Chỉ thị nêu rõ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi của địa phương ở tất cả các khâu. Trong đó có nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức thanh tra và kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi đảm bảo tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế thi.
Trong bối cảnh kỳ thi năm nay, vai trò của các trường đại học (ĐH) tham gia tổ chức kỳ thi này đến đâu?
Giám sát chặt chẽ khâu tổ chức thi và chấm thi
Trước đó, năm 2021 Bộ GD-ĐT đã điều động hơn 7.700 cán bộ, giảng viên của 123 cơ sở giáo dục ĐH cả nước tham gia nhiệm vụ kiểm tra công tác coi thi tại hội đồng thi của 63 tỉnh thành. Ở mỗi địa phương, đoàn kiểm tra có trưởng đoàn và thành viên là người của trường ĐH, trong đó mỗi đoàn có ít nhất 2 trường ĐH cùng tham gia. Ngoài ra, còn có 10 đoàn kiểm tra ngẫu nhiên khác, đoàn của ban chỉ đạo thi cấp quốc gia và đoàn lãnh đạo Bộ.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết năm 2021 trường này cử hơn 60 cán bộ tham gia nhiệm vụ kiểm tra công tác coi thi tại Hội đồng thi tỉnh Tiền Giang.
“So với việc cử cán bộ trường ĐH tham gia coi thi của những năm trước, việc các trường tham gia giám sát tiết kiệm chi phí hơn nhiều. Chỉ cần thực hiện tốt khâu giám sát này chúng ta sẽ có một kỳ thi công tâm”, ông Nhân nói.
Kiểm tra thí sinh bằng máy quét an ninh trong kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Đây là một biện pháp ngăn ngừa gian lận khi thi |
HÀ ÁNH |
Cũng theo tiến sĩ Nhân, việc tổ chức kỳ thi THPT đã được giao về địa phương nên cần thiết nêu cao vai trò của lãnh đạo tỉnh, thành. Bên cạnh mục tiêu phục vụ xét tốt nghiệp, kết quả kỳ thi này vẫn được các trường ĐH sử dụng trực tiếp để tuyển sinh đầu vào. Do vậy, việc giám sát chặt chẽ cả khâu tổ chức thi và chấm thi để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, không tiêu cực là mong muốn của các trường ĐH.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trường vừa tổ chức xong kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt phục vụ tuyển sinh. Trong kỳ thi này, trường sử dụng máy quét an ninh để kiểm tra thí sinh trước khi vào phòng thi. Đây là biện pháp bắt buộc do kỳ thi diễn ra trên máy tính nhằm đảm bảo nghiêm ngặt. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ áp dụng được với kỳ thi có quy mô không lớn.
Theo ông Trung, các trường ĐH chỉ cần tham gia trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Còn Bộ cũng cần tập trung hơn vào đề thi để có mã đề khác nhau cho tất cả thí sinh trong 1 phòng.
Mong đề thi có mức độ phân hóa tốt
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng cho biết năm nay trường dành tới 70% tổng chỉ tiêu tuyển sinh xét điểm kỳ thi tốt nghiệp. Với phương thức này, các trường ĐH mong muốn đề thi có mức độ phân hóa tốt hơn để lựa được thí sinh giỏi. Bên cạnh đó, khâu coi thi và chấm thi cũng cần đảm bảo công bằng, nghiêm túc.
“Như năm 2021, mỗi hội đồng thi có 2 trường ĐH tham gia đoàn kiểm tra. Trong số 2 đơn vị này, việc duy trì một trường ĐH đến từ địa phương khác là cần thiết để đảm bảo hơn sự khách quan”, thạc sĩ Vũ ý kiến.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng để có một kỳ thi tốt, cần chuẩn bị tốt từ đề thi đến khâu tổ chức. Nhấn mạnh vai trò của đề thi phục vụ xét tuyển ĐH, tiến sĩ Chính cho rằng cần chuẩn hóa hơn khâu này. Đề thi phải được thiết kế, thử nghiệm, quản lý bằng công nghệ thông tin để thể hiện tính khách quan và theo quy chuẩn quốc tế. Đồng thời, đề thi phải được xây dựng trên chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông. Khi đó mới tránh được tình trạng đề thi năm thì dễ năm thì khó, ảnh hưởng đến việc phân loại thí sinh trong xét tuyển ĐH.
Về khâu tổ chức kỳ thi, tiến sĩ Chính cho rằng cần có quy trình chặt chẽ, làm đúng quy trình và xử lý nghiêm các tiêu cực xảy ra nếu có. “Việc tổ chức cần nghiêm túc và công bằng tránh những hiện tượng tiêu cực như từng xảy ra tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang…”, tiến sĩ Chính nhấn mạnh.
Bình luận (0)