiếp cận đề thi theo Chương trình GDPT 2018, Sở GD-ĐT sẽ công bố đầy đủ, rõ ràng các nội dung liên quan công tác tổ chức, quy định trong tuyển sinh lớp 10.
Vẫn đang lấy ý kiến về thi lớp 10
Trao đổi bên lề tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020 - 2024 và chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, diễn ra tại TP.HCM ngày 31.10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết hiện nay phương án thi lớp 10 vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến các địa phương. Tinh thần kỳ thi lớp 10 từ năm 2025 sẽ gồm 2 môn ngữ văn, toán và môn thứ 3 do các sở GD-ĐT lựa chọn trong những môn học còn lại có đánh giá bằng điểm số. Chủ trương của Bộ là việc lựa chọn môn thi thứ 3 dựa trên nguyên tắc hằng năm có thay đổi để tránh học lệch, học tủ, để HS có đủ năng lực phẩm chất thi vào THPT hoặc chuyển sang học nghề nghiệp.
Trước thực tế nhiều địa phương mong muốn giữ ổn định 3 môn thi lớp 10 là toán, văn và tiếng Anh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết dễ dẫn tới hệ lụy. Theo Thứ trưởng, nếu cố định môn thứ 3 thi lớp 10 như trước đây, đối với trường có hiệu trưởng quản lý tốt sẽ không xuất hiện tình trạng học lệch. Nhưng vì có nhiều trường từ đầu năm học chỉ tập trung 3 môn thi lớp 10, trong khi những môn khác lại không quan tâm dù kiến thức về địa lý, lịch sử, khoa học rất cần thiết cho các em.
ĐỂ TRÁNH HỌC LỆCH, HỌC TỦ
Phân tích việc ổn định môn thi thứ 3 chưa phải là nguyên nhân dẫn đến lo ngại học tủ, học lệch, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1, TP.HCM), cho rằng HS lớp 9 còn phải hoàn thành các môn học trong chương trình và đảm bảo các yêu cầu để xét tốt nghiệp THCS. Đặc biệt quy định về xét tốt nghiệp của Chương trình GDPT 2018 nêu rõ tốt nghiệp THCS loại giỏi phải có ít nhất 6 môn có điểm trung bình trên 8 điểm, còn loại khá thì có ít nhất 6 môn đạt trên 6,5 điểm. "Chọn môn thứ 3 là môn ngoại ngữ không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 là phát triển phẩm chất năng lực người học. Vì muốn tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 bắt buộc người học phải thực hiện đầy đủ các môn học để được xét tốt nghiệp THCS và cũng như thỏa mãn điều kiện học lực giỏi để đăng ký nguyện vọng lớp 10 các trường THPT chuyên", ông Khoa nhấn mạnh.
Còn ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cho rằng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 đã rõ, kiến thức cấp THCS là kiến thức nền tảng, căn bản vững chắc, vậy thì cấp quản lý phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và nhà trường phải quản lý chặt chẽ chống cắt xén chương trình. Trường THCS phải làm tròn trách nhiệm trang bị kiến thức nền tảng của tất cả các môn cho HS. Khi các em bước vào cấp THPT là có sự chọn lựa môn học cho phù hợp với định hướng nghề nghiệp.
Môn thứ 3 thay đổi mỗi năm, cần điều kiện gì ?
Ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng nếu môn thi thứ 3 thay đổi mỗi năm, HS sẽ phải chú trọng đến nhiều môn học khác nhau thay vì tập trung vào một số môn chính. Điều này giúp xây dựng nền tảng kiến thức toàn diện hơn, tăng khả năng hiểu biết và yêu cầu HS phải có khả năng thích ứng và linh hoạt với việc thay đổi. Tuy nhiên, sự không ổn định về môn thi có thể tạo ra căng thẳng tâm lý cho HS, gây khó khăn cho HS trong việc lập kế hoạch học tập dài hạn, nhất là với các em cần nhiều thời gian chuẩn bị cho các môn mình chưa mạnh.
Để đạt được hiệu quả tối đa, từng địa phương cần có kế hoạch thông báo sớm môn thi, hỗ trợ giáo viên và nhà trường điều chỉnh chương trình dạy học phù hợp. Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ tâm lý và học tập để HS thích nghi tốt hơn với sự thay đổi này.
Bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho rằng nếu mỗi năm mỗi thay đổi môn thi thứ 3 thì Sở phải công bố sớm, vào mỗi đầu năm học để nhà trường, giáo viên, HS chuẩn bị kiến thức và tâm lý chứ không thể giữ theo quy định thời gian như trước đây là trước ngày 31.3.
Bình luận (0)