Mong manh bóng đá trẻ Việt Nam!

Quốc Bảo
Quốc Bảo
24/10/2018 13:21 GMT+7

Thất bại của U.19 Việt Nam (VN) tại VCK U.19 châu Á không chỉ dập tắt tham vọng tái lập kỳ tích dự World Cup U.20 thế giới mà còn chỉ rõ lỗ hổng trong chiến lược đào tạo bóng đá trẻ hiện nay của LĐBĐ VN.

[VIDEO] DIỄN BIẾN TRẬN U.19 VIỆT NAM THUA ÚC 1-2
Trong hai trận thua vừa rồi của U.19 VN, HLV Hoàng Anh Tuấn hoàn toàn không có lỗi bởi ông chỉ là người đi tuyển quân các nơi và xây dựng lối chơi cho toàn đội. Nhưng với chất lượng cầu thủ trẻ lứa tuổi này hiện nay, dù giỏi đến mấy ông cũng bất lực bởi “không có bột chẳng thể gột nên hồ”. Nhìn các cầu thủ U.19 VN thể hiện, cả đội không bật lên những thủ lĩnh của từng tuyến, tư duy chiến thuật của từng người khá yếu trong khi kỹ thuật cơ bản chưa thật sự hoàn thiện. Cũng vì những điểm yếu trên nên các cầu thủ trẻ của VN đã không thể thực hiện được ý đồ chiến thuật mà HLV Hoàng Anh Tuấn đã vạch ra, dẫn đến tâm lý sợ đối thủ ngay khi bước vào trận.
Thật ra điểm yếu của bóng đá trẻ VN đã bộc lộ ở các giải U.16 và U.19 Đông Nam Á cách đây không lâu khi cả hai đội của chúng ta đều bị loại từ vòng bảng dù U.16 dự giải với tư cách đương kim vô địch.
U.19 VN (áo đỏ) trong trận thua U.19 Úc mới đây tại giải U.19 châu Á AFC
Rõ ràng sau những thành tích không tưởng của lứa U.19 cách đây 2 năm hoặc thành công của lứa U.23 tại các giải đấu lớn của châu lục, những người làm bóng đá nước nhà đang ở trên mây. Tất cả đều cho rằng công tác đào tạo trẻ của VN hiện tốt nhất khu vực, thậm chí không cần phải học hỏi gì từ họ nữa. Nhưng khi nhìn lại, chính mình lại có một khoảng trống mênh mông ngay sau lưng.
Nói là khoảng trống mênh mông vì hiện nay bóng đá trẻ VN đang trông chờ nguồn cầu thủ trẻ chủ yếu từ 4 trung tâm đào tạo là CLB Hà Nội, HAGL, Viettel và PVF. Còn lại những “cái nôi” của bóng trẻ trước đây như SLNA, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Khánh Hòa ngày càng thụt lùi về công tác này. Nhìn vào danh sách U.19 VN, SLNA chỉ góp mặt 1 cầu thủ còn Đồng Tháp không có tên cầu thủ nào dù họ đang là được kim vô địch U.19 quốc gia! Ngay HAGL, từng được xem là nơi thành công về đào tạo trẻ, cũng đang gặp khó khăn khi lứa cầu thủ đóng góp cho U.19 VN (5 cầu thủ) không một ai có thể sánh bằng lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh…
Thậm chí, một địa phương từng là nơi cung cấp cầu thủ cho đội tuyển quốc gia nhiều nhất là TP.HCM giờ không có nổi một cầu thủ trong các đội trẻ quốc gia. Thời bao cấp, TP.HCM từng rất thành công khi có nguồn cầu thủ trẻ bài bản được đào tạo từ Trường năng khiếu nghiệp vụ TP, nhưng kể từ lứa cầu thủ ra trường khoảng cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000 như Hữu Thắng, Quang Thanh…, bóng đá trẻ TP.HCM biến mất trên bản đồ bóng đá nước nhà. Ngay bản thân CLB TP.HCM hoặc đội bóng từng vô địch V-League 2017 là Quảng Nam cũng không có nổi một tuyến đạo tạo trẻ đúng nghĩa.
Nghe có vẻ rất nghịch lý nhưng đều được xem là hợp lý trong tình hình chung của bóng đá chuyên nghiệp VN hiện nay.
HLV Hoàng Anh Tuấn (trái) của U.19 VN AFC
HLV Park Hang-seo khi mới sang VN và sau một thời nắm tình hình, ông phải thừa nhận một thực tế là nền bóng đá trẻ VN còn rất yếu, công tác đào tạo trẻ chưa thật sự tốt trong khi tình yêu bóng đá của người hâm mộ VN lại quá lớn. Cứ nhìn cách làm bóng đá trẻ của Hàn Quốc chúng ta sẽ thấy ông Park nói chẳng sai gì cả, bởi các đội tuyển trẻ của họ luôn dồi dào tài năng và đều là ứng viên vô địch tại các giải đấu họ tham dự. Dân số chúng ta không thua họ, kinh phí chúng ta cũng không thiếu, vì sao không thể theo kịp họ?
Câu trả lời nên dành cho những người làm bóng đá nước nhà.
Rõ ràng khoảng trống mênh mông sau lưng lứa Công Phượng, Văn Thanh, Quang Hải, Duy Mạnh… đang để lại nỗi lo quá lớn, thậm chí không dễ gì lấp đầy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.