Lăng kính bạn đọc:

Công bằng, minh bạch trong thu thuế, nộp thuế

Kim Lan
Kim Lan
(tổng hợp)
29/12/2024 07:18 GMT+7

Bạn đọc nhận định trước mắt cần dùng các công cụ quản lý, nhưng về lâu dài phải nâng cao ý thức cá nhân về nghĩa vụ thuế, thì mới đạt được sự công bằng, minh bạch trong thu thuế, nộp thuế.

Như Thanh Niên đưa tin, Cục Thuế TP.HCM cho biết thời gian qua nhiều cá nhân có hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đã tự giác kê khai nộp thuế. Điển hình một trường hợp hộ kinh doanh do Chi cục Thuế Q.1 quản lý đã tự đăng ký và nộp 11,5 tỉ đồng; một hoa hậu nộp 4,7 tỉ đồng, thu thuế một streamer 1,9 tỉ đồng...

Công bằng, minh bạch trong thu thuế, nộp thuế- Ảnh 1.

Nhiều phiên livestream của người nổi tiếng có doanh thu vài chục đến hàng trăm tỉ đồng

ẢNH: MINH HỌA ĐƯỢC THỰC HIỆN BẰNG AI

Tuy nhiên, cũng theo Cục Thuế TP.HCM, nhiều trường hợp cá nhân hoạt động TMĐT không thực hiện đăng ký thuế, thậm chí không lên làm việc tại trụ sở cơ quan thuế theo thông báo.

Để khắc phục tình trạng này, Cục Thuế TP.HCM đã triển khai các biện pháp quản lý thuế, làm việc với 6 sàn TMĐT để cung cấp thông tin. Ngoài ra, Cục Thuế TP.HCM thành lập tổ công tác kiểm tra danh sách cá nhân là người nổi tiếng, người sáng tạo nội dung, cá nhân bán hàng livestream trên các trang mạng xã hội để thực hiện kiểm tra, xử lý theo quy định.

Ý thức về nghĩa vụ thuế

Đa số bạn đọc (BĐ) cho rằng đây là một trong các biện pháp có thể thực hiện nhằm nâng cao ý thức người nộp thuế, thể hiện sự minh bạch trong công tác thu thuế cũng như nghĩa vụ nộp thuế.

BĐ Minh Nghĩa nêu: "Báo đài từng đề cập đến giải pháp sàn TMĐT nộp thuế thay hộ kinh doanh, cá nhân tham gia kinh doanh qua sàn. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là trách nhiệm của cơ quan thuế. Suy cho cùng, nâng ý thức tự giác về nghĩa vụ thuế với từng người dân mới là hướng đi lâu dài".

BĐ Trường Lưu bình luận: "Việc rà soát, kiểm tra các nghệ sĩ, người nổi tiếng có tham gia hoạt động TMĐT từ trước đã được nhắc nhiều, nhưng tại sao đến nay vẫn phải nêu lại giải pháp này. Liệu có phải vì các công cụ quản lý vẫn chưa được vận dụng đúng mức, đủ sức răn đe?".

Cùng nhận định, BĐ Thủy Lan nêu: "Việc bêu tên nợ thuế được áp dụng khá nhiều với các doanh nghiệp chây ì, cũng có thể áp dụng với các cá nhân trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế".

Công bằng với người nộp thuế

Nhắc đến nhiều trường hợp là nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia các hoạt động TMĐT, BĐ Khoa so sánh: "Người làm công ăn lương thì được quản lý rất chặt về thuế thu nhập cá nhân, vì cơ bản việc khấu trừ thuế đã thực hiện ngay từ khâu phát lương rồi. Còn với cá nhân kinh doanh trên môi trường TMĐT thì sao? Không chỉ sàn TMĐT mà còn các nền tảng mạng xã hội nữa. Nếu không rốt ráo, người nộp thuế làm công ăn lương sẽ cảm thấy ấm ức".

BĐ Q.V chia sẻ: "Tôi có cảm giác một số chính sách thuế vẫn còn chưa bắt kịp với đà phát triển của thực tế cuộc sống. Thế nhưng việc sửa đổi, cập nhật lại kéo dài. Rất cần sự thay đổi từ cách nhìn" .

BĐ Nhutminh hy vọng: "Sẽ không đến nỗi phải bêu tên nghệ sĩ, người nổi tiếng không tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, vì chính họ cần giữ gìn hình ảnh hơn ai hết! Dần dà, ý thức về nghĩa vụ thuế sẽ trở thành thói quen".

* 35 là con số rất nhỏ so với rất nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu có tham gia kinh doanh trên môi trường TMĐT.

Nghiahuynh

* Thuế là nguồn thu chủ yếu để chi, nhưng phải biết xây dựng nguồn thu và phát triển sản xuất.

Nhật Phạm


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.