Như Thanh Niên đã thông tin, tại buổi họp báo thường kỳ quý 4/2024 của Bộ Tài chính chiều 7.1 vừa qua, ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí (Bộ Tài chính), thông tin nhiều nội dung về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và tiến độ xây dựng luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thay thế.
Theo quy định hiện hành, trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với lần điều chỉnh giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.
"Trên cơ sở diễn biến CPI, cập nhật cả CPI năm 2024 là 3,63%, tính đến thời điểm hiện tại CPI chưa vượt ngưỡng 20%", ông Tuấn nói. Dù vậy, theo lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí, nếu trong 2025 CPI có biến động, có thể Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có nghị quyết liên quan đến việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Liên quan đến vấn đề này, phát biểu trên Thanh Niên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần thiết phải nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế TNCN càng sớm càng tốt mà không chờ sửa luật hay điều chỉnh theo CPI.
Cần xem xét những yếu tố phù hợp
Nhắc lại một số điểm bất cập khi đối chiếu mức lương tối thiểu vùng và mức giảm trừ gia cảnh, bạn đọc (BĐ) Mai phân tích: "Có mức lương tối thiểu chia theo vùng, nhưng lại không có mức giảm trừ gia cảnh chia theo vùng thì chưa hợp lý. Cả nước đều áp dụng chung mức chịu thuế TNCN là từ 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, nhưng chi phí giữa các vùng lại chênh lệch cao thấp rõ rệt. Bất hợp lý này thấy rõ ngay cả khi xem xét tới việc chỉ số giá tiêu dùng giữa các khu vực cũng sẽ có ảnh hưởng khác nhau".
Nhiều BĐ cũng cho rằng cần xem xét thêm nhiều yếu tố phù hợp khi tính toán chính sách thuế TNCN. BĐ Minh Nghĩa nêu: "Những thay đổi của đời sống kinh tế - xã hội thường diễn ra rất nhanh, nên các chính sách muốn cập nhật kịp thời phải khảo sát rộng, chứ không nên bó cứng trong một vài yếu tố, tiêu chí". Tán thành, BĐ Benz lo lắng: "Nếu các bước thuế TNCN không theo kịp diễn biến thực tế cuộc sống thì vô tình sẽ tạo ra ngưỡng nộp thuế quá gần với ngưỡng thu nhập thấp".
BĐ Hieu Thuan Nguyen Chau nhận xét: "Nếu cứ chờ cho đến khi CPI cộng dồn bằng 20% mới điều chỉnh thì đời sống nhiều gia đình mặc dù rơi vào diện nộp thuế TNCN nhưng thực tế lại không đủ chi tiêu hay không thể tiết kiệm được đồng nào".
Tăng chi tiêu là kích thích nền kinh tế
Đa số BĐ đều cho rằng việc điều chỉnh theo hướng tăng mức giảm trừ gia cảnh, tăng mức thu nhập chịu thuế về cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Nói thêm về nhận định này, BĐ Tuấn An lý giải: "Vì giúp người dân có điều kiện tăng chi tiêu cũng là cách để kích thích nền kinh tế, tạo sức mạnh tuần hoàn".
BĐ Giàu Lam nêu ý kiến: "Một số nền kinh tế lớn trên thế giới có xu hướng sử dụng thuế nhập khẩu để bù cho thuế TNCN, thậm chí dự tính bỏ thuế TNCN. Theo tôi, đó là một hướng phát triển đất nước giàu mạnh đúng đắn, có thể tham khảo".
Từ những ý kiến đóng góp trên, BĐ Hung Huynh đề nghị: "Cần phải tăng mức giảm trừ gia cảnh ngay trong năm nay, thay đổi phù hợp các mức áp thuế TNCN, từ đó giúp người lao động thêm động lực phấn đấu tăng thu nhập và chi tiêu vào nền kinh tế". BĐ Q.V nhận xét thêm: "Điểm nào không còn phù hợp thì bổ sung, thay đổi ngay, sao cứ phải chờ?".
Vật giá tăng mà không sửa đổi mức thu nhập tính thuế và mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp thì người lao động sẽ phải chịu thiệt thòi trước tiên.
Phuong Nguyen
lĐề nghị sớm điều chỉnh chính sách thuế TNCN, từ đó người dân có được tích lũy, tiêu dùng nhiều hơn, làm lực kéo cho các sắc thuế khác như thu nhập doanh nghiệp, VAT…
Hieu Thuan Nguyen Chau
Bình luận (0)