Như Thanh Niên đã thông tin, trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN lần thứ 9 khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai đã dành nhiều thời gian đề cập câu chuyện cải cách tiền lương, trợ cấp BHXH và các chính sách an sinh. Trong đó, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh các chính sách BHXH, chính sách an sinh phải trở thành các trụ cột và luôn được quan tâm.
"Vừa rồi khi sửa luật Khám chữa bệnh (KCB) thì Quốc hội lại một lần nữa đặt ra câu hỏi là đã có thẻ BHYT thì có thể đi khám bất cứ tuyến nào được không? Dần dần chúng ta phải trả lời cho người dân để họ có thể lựa chọn. Tuy bây giờ chúng ta chưa thể làm được nhưng dần dần chúng ta phải làm", Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nói.
Một chính sách tương lai giúp việc dùng BHYT "có thể KCB ở bất kỳ tuyến nào" đang được bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên rất mong chờ.
Rất thiết thực
Nhắc lại câu chuyện xóa bỏ cơ chế xin - cho trong chuyển tuyến BHYT đang được quan tâm thời gian qua, BĐ Tánh Phước Lê khẳng định: "Dùng BHYT để có thể KCB bất cứ nơi đâu, không phân biệt tuyến điều trị, là điều rất thiết thực với bệnh nhân (BN)". BĐ Trang Nguyen cũng bày tỏ ý kiến tán đồng: "Mong thật sự bỏ hẳn việc phải xin chuyển tuyến vì như vậy vô tình rơi vào tình huống là người dân mua BHYT nhưng lại không được hưởng bảo hiểm trong một vài trường hợp. Thậm chí có người do khó khăn trong khâu xin chuyển tuyến điều trị nên chấp nhận không thanh toán BHYT, dẫn đến việc tỷ lệ mua BHYT còn thấp".
So sánh với nhiều hình thức "ngoài BHXH" mà các công ty bảo hiểm đang triển khai, bao gồm cả nội dung KCB, BĐ Minh Nghĩa nhận xét: "Các công ty bảo hiểm mà tôi hiểu nôm na là bảo hiểm tư đang khai thác chỗ này để cạnh tranh với BHXH, họ nhắm tới lượng lao động tự do vốn di chuyển linh hoạt giữa các thị trường lao động". Tán thành, BĐ Hiệp Nguyễn nêu: "Nên sửa đổi cho hợp lý đối với các lao động tự do, mua BHYT tự nguyện vì đặc thù công việc nay đây, mai đó. Làm sao để họ sử dụng BHYT KCB ở đâu cũng được, bất kể huyện nào, tỉnh nào".
Giải pháp từ y tế cơ sở
Trong phát biểu chỉ đạo của mình, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cũng cho hay nếu như năm 2009, khi trình luật BHYT mới chỉ có 25% người dân tham gia BHYT, tới nay đã có tới trên 90% người dân tham gia, có nghĩa là khi họ ốm đau thì có BHYT chi trả. Mục tiêu đến năm 2029, công tác KCB phải "tháo tuyến" để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có thể lên trực tiếp tuyến T.Ư điều trị bệnh và được chi trả.
Bày tỏ đồng tình với nội dung phát biểu của Thường trực Ban Bí thư, BĐ Tuấn An cho rằng mục tiêu "tháo tuyến" trong KCB dùng BHYT sẽ đạt được thực chất nếu "chất lượng các tuyến tương đối đồng đều để tránh tình trạng bệnh gì cũng dồn lên tuyến trên". Cùng nhận định này, BĐ Trường Lưu đánh giá căn cơ giải pháp phải đi từ các tuyến y tế cơ sở: "Nếu trình độ y tế các địa phương không phát triển đồng đều sẽ dẫn đến tình trạng nhiều BN dồn về một số bệnh viện lớn dẫn đến tình trạng quá tải".
Đề cập một số thách thức trong quản lý hồ sơ BN, liên thông thủ tục, chất lượng thăm khám ban đầu để chẩn đoán bệnh chính xác, BĐ Thủy Trang nêu ý kiến: "Mục tiêu số hóa dữ liệu cá nhân của từng người dân chính là để giảm bớt các tầng nấc thủ tục hành chính. Dùng BHYT trong KCB cũng vậy, nếu có những khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết thì trách nhiệm gỡ khó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, chứ không thể đẩy cho người dân".
Rất mong ngành y tế và bảo hiểm phối hợp, liên thông để bớt đi phần nào thủ tục rườm rà cho người dân.
Đặng Thanh Thư
Mẹ tôi gần 90 tuổi phải di chuyển bằng xe lăn, mỗi lần xin giấy chuyển tuyến hết nửa ngày, hôm sau mới được lên bệnh viện tỉnh khám bệnh lấy thuốc. Chưa kể bà mắc nhiều bệnh của tuổi già thường xuyên phải nhập viện cấp cứu. Cứ mỗi lần nhập viện thì lần sau khám bệnh lại phải xin giấy chuyển tuyến, thật mệt mỏi.
Khoi Nguyen
Đặt ra hướng bỏ giấy chuyển tuyến như vậy rất tốt, tránh gây phiền hà cho BN, nhất là người nghèo.
Bá Mộc
Bình luận (0)