Tiếp sức mùa thi 2024

Mong chung tay hỗ trợ cô học trò nghèo vào đại học

23/07/2024 06:00 GMT+7

Để có tiền theo đuổi việc học và trang trải cuộc sống, từ nhỏ đến lớn, cô học trò nghèo đã phải làm rất nhiều việc, từ bắt ốc, chạy bàn, rửa chén thuê đến tự làm đồ thủ công để bán, dạy kèm cho bạn…

12 năm đều là học sinh giỏi, nay biết điểm thi tốt nghiệp THPT (toán 8,2; vật lý 8,5; ngữ văn 8; hóa học 7,5; tiếng Anh 7,6; sinh học 6,25), dù kết quả cao nhưng Lê Hoàng Minh Thư lại lo sợ không có tiền để thực hiện ước mơ vào giảng đường.

Những đêm khóc cạn nước mắt

Đến nhà Lê Hoàng Minh Thư, lớp 12A8 Trường THPT Tenlơman (TP.HCM), vào một buổi chiều trời kéo mây đen, tối mịt. Con đường dẫn vào nhà của Thư ở P.An Phú (TP.Thủ Đức) không khác gì khung cảnh miền quê sông nước, ở đó có những hoàn cảnh khó khăn và căn nhà tình thương nơi mà cô học trò nhỏ sinh sống cùng mẹ, anh và đứa em trai sinh đôi.

Căn nhà này trước đây là nhà lá, mỗi lần mưa là ngập và dột khắp nơi. Nay thấy trời kéo mây đen, mẹ con Thư chột dạ nhớ lại những ngày mà cứ mưa là mấy anh em Thư phải ngồi trên ghế thức trắng đêm vì nước ngập lai láng. Thế rồi trong một lần mưa lớn, căn nhà lá tạm bợ không trụ nổi nên sập. Thấy hoàn cảnh khốn khó, Ban Vận động vì người nghèo Q.2, Hội Liên hiệp Phụ nữ Q.2 (nay là TP.Thủ Đức) đã sửa chữa căn nhà lá thành nhà tình thương.

Mong chung tay hỗ trợ cô học trò nghèo vào đại học- Ảnh 1.

Cô học trò khóc nghẹn mỗi lần nhớ về ba và nghĩ đến tương lai của mình

NỮ VƯƠNG

Cuộc sống của Thư và gia đình chưa một ngày nào là thoát được cảnh khổ. Trước đây ba Thư làm bảo vệ, lương tháng được khoảng 3 triệu đồng. Mẹ bị bệnh khớp nặng, lúc khỏe thì đi giúp việc nhà theo giờ, đau là nằm một chỗ, nhưng ngày đau nhiều hơn ngày khỏe. Gia đình đông con, nên cuộc sống túng quẫn cứ bủa vây.

Ý thức được hoàn cảnh gia đình, Thư đi làm từ nhỏ. Mỗi ngày cô học trò lấm lem bùn lầy vì lội men theo các hàng dừa nước ven mé sông để bắt ốc về bán. Lên lớp 6, Thư đi rửa chén thuê cho các tiệc cưới. Có hôm tiệc tối, rửa chén xong về đến nhà là 11, 12 giờ đêm, nhưng cô học trò vẫn cố gắng để mong kiếm được đồng nào hay đồng đó.

Đến năm 2021, ba bị đột quỵ và rời xa Thư mãi mãi. Cô học trò nhỏ tuyệt vọng: "Từ nhỏ đến lớn em đã gặp rất nhiều thử thách, cuộc sống khó khăn mà ông trời còn cướp mất ba của em. Em thấy bất lực, đau đớn tột cùng…".

Kể từ đó, cứ đêm về, gối của Thư và mẹ đều ướt đẫm. Thư khóc muốn cạn nước mắt vì nhớ ba, vì nghĩ đến tương lai và xót thương cho hoàn cảnh của gia đình mình. Nhưng cô học trò chỉ dám khóc một mình, không muốn để ai biết, nhất là mẹ. Thư sợ mẹ không đủ sức vượt qua, đổ bệnh rồi cũng sẽ bỏ mấy anh em lại như ba của mình. Nên ngoài mặt lúc nào Thư cũng vui cười. Đến trường, nhiều hôm vào giờ nghỉ trưa, Thư bị cô gọi tên vì chưa đóng học phí. Về nhà cô học trò không nói với mẹ, sợ mẹ lại thêm lo nghĩ, phiền muộn.

Mong chung tay hỗ trợ cô học trò nghèo vào đại học- Ảnh 2.

Mỗi ngày đi học, Thư mang theo thùng xốp đựng các món đồ thủ công. Học xong là đi bán đến khuya mới về đến nhà

NỮ VƯƠNG

"Những lúc như thế em chỉ biết xin với cô cho em đóng muộn. Em thường phải đợi đến cuối kỳ, tổng kết có học bổng sẽ trừ vào tiền học. Chính vì thế, dù bươn chải cuộc sống có vất vả thế nào thì em cũng phải cố gắng học, chỉ khi điểm số càng cao thì tiền học bổng mới được nhiều để trừ vào học phí", Thư kể.

4.000 đồng tiền gửi xe đi học cũng không có

Từ lúc ba mất, bất cứ công việc gì có thể kiếm được tiền mà không phạm pháp là Thư đều làm. Trước đây lúc nào rảnh việc học, Thư mới đi rửa chén thuê, giờ cứ được báo nay có tiệc để đi làm là cô học trò lại mừng, vì Thư biết ngày hôm đó sẽ có tiền để mua gạo, mua trứng.

Thùng gạo nhà Thư lúc nào cũng trong tình trạng hết hoặc sắp hết, vì mỗi lần mua chỉ được 1 hoặc 2 - 3 kg. Cứ đi làm có tiền, hay ai cho tiền là Thư đều đi mua gạo và trứng vịt trước tiên; để những ngày không có tiền còn có gạo nấu cơm và chiên trứng ăn.

"Đi học, các bạn đều đóng tiền quỹ nhưng em không có tiền để đóng. Có những hôm 4.000 đồng gửi xe em cũng không có. Những lúc như vậy, chú bảo vệ ở trường thấy thương nên cho em luôn", Thư chia sẻ.

Ngoài Thư, còn đứa em trai sinh đôi cũng đang đi học, mà công việc giúp việc nhà của mẹ chỉ cầm chừng. Hôm nào bớt đau chân, mẹ Thư đi làm được 2 - 3 tiếng, còn không là 1 tiếng hoặc đau quá thì chịu thua. Hôm tôi đến, mẹ Thư đi làm được trả công 50.000 đồng nhưng chủ thương tình nên cho thêm 20.000 đồng nữa. Được 70.000 đồng cho ngày hôm đó mà chị Bùi Thị Anh Tiên (mẹ Thư) vui mừng khôn tả, vì vốn dĩ có những hôm cả gia đình không có đồng bạc nào.

Mong chung tay hỗ trợ cô học trò nghèo vào đại học- Ảnh 3.

Thư lo lắng không thực hiện được ước mơ học đại học vì hoàn cảnh quá khó khăn

NỮ VƯƠNG

Có lẽ hình ảnh cô học trò chở đằng sau xe thùng xốp đựng những món đồ thủ công đã trở nên quen thuộc với bạn bè và thầy cô ở Trường THPT Tenlơman. Những món đồ thủ công như móc khóa, hoa bằng len do Thư và mẹ tự làm; ngoài được bạn bè mua ủng hộ tại trường, cứ sau mỗi buổi chiều tan học, Thư chở đến khu đô thị Sala để bán, mãi đến tối muộn cô học trò mới trở về nhà.

Cô Lại Tố Trân, tổ trưởng tổ hóa Trường THPT Trưng Vương (Q.1), biết được hoàn cảnh nên đã dạy thêm miễn phí môn hóa cho Thư. Cô Trân xúc động nói: "Đi học thêm nhưng Thư chở theo cả thùng xốp đựng các món đồ thủ công. Những hôm học xong là gần 8 giờ tối nhưng em còn chở đồ đi bán đến 11 giờ đêm mới về. Thư thật sự rất nghị lực, dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng lúc nào em cũng vui vẻ, lạc quan và có nhiều cố gắng trong học tập".

Mong chung tay hỗ trợ cô học trò nghèo vào đại học- Ảnh 4.

Cuộc sống đầy rẫy những khó khăn dường như chưa bỏ quên Thư ngày nào

NỮ VƯƠNG

Là giáo viên chủ nhiệm lớp của Thư, cô Trần Huỳnh Anh càng thấu hiểu hoàn cảnh và mong muốn cô học trò của mình sẽ nhận được những sự hỗ trợ để tiếp tục việc học. Cô Anh nói: "Thư rất ngoan, hiền và luôn giúp đỡ bạn bè trong học tập. Em ấy học rất giỏi, chăm chỉ. Tôi rất mong các nhà hảo tâm có thể giúp đỡ để em tiếp tục học đại học".

Bà Nguyễn Thị Ba, nguyên tổ trưởng tổ 26 (nay là KP.14, P.An Phú), cũng đau đáu cho hoàn cảnh của Thư: "Chỉ mong các nhà hảo tâm có thể giúp đỡ cho Thư để cháu tiếp tục việc học. Gia đình rất khó khăn, nhưng Thư luôn cố gắng học giỏi. Trước đây khi làm tổ trưởng và dù bây giờ không còn làm nữa, tôi vẫn thường xuyên vận động các suất quà, hoặc có người nào tặng học bổng, dù không nhiều, chỉ vài trăm ngàn đồng thì tôi cũng ưu tiên cho mấy anh em Thư".

Nghĩ về hoàn cảnh của mình, Thư vội lén lau đôi mắt đang đỏ hoe. Làm sao để em có thể giấu được nỗi buồn, khi giấc mơ vào giảng đường sắp trở thành hiện thực thì cánh cổng đại học ấy có thể đóng lại với cô học trò bất cứ lúc nào vì hoàn cảnh hiện tại không cho phép em tiếp tục sự học…

Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Lê Hoàng Minh Thư, lớp 12A8 Trường THPT Tenlơman (TP.HCM), quý độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Eximbank - chi nhánh Sài Gòn hoặc số tài khoản 6868866868 tại Vietcombank - chi nhánh Tân Định. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Lê Hoàng Minh Thư; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Thư trong thời gian sớm nhất.

Mong chung tay hỗ trợ cô học trò nghèo vào đại học- Ảnh 5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.