“Theo tôi biết, họ đang chống khủng bố nên họ chuyển sang nhờ một công ty an ninh tư nhân Nga…Pháp muốn rút đáng kể lực lượng quân sự hiện diện ở đó”, Ngoại trưởng Lavrov nói về chính quyền quân sự Mali trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 25.9, theo Reuters.
Pháp có hàng ngàn binh sĩ đóng trú ở Mali, nhưng gần đây cam kết rút số lượng lớn binh sĩ ở khu vực. Phát biểu tại kỳ họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 25.9, Thủ tướng Mali Choguel Maiga cho hay đất nước của ông cảm thấy bị bỏ rơi bởi động thái rút quân của Pháp và tỏ dấu hiệu nước này đang tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ đối tác khác.
Trước đó, phát biểu với giới phóng viên trong chuyến thăm Mali ngày 20.9, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cảnh báo với Mali rằng nếu thuê công ty an ninh tư nhân Nga Wagner thì sẽ đối mặt với khả năng bị cô lập, theo AFP. Cảnh báo được đưa ra sau khi có tin chính phủ Mali sắp thuê 1.000 lính đánh thuê từ Wagner.
Ngoài ra, cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hôm 24.9 cho hay ông đã nói với Ngoại trưởng Lavrov và người đồng cấp từ Mali tại New York rằng khả năng đưa lính đánh thuê của Wagner đến Mali sẽ là “lằn ranh đỏ” đối với EU và “sẽ có hậu quả ngay lập tức đối với sự hợp tác của chúng ta".
Ngoại trưởng Lavrov khẳng định chính phủ Nga không có liên quan đến bất kỳ hợp đồng nào giữa Wagner và Mali. Công ty này bị Liên Hiệp Quốc cáo buộc phạm phải các hành vi bạo hành, theo AFP.
Bình luận (0)