Vì nỗi khát khao
Lọt thỏm trong khu ẩm thực ở tầng 5 của trung tâm thương mại MBK thuộc hàng lớn nhất nhì Bangkok là một quán ăn Việt Nam rộng chừng ba mươi mét vuông. Quán nằm ở phía cuối khu ẩm thực, lẫn vào nhiều hàng quán khác của Thái Lan, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ... Chủ nhân của quán là người phụ nữ gốc Việt định cư ở Pháp có cái tên rất Việt - bà Nón. Bà Nón theo chồng là người Thái qua Thái Lan kinh doanh món Việt. Dù thực đơn không nhiều, nhưng quán bà Nón phục vụ những món ăn đặc trưng của cả ba miền Bắc - Trung - Nam, có thể làm hài lòng thực khách đến từ Việt Nam và các nước.
|
Kinh doanh món Việt đang là nghề nuôi sống nhiều gia đình Việt Nam qua nhiều thế hệ trên đất Thái. Phần lớn người Việt di cư qua Thái Lan từ những năm Pháp thuộc và mang theo cả ký ức về món Việt vốn rất đơn sơ của thời kỳ đó. Chị Piyakul Suwansumrit bắt đầu kinh doanh món Việt từ những năm cuối của thế kỷ trước. Piyakul có tên tiếng Việt là Tuyết, cho biết ý tưởng của chị xuất phát từ nhu cầu được thưởng thức món Việt. Cũng như nhiều người sống xa quê, chị Piyakul luôn nhớ và thèm hương vị của những món ăn Việt Nam. Sống trên đất Thái, tìm được nhà hàng Việt Nam thật khó, chưa nói khi tới những quán ấy chị thấy những món ăn chẳng có vị Việt Nam tí nào.
|
Rồi nhà hàng Viet Nam My Heart (Việt Nam trái tim tôi) ra đời. Piyakul kể chị bắt đầu khởi nghiệp bằng những món ăn mà mẹ chị từng nấu thời gia đình còn ở vùng đông bắc Thái Lan (đây cũng là nơi tập trung nhiều người Việt sinh sống trên đất Thái). Piyakul tự cho mình là người có trí nhớ tốt về các món Việt. Chị học chúng từ bất cứ nơi đâu có người Việt sinh sống, thậm chí sứ quán Việt Nam tại Bangkok cũng là “trường” dạy chị biết nhiều về những món mà chị chưa từng nghe và thưởng thức. Chị không chỉ học cách chế biến mà nghe cả những câu chuyện liên quan đến chúng. Piyakul tâm sự: “Thưởng thức món ăn gọi là ngon thì không phải chỉ qua hương vị mà còn là câu chuyện và giai thoại liên quan đến chúng. Khi đó thực khách mới cảm nhận được hết sức hấp dẫn của món Việt”.
|
May mắn hơn Payikul, bà Mỹ Dung có cơ hội thưởng thức hương vị Việt ở quê nhà trước khi lập nghiệp trên đất Thái. Bà Dung mở một nhà hàng nằm trên đường Thong Lor ở thủ đô Bangkok, đặt tên là Xuân Mai. Nhà hàng của bà Dung được trang trí theo phong cách rất Việt với hình ảnh hoa sen là chủ đạo. Nhà hàng phục vụ nhiều món ăn thuần Việt như phở, bún bò, bún thịt nướng, gỏi, bánh cuốn, nem nướng, cơm tấm, bánh mì thịt... Trên đất Thái tìm được nhà hàng như thế không dễ. Song, Xuân Mai nổi tiếng ở Thái Lan không phải chỉ vì điều đó mà cả ở tên tuổi bà chủ. Bà Mỹ Dung nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Mỹ và cả Thái Lan vì bà là cựu nhân viên FBI (Cục Điều tra liên bang Mỹ). Định cư tại Mỹ, làm việc cho FBI hơn 20 năm ở Thái Lan, bà Dung nghỉ hưu vào năm 2004 và bắt đầu kinh doanh món Việt một năm sau đó. Bà Dung kể việc kinh doanh nhà hàng Việt là ý tưởng đến bất ngờ khi bà được một người bạn rủ rê, dù sau khi nghỉ hưu bà từng được mời làm cho nhà bán lẻ có tiếng ở Mỹ. Bà tâm sự đã mệt mỏi với công việc điều tra, hiện chỉ muốn tận hưởng cuộc sống hưu trí với công việc nhẹ nhàng và gần gũi với Việt Nam. Việc kinh doanh món Việt với nhà hàng Xuân Mai là lựa chọn của bà.
|
Le Dalat có lẽ là nhà hàng Việt hoạt động lâu nhất trên đất Thái vì bà chủ có tên thường gọi Madame Lý nay đã hơn 93 tuổi. Khi thành lập nhà hàng Le Dalat, bà còn khá trẻ. Một số người Việt sinh sống ở Thái Lan nói rằng họ đã thấy Le Dalat từ trước năm 1975 và nó vẫn đều đặn hoạt động cho đến nay. Le Dalat có đặc điểm không giống với những nhà hàng Việt khác ở chỗ món ăn ở đây mang hương vị đặc thù của những thập niên đầu thế kỷ trước. Khi đặt chân vào nhà hàng và nhìn cách bài trí, thực khách sẽ dễ dàng cảm nhận hương vị xưa của Le Dalat.
Hương xưa, vị mới
Nhà hàng Xuân Mai ngày mới mở chỉ phục vụ khoảng chục món Việt như phở, nem nướng, gỏi cuốn… Bà Dung cho biết đó là tất cả “vốn liếng” mà bà có lúc đó. Tuy nhiên nhìn vào thực đơn của nhà hàng bây giờ đã thấy khác xa với gần 80 món, trong đó có hơn 60 món ăn. Đối với một chủ quán “ngoại đạo” thì đó là một kỳ tích, nhất là khi một tay bà chủ chế biến tất cả. Bà Dung tâm sự, Xuân Mai cố gắng giữ hương vị thuần Việt cho các món ăn và an toàn cho thực khách (bằng việc không sử dụng bột ngọt). Tuy nhiên, ở Thái Lan không có nhiều nguyên liệu chế biến món Việt nên bà phải bay đi bay về Việt Nam để mua nguyên liệu hoặc đôi lúc tự “chế” từ những nguyên liệu tương tự của người Thái. Song đối với bà Dung đó không phải là khó khăn nhất của Xuân Mai, vì cách chế biến sao cho giống Việt Nam mới là khó. Ví dụ bánh cuốn, bà Dung kể phải mất cả năm trời mới học và làm được. Đây là một trong những món mới được bổ sung vào thực đơn của Xuân Mai.
Ở trung tâm MBK, quán Việt của bà Nón kinh doanh khá tốt. Bà Nón cho biết phở là một trong những món Việt được ưa thích nhất ở Thái Lan. Mỗi ngày bà bán cả trăm tô phở bên cạnh những món Việt khác như bún thịt nướng, nem nướng, gỏi cuốn,… Để giải quyết nỗi lo khi nguyên liệu chế biến món phở gần hết, mỗi lần có người Việt tới ăn ở quán, bà đều gửi gắm mua hộ một ít gia vị.
Người Thái từ lâu đã nhìn thấy cơ hội từ việc kinh doanh món Việt bởi tính “thực dụng” của nó. Khác với món ăn các nước, món Việt có đặc điểm mà thực khách các nước rất thích đó là sự kết hợp khoa học của thực phẩm, làm cho món ăn có tính hữu dụng rất cao về mặt sức khỏe. Rau, thịt, gia vị… và cả cách chế biến ở mức độ vừa phải, không chỉ làm thức ăn ngon mà còn giữ được độ dinh dưỡng cao. Có lẽ vì thế mà hầu như các trung tâm thương mại lớn của Bangkok đều có “góc Việt” do người Thái làm chủ. Sự xuất hiện quán ăn Việt của người Thái một phần cũng vì người Việt Nam đi du lịch Thái Lan ngày càng nhiều. Đáp ứng nhu cầu ẩm thực là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư Thái và âu đó cũng là áp lực đối với các nhà hàng của người Việt.
Payikul nói rằng ở Thái Lan là mảnh đất hội tụ nhiều nền văn hóa kể cả văn hóa ẩm thực nên nhà hàng rất nhiều và họ kinh doanh đủ loại món ăn trên thế giới. Vì vậy, việc kinh doanh nhà hàng nói chung quả là một thách thức đối với người Việt. Tuy nhiên, chị Payikul tự tin món Việt là một sản phẩm đặc thù mà nếu không phải là người Việt kinh doanh thì không dễ thành công. Cách của chị là làm sao để món Việt được nhiều thực khách - không phải chỉ là người Việt - ưa chuộng. Thực tế cho thấy lượng khách chính của nhà hàng lại là người Thái hoặc người nước khác muốn thưởng thức món Việt. Vì thế các nhà hàng cũng phải thay đổi khẩu vị để phù hợp hơn. Nhưng dù hương vị xưa hay mới, nhà hàng có khẩu vị thuần Việt hay có “biến tấu” cho hợp hơn với người Thái, thì những quán ăn Việt trên đất Thái vẫn là một nét văn hóa ẩm thực rất đáng ghi nhận.
Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)
Bình luận (0)