Lăng kính bạn đọc:

Mong sớm khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

M.Giao
M.Giao
(tổng hợp)
06/05/2023 05:24 GMT+7

Nhiều bạn đọc bày tỏ mong mỏi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ sớm được khởi công và hoàn thành để kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối vận tải trong nước và liên vận quốc tế.

Như Thanh Niên đã thông tin, theo một lãnh đạo ngành giao thông, tương tự như đường bộ cao tốc "cất cánh" sau nhiều năm chật vật, đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn khi quyết tâm chính trị xây dựng và hoàn thành dự án này được thể hiện từ các cấp cao nhất. Kết luận 49-KL/TW tháng 2.2023 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: ĐSTĐC Bắc - Nam là trục "xương sống" khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối với các tuyến đường sắt đô thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối vận tải trong nước và liên vận quốc tế. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 (Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang) và hoàn thành toàn tuyến trước 2045.

Mong sớm khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam   - Ảnh 1.

Đường sắt VN vẫn chậm phát triển trong nhiều năm qua

NGỌC THẮNG

Trong thông báo kết luận mới nhất ngày 18.4, Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT khẩn trương phối hợp với tư vấn thẩm tra, tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình hội đồng trong năm 2023.

Sự cần thiết của dự án đã rõ, vấn đề mắc mứu lớn nhất hiện nay vẫn chỉ là lựa chọn phương án tốc độ nào cho ĐSTĐC. Bộ GTVT trình phương án tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ, tổng chiều dài 1.559 km, tổng vốn 58,71 tỉ USD. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định nhà nước do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng làm chủ tịch hội đồng, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu kỹ đề xuất của Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành, tư vấn thẩm tra… với quy mô đầu tư ĐSTĐC khổ đường đôi 1,435 m, khai thác hỗn hợp, tốc độ thiết kế tối đa 250 km/giờ cho tàu khách và tàu hàng tốc độ cao, 180 km/giờ cho tàu khách liên vùng và tàu hàng container. Tổng chiều dài tuyến là 1.508,6 km với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Tổng mức đầu tư dự kiến là 61,026 tỉ USD.

Đường sắt hiện tại đã là… "đồ cổ"

"Đường sắt VN có lịch sử quá lâu đời và có thể nói đã trở thành "đồ cổ" rồi. Nhìn đoàn tàu rùng rùng chuyển động mà thấy thương cho cụ đường sắt, cụ nay đã quá già, quá lạc hậu rồi. Giờ đây được biết ĐSTĐC Bắc - Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn mà rất mừng. Rất mong dự án ĐSTĐC Bắc - Nam sớm vượt qua được mắc mứu là lựa chọn phương án tốc độ tối ưu để sớm thực hiện", bạn đọc (BĐ) Xuan Binh cho biết.

Địa hình như nước ta thì phát triển đường sắt là hướng đi đúng đắn: An toàn và kinh tế.

Công Nguyên

Dịp 30.4 vừa rồi tôi về quê rồi lên lại thành phố bằng tàu lửa. Có lẽ đây là lần cuối tôi đi tàu lửa. Cứ tưởng nằm ngủ được một giấc là tới TP.HCM mà không ngủ được chút nào, vì tàu chạy chậm quá, lắc lư quá và ồn quá.

My Nguyen

Giá vé tàu cao ngất ngây, có khi còn cao hơn giá vé máy bay. Tôi mới đi từ Tuy Hòa vô TP.HCM, giá vé máy bay 850.000 đồng. Xem thử vé tàu lửa thấy 1.100.000 đồng, vậy chọn phương tiện nào?

Vinh Thống Nguyễn

Cùng ý kiến, BĐ Trịnh Cường cho biết thêm: "Báo Thanh Niên đã từng đăng và có nhiều ý kiến phản hồi về ĐSTĐC Bắc - Nam. Có thể nói cụ đường sắt hiện nay đã quá già, hơn 100 tuổi rồi, giờ mà không "thay đổi" dần thì chờ đến bao giờ? Hãy để ý việc chuyển mình từ hệ thống đường bộ. Ngành đường sắt cũng phải sớm chuyển mình mới được".

"Tôi mong khi đã có ĐSTĐC Bắc - Nam với khổ đường đôi 1,435 m thì tuyến đường sắt cũ cũng sẽ được giữ lại, như một món "đồ cổ", để phục vụ du lịch. Tôi tin là sẽ có không ít người hoài cổ sẽ thích du lịch trên tuyến đường này, như là tìm về kỷ niệm của một thời", BĐ Hoài bày tỏ.

Mong tới ngày được đi đường sắt tốc độ cao

Đó là mơ ước của không ít BĐ. BĐ N.N.N.Thanh chia sẻ: "Tôi năm nay gần 60 tuổi rồi nhưng vẫn mơ mình sẽ có cơ hội đi ĐSTĐC Bắc - Nam. Thử nghĩ coi, nếu lên tàu ở Thủ Thiêm (TP.HCM) và 6 - 7 tiếng sau có mặt tại Hà Nội thì quá tuyệt vời. Dọc đường lại còn được ngắm bao nhiêu cảnh đẹp của đất nước. Đi máy bay thì phải đến sớm làm thủ tục, rồi chờ lấy hành lý, rồi đi taxi vào thành phố, chưa chắc đã nhanh hơn ĐSTĐC đâu! Đó là chưa kể không được ngắm cảnh đẹp".

Nói về ĐSTĐC Bắc - Nam, BĐ Văn Đông Nguyễn cho rằng do nước mình còn nghèo, để tránh đầu tư dàn trải thì "nên nhường tuyến Hà Nội - TP.HCM cho hàng không, còn ĐSTĐC thì thực hiện các tuyến đông khách như TP.HCM - Cần Thơ, TP.HCM - Nha Trang, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Hải Phòng… Khách sẽ đi các tuyến này đông vì giá vé xe lửa rẻ hơn vé máy bay, đi nhanh hơn máy bay (đi máy bay mất thêm thời gian check-in, lấy gửi hành lý ít cũng mất 1 giờ 30 phút)".

Tranh luận lại, BĐ Hoang Khac viết: "Xây dựng đường sắt quốc gia là một dự án lớn, đồng bộ chứ không thể làm một vài đoạn như bạn nói được. Tất nhiên trong dự án lớn đó, có thể làm trước từng đoạn như bạn nói. Đường sắt khác với đường bộ, đó là khổ đường ray, đầu tàu, hệ thống toa xe, các thiết bị hỗ trợ kèm theo… phải đồng bộ. Do đó, không thể đầu tư nhỏ giọt như bạn nói được. Thể diện của quốc gia cũng được đánh giá thông qua sự phát triển của ĐSTĐC, không thể vì đất nước còn nghèo mà không phát triển ĐSTĐC".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.