"Mong thầy cô lắng nghe chúng em!"

22/12/2006 22:34 GMT+7

Có lẽ cũng như nhiều bạn học khác, em mong muốn được thay đổi cách giảng dạy và học tập thụ động, quá nặng nề trong nhà trường, là một trong những nguyên nhân chính sản sinh ra những con người "Rô-bốt" chỉ biết ngoan ngoãn lắng nghe, lười suy nghĩ, lười vận động, như một vài nhận xét về chúng em.

Nếu có ai hỏi em rằng: Các môn Sử, Sinh, Địa, Giáo dục công dân... của lớp 11 nói về vấn đề gì, em còn có thể nói được một chút. Nhưng nếu kiểm tra kiến thức chuyên sâu thì em nghĩ mình sẽ chào thua! Thật là buồn, mọi kiến thức gần như trôi tuột đi sau khi kết thúc như những con vẹt. Tuy nhiên, có duy nhất một bài trong sách địa lý mà em còn nhớ như in, đó là bài "Thái Lan". Trong giờ giảng hôm đó, thầy giáo đã tổ chức cho lớp em học theo phương pháp thuyết trình, trên cơ sở bài học trong sách giáo khoa và tìm hiểu sách báo, tài liệu về đất nước Thái Lan. Hôm đó em được phân công đại diện cho tổ tập hợp tài liệu và thuyết trình trước lớp. Kết quả buổi học thật là tuyệt vời. Trước buổi thuyết trình, mọi thành viên trong tổ phải tìm tài liệu, đọc và soạn bài, trao đổi với nhau để hoàn thành một bài tìm hiểu chung về Thái Lan.

Vào giờ học, các tổ bắt đầu bốc thăm chọn câu hỏi. Với những tài liệu sưu tầm từ internet, những bản đồ, bảng biểu về địa lý, kinh tế, xã hội của Thái Lan đã được tất cả thành viên trong tổ góp sức biên soạn khá kỹ lưỡng, em đã thuyết trình trước cả lớp một cách tự tin và đạt kết quả hết sức tốt đẹp. Sau khi thuyết trình, em và các bạn trong nhóm lần lượt trả lời tất cả các câu hỏi mà các bạn trong lớp đã đặt ra để làm rõ hơn, mở rộng hơn những vấn đề mà chúng em vừa trình bày. Lớp học của chúng em hôm đó rất sôi nổi, sinh động và đầy hào hứng với phần thuyết trình của cả 4 tổ, và với khoảng 20 câu hỏi xoay quanh đề tài về đất nước Thái Lan.

Như vậy so sánh cách học và thuộc lòng từng dấu chấm, dấu phẩy mới được điểm cao thì phương pháp thuyết trình tạo hứng thú và chúng em hiểu, nhớ bài lâu hơn rất nhiều. Vì phương pháp thuyết trình đòi hỏi mỗi học sinh phải chịu khó tìm và đọc tài liệu, phải tập trung suy nghĩ, phân tích, tập hợp và so sánh các sự kiện với nhau, lên lớp thầy chỉ làm nhiệm vụ nhận xét, gợi ý, bổ sung kiến thức cho chúng em, còn tất cả chúng em hoàn toàn được chủ động từ đặt câu hỏi đến trả lời, tranh luận cho đến khi nắm chắc vấn đề mới thôi, do vậy mà chúng em sẽ nắm chắc và nhớ bài lâu hơn. Em nghĩ cách học thuyết trình nếu được áp dụng rộng rãi, nhất là với các môn khoa học xã hội, sẽ làm cho các môn học tưởng như khô khan, sẽ dễ dàng tiếp thu hơn, và đặc biệt sẽ giúp chúng em chủ động hơn, tự tin hơn trong học tập.

Em mong sao giờ học với phương pháp thuyết trình sẽ là giờ học phổ biến trong mỗi lớp học, để chúng em có thể phát huy hết tinh thần tự lực, sáng tạo trong học tập. Em cũng mong rằng các thầy cô sẽ nhiệt tình hướng dẫn, tôn trọng chúng em, lắng nghe chúng em nếu suy nghĩ và cách trả lời của chúng em còn chưa chuẩn xác.

Trần Thị Ngọc Quỳnh (Lớp 12A7 Trường PTTH Phú Nhuận, TP.HCM)

Bài và ảnh cho mục này xin gửi ở địa chỉ e-mail: mouoccuatoi@thanhnien.com.vn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.