Như Thanh Niên đã thông tin, theo phương án thống nhất giữa 2 bộ, tuyến đường sắt tốc độ cao được đề xuất xây dựng đường đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180 - 225 km/giờ, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỉ USD.
Bộ KH-ĐT đánh giá phương án này cơ bản phù hợp với dải tốc độ khai thác được tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Hầu hết các nước phát triển đường sắt tốc độ cao trên 300 km/giờ chỉ chuyên chở hành khách đều là các nước đã làm chủ công nghệ đường sắt cao tốc, đã có hệ thống đường sắt chở hàng hoàn chỉnh và GDP cao hơn nhiều lần Việt Nam. Nhiều nước như Na Uy, Nga, Mỹ... cũng chưa có đường sắt cao tốc trên 300 - 350 km/giờ.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn độc lập, nếu đầu tư tuyến đường sắt khai thác tàu tốc độ 225 km/giờ kết hợp giữa tàu hàng và tàu khách sẽ giảm chi phí vận hành khoảng 18% so với đầu tư tàu chạy 350 km/giờ, chi phí năng lượng giảm gần 28%.
Làm đường sắt cao tốc sẽ giải quyết được áp lực hạ tầng giao thông, vừa nhanh, lại hiệu quả kinh tế |
NGỌC THẮNG |
Về nguồn vốn đầu tư và doanh thu khai thác, với phương án chạy tàu 350 km/giờ, giá vé tàu khách bình quân 1.200 đồng/km/khách, tức chặng Hà Nội - TP.HCM có giá khoảng 1,9 triệu đồng/chiều, tương đương vé máy bay. Trong khi đầu tư đường sắt tốc độ khai thác 225 km/giờ giá vé khoảng 900 đồng/km/khách, tương đương 1,4 triệu đồng/khách cho chặng Hà Nội - TP.HCM; với tàu hàng, cước phí khoảng 1.400 đồng/km/tấn hàng. Phương án khai thác tàu khách và hàng kết hợp sẽ hỗ trợ doanh thu, khi có nhiều nguồn thu bù nhau, thay vì chỉ dựa vào tàu khách.
Phù hợp nhu cầu và túi tiền người đi tàu
Nhận xét về lựa chọn nghiên cứu đường sắt cao tốc Bắc - Nam của 2 bộ, bạn đọc (BĐ) Công Thành Trần cho rằng: “Đây là một lựa chọn hợp lý. Nó phù hợp với nền kinh tế và địa hình Việt Nam, phù hợp với nhu cầu và túi tiền của người đi tàu. Vận chuyển với tốc độ 200 km/giờ thì khoảng 50 năm nữa mới lạc hậu. Đừng lo!”.
Cùng quan điểm, BĐ Phạm Bình phân tích: “Ngày nay chủ yếu là vốn chứ máy móc, phương tiện thi công vận hành đã rất hiện đại, không giống như thời những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Tuyến đường sắt tốc độ cao Trung Quốc - Lào thi công trong rừng núi dài 415 km, khởi công 2016, đến 2021 (5 năm) đã hoàn thành. Nếu Việt Nam cùng khởi công từ nhiều điểm trên trục Bắc - Nam thì việc rút ngắn thời gian xuống dưới 5 năm là khả thi”.
BĐ Nguyễn Đức Trí cũng cho rằng: “Cái lợi của đường sắt đem lại không chỉ là về giao thông, nên rất mong đẩy nhanh tiến độ. Có ý kiến hôm nay là tốc độ 200 km/giờ, hay hơn 300 km/giờ; vậy hôm nay ta làm 200 km/giờ nhưng khổ đường đó có đáp ứng được tàu chạy 300 km/giờ không? Nếu đáp ứng được ta làm 200 km/giờ, nếu sau này lạc hậu thì con cháu ta sẽ thay con tàu mới chạy 300 km/giờ. Nên dùng quỹ đất dọc theo đường tàu để cho các công ty bất động sản đầu tư, từ đó thu được kinh phí để xây dựng đường sắt là hợp lý”.
Thêm lựa chọn cho người dân
“Có thêm đường sắt cao tốc là có thêm sự lựa chọn cho người dân rồi. Các hãng hàng không cũng sẽ không còn chảnh chọe mà phải nâng cao chất lượng phục vụ, đưa ra giá cả hợp lý cho người dân”, BĐ Tốt Bùi Ngọc kỳ vọng. BĐ Phúc thì cho rằng: “Tất cả phương tiện cao tốc đều góp phần phát triển giao thông liên tỉnh, liên quốc gia, vì vậy hãy thực tế mà xem xét và thực hiện... Hãy hành động càng sớm càng tốt”.
“Theo tôi, không nên so sánh đường sắt cao tốc với hàng không, đường bộ hoặc đường thủy. Mỗi loại phương tiện có những cái hay, cái riêng của nó. Ví dụ như tôi, tôi không đi xe được vì say xe; đi máy bay thì giá vé cao, cũng phải chờ đợi, đến nơi lại còn tốn tiền taxi để về nhà. Đường sắt hiện nay thì quá lạc hậu, nhưng lại phù hợp với tôi nhất: Tối lên tàu ngủ một giấc, sáng mai tới nơi, về nhà cũng gần, chỉ vài cây số. Tôi luôn mong có tuyến đường sắt cao tốc và chờ đợi”, BĐ Tiến bày tỏ.
Trong khi đó, BĐ huutuxxx@gmail.com góp ý: “Nếu quyết định làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam thì cần thực hiện ngay việc giải phóng mặt bằng (GPMB), vì chi phí GPMB chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đầu tư. Sau đó thì tiếp tục bàn đến chọn phương án là 250 km/giờ hay là 350 km/giờ, đoạn nào làm trước, đoạn nào làm sau. Dù chọn bất kỳ phương án nào thì cũng không ảnh hưởng đến việc GPMB (phương án nào cũng sử dụng đường ray khổ 1.435 mm cả). Do vậy hãy ưu tiên, tập trung GPMB”.
Mong là đường sắt Việt Nam sớm “chuyển mình” để thực sự thu hút hành khách, hàng hóa... Thật ra đường sắt đã quá già, hơn 100 năm, có đầu tư, cải tiến nhưng còn “ốm yếu”... Giờ không lo làm thì đến khi nào?
Trinh Cuong
Đã làm mới thì phải dùng đồ tốt và hiện đại luôn, đừng có xài đồ cũ.
Dungkhoe1967
Bình luận (0)