Mộng thực dưới chân Liễu Quán

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
05/03/2018 07:00 GMT+7

Sáng xuân. Nhận được tập sách có tựa Thiền sư ở đâu ( *) của Bùi Long (nhà báo Bùi Ngọc Long - Báo Thanh Niên , nhiều năm trước vốn là một sa di ở chùa Từ Vân ở Thừa Thiên-Huế), tôi đọc một mạch và chợt nhận ra: có lẽ ý tưởng dẫn hướng tác giả viết những bài trong tập sách này là bởi khởi nguồn cảm xúc từ những tháng ngày ngụ dưới bóng thiền môn.

Và phải chăng có phần cũng là từ ngôi tháp tổ Liễu Quán dưới chân núi Thiên Thai, ngoại ô thành Huế. Đây cũng là nơi yên nghỉ của thiền sư Liễu Quán, vị cao tăng khai sáng ra Thiền phái Liễu Quán từ hơn 300 năm trước, mang đậm phong cách của văn hóa Phật giáo VN.
Nhưng, tác giả không chỉ nói về ngọn nguồn của thiền phái mình từng yên ngụ và theo đuổi mà còn nói về những nhân vật in dấu ấn sâu đậm với anh. Đó là vị sư già thọ gần trăm tuổi mỗi sáng ngồi trong trai phòng, phía góc chùa là cây hồng bì xanh tốt, nói vọng ra rằng “Hồng bì! Hồng bì! Mi lại ra hoa đó à?”. Đó là thượng tọa Giới Đức ở Huế, có bút danh Minh Đức Triều Tâm Ảnh, tiến sĩ Văn chương và là một danh tăng trong giới Phật học đã nhập thất tĩnh tu ba năm kể từ đầu 2017. Đó là người bạn hữu rất thân thiết Đại đức Thích Trí Năng với đoạn đối thoại thú vị: “Mình hỏi: Thầy không ở chùa thì ở mô?/Bạn nói: Tau là chùa, chùa là tau, ở mô chẳng được”. Đó là vị tăng ni tiến sĩ Hải Tuệ, sau khi nhập thế mở xưởng chuyên sản xuất sản phẩm mỹ nghệ, người đã đưa ra nhiều kiến giải sâu sắc về phong thủy Việt... Mỗi câu chuyện về họ trong tập sách đều có thể mở ra cho người đọc nhiều suy ngẫm về lẽ sống, thái độ sống ở đời.
Một bài viết kể những kỷ niệm về cố nhà báo Thái Ngọc San (nguyên là PV Báo Thanh Niên), người đã từng dẫn dắt tác giả đi vào con đường báo chí, với một tâm niệm phụng sự giúp đời, cũng đã được tác giả trân trọng viết và đưa vào sách như một niềm tri ân, niệm tưởng sâu sắc.
Tựa tập sách Thiền sư ở đâu là một câu hỏi, nhưng lạ là không đặt dấu hỏi. Như thể tác giả có ý “không hỏi tức là hỏi/hỏi mà như không hỏi vậy!”. Nhưng, ở đoạn đề dẫn bài đầu tiên, tác giả viết: “Bản thân câu hỏi trên đã bao hàm câu trả lời, thiền vô trú xứ” (thiền vô trú xứ tạm hiểu là thiền có ở bất cứ nơi đâu).
Với tập Thiền sư ở đâu, nếu ai có dịp đọc, sẽ phần nào thanh lọc được tâm hồn giữa một thế giới đầy biến động hôm nay.
(*) Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành tháng 2.2018
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.