Ông tâm sự: Tôi là đại biểu của 3 kỳ ĐH Đảng (khóa VII, VIII, IX). Mỗi kỳ ĐH đều để lại ấn tượng với tôi rất sâu sắc.
ĐH đầu tiên tôi tham gia là ĐH VII, lúc đó CNXH trên toàn thế giới lâm vào khủng hoảng. Trong Đảng ta có một số ít người muốn theo cách cải tổ của Liên Xô, nhưng Đảng ta hết sức tỉnh táo, đã thông qua Cương lĩnh quá độ đi lên CNXH, năm 1991. Chính nhờ Cương lĩnh ấy chúng ta xác định được đường lối để khẳng định được chúng ta luôn luôn độc lập tự chủ mà trong độc lập, tự chủ, quan trọng nhất là tự chủ về đường lối. Nhờ đó, chúng ta đứng vững được và tiếp tục đổi mới, phát triển.
Đại hội VIII thì lại có một ấn tượng khác. Đây là thời điểm mà sự quan tâm của đảng viên và người dân đối với vấn đề dân chủ rất lớn. ĐH VIII, chúng ta xác định được nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là bước phát triển mới rất quan trọng. Thời điểm đó, cuộc đấu tranh tư tưởng về vấn đề dân chủ khá quyết liệt, các tổ ĐB đều phát biểu ý kiến hăng hái. Ngay tại hội trường, đồng chí Trần Trọng Tân và một số đại biểu yêu cầu đưa khái niệm “dân chủ” vào mục tiêu phát triển (dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh - PV). Nhưng phải đến ĐH IX mới đưa được “dân chủ” vào mục tiêu như chúng ta đã biết. Không phải chúng ta không quan tâm vấn đề dân chủ nhưng lúc đó được giải thích khiên cưỡng là trong “văn minh” đã có nội dung dân chủ!
Đến ĐH IX, là ĐH cuối cùng tôi tham gia với tư cách là Ủy viên Trung ương khóa VIII. Tôi đọc tham luận tại ĐH về chủ đề “Ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa cơ hội, chống chạy chức, chạy quyền”; có lẽ vì phù hợp với suy nghĩ, mong muốn của nhiều người cho nên được anh em hoan nghênh và 16 tờ báo trung ương, địa phương đăng lại toàn văn tham luận đó.
Ấn tượng rõ nhất ở các kỳ ĐH Đảng tôi từng tham gia là những cuộc đấu tranh cho dân chủ và cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường.
Bây giờ chúng ta vẫn đang tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa cơ hội, bệnh tham nhũng lãng phí, chạy chức chạy quyền, chạy dự án như nội dung dự thảo văn kiện ĐH XI đã nêu lên.
“Thực hiện dân chủ phải đảm bảo bằng cơ chế”
ĐH XI lần này đặt mục tiêu “dân chủ” lên trước “công bằng”, trong dư luận xã hội có 2 cách giải thích không giống nhau, nhưng lại giống nhau ở chỗ thời gian tới phải hết sức coi trọng vấn đề dân chủ. Bởi vì có dân chủ mới tạo được sự đồng thuận và đoàn kết thực chất, do đó mới phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, có dân chủ mới phát huy được động lực của toàn Đảng và có dân chủ mới đảm bảo được công bằng. Tuy nhiên, vấn đề thực hiện dân chủ lại phải bảo đảm bằng cơ chế chính sách chứ không phải chỉ đặt mục tiêu, khẩu hiệu.
Thời kỳ bắt đầu đổi mới, ĐH VI nêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn chưa thông qua được Luật công bố thông tin để cho dân rõ những cái gì mình được quyền biết. Phải luật hóa những việc dân có quyền được biết, những việc dân được quyết định và cơ chế nào để dân có thể kiểm tra, giám sát. Nhà nước pháp quyền thì mọi thứ phải luật hóa. Khi luật hóa các quyền của dân rồi, nếu anh không làm tức là vi phạm luật, sẽ có chế tài.
Mỗi một ĐH Đảng diễn ra đều có hai nội dung lớn, đó là xác định nội dung, phương hướng, mục tiêu phấn đấu, phát triển giai đoạn tới và thứ hai là vấn đề nhân sự. Đường lối là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đường lối có thể chưa hoàn toàn chính xác nhưng chọn được nhân sự chính xác thì cũng đảm bảo uốn nắn được sự chưa chính xác của đường lối (nếu có) để thực hiện tốt trong thực tiễn. Cho nên người dân rất quan tâm đến nhân sự cấp cao của Đảng, cũng là của đất nước. Tôi mong rằng ĐH lần này bầu được những người có đủ đức, đủ tài, những người cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, không tham nhũng và tích cực đấu tranh chống tham nhũng; gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, có tư tưởng đổi mới. Những người có tầm trí tuệ chiến lược đưa đất nước vượt ra khỏi khó khăn thách thức, để biến thách thức thành thời cơ tạo sự bứt phá.
Tôi xin nhắc lại ý kiến bao quát của Bác Hồ là “không ngừng nâng cao đời sống nhân dân và thực hành dân chủ thiết thực”. Đó cũng là mong muốn của tôi.
Bảo Cầm (ghi)
Bình luận (0)