Mong các nhà đầu tư như Nutifood mở rộng chuỗi cung ứng

Mai Phương
Mai Phương
16/04/2024 09:40 GMT+7

Khí hậu mát mẻ, các loại nông sản, bò sữa ở Mang Yang hay nhiều vùng đất của Gia Lai có lợi thế phát triển. Vì vậy, lãnh đạo Gia Lai khẳng định, ủng hộ và cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư đi tiên phong, có quyết tâm "Xây dựng Mang Yang- Gia Lai thành thiên đường bò sữa".

Phát biểu tại tọa đàm "Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (16.4), ông Nguyễn Tuấn Anh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - cảm ơn Báo Thanh Niên đã tổ chức tọa đàm này. Theo ông Tuấn Anh, Mang Yang có nghĩa là Cổng Trời nên nếu nói về thổ nhưỡng thì cả vùng Tây nguyên đều giống nhau. Tuy nhiên, với độ cao gần như Măng Đen, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm có mùa lên đến 13 - 15 độ. Điều đó giúp vùng đất Gia Lai cho ra những loại trái cây ngọt hơn; sầu riêng, bơ, chuối... trồng ở Gia Lai cũng ngon hơn và có giá trị bán ra cao hơn. Đây là những lợi thế của địa phương. Không chỉ có địa lợi mà còn có thiên thời là khí hậu, giúp cho con người và cả con bò sữa cũng ngủ ngon, nhiều sữa hơn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

ĐỘC LẬP

Ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, không chỉ Mang Yang mà có đến 3/4 diện tích tỉnh Gia Lai đều có tiềm năng phát triển như thế. "Chúng tôi rất trân trọng những người khám phá, tìm ra tiềm năng của vùng đất này, cùng chung tay để phát triển kinh tế. Tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế định hướng đến 2023 với những vấn đề trọng tâm. Trong đó, về hoạt động đầu tư sẽ rút ngắn thời gian từ ý tưởng đến lập quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư, thương mại hóa dự án... bình quân từ 3,5 năm trước đây xuống còn từ 18 - 24 tháng tùy loại hình dự án", ông Tuấn Anh phát biểu.

Thứ hai về hạ tầng, nói đến nông nghiệp thì quan trọng nhất là nước và trữ lượng nước. Gia Lai có trữ lượng nước trên trung bình khá nhưng so với Đồng bằng Bắc Bộ thì chưa tối ưu bằng. Đây là nhiệm vụ tối ưu về các hồ chứa nước để điều hòa, không để thiếu nước cục bộ, nhất là khi trong tình hình biến đổi khí hậu sẽ có thể càng nặng nề hơn. Tỉnh sẽ cố gắng khắc phục vấn đề này.

Song song đó, ông hy vọng thời gian tới từ chủ trương đi vào thực hiện triển khai cao tốc từ Gia Lai nối Kon Tum và Gia Lai nối với Quy Nhơn được triển khai nhanh. Đây là điều kiện phát triển nông nghiệp, du lịch kể cả công nghiệp chế biến. Khi đó, cơ hội cho các ngành khác cũng tăng lên và chính những người đi đầu sẽ hưởng lợi. Các nhà đầu tư ngay từ bây giờ cần có chiến lược đầu tư dài hơi, nghiêm túc hơn để có những dự trữ về đất đai, có thị phần lớn hơn, cạnh tranh trong chuỗi cung ứng nội địa lẫn xuất khẩu...

Mang Yang Gia Lai Viên ngọc thô chờ thành thiên đường bò sữa

Để làm được việc này, ngoài những vai trò phía nhà nước, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng doanh nghiệp cần thắt chặt câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm bao gồm cả kiểm soát hàm lượng kháng sinh trong sản phẩm và các yếu tố khác để đảm bảo duy trì cạnh tranh lành mạnh và nâng dần tiêu chí chất lượng sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng nội địa và từ đó tiến ra biển lớn. Chúng ta cũng không nên chạy theo số lượng, thị phần mà đánh mất chất lượng trong sản phẩm và thương hiệu. Đó mới là kết quả cho đường dài phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư và cũng là lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, thương hiệu.

"Qua buổi tọa đàm, mong các nhà đầu tư như NutiFood mở rộng sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng. Nếu không có chuỗi cung ứng thì sau này muốn phát triển mạnh sẽ khó hơn khi phụ thuộc vào các đơn vị khác. Mặc dù việc đó có chấp nhận sự đau thương của người đi đầu. Nếu làm được và có những đề xuất sớm thì cá nhân tôi và lãnh đạo địa phương sẽ ủng hộ, đồng hành cùng các nhà đầu tư. Đó cũng là mong muốn xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa như ý tưởng của tọa đàm thành hiện thực", ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.