Moscow trong mắt tôi

08/07/2012 04:00 GMT+7

Mặc dù đã có dịp đến châu u nhiều lần nhưng chưa bao giờ trong tôi lại ngập tràn cảm xúc lẫn tò mò như lần đầu đặt chân đến thủ đô Moscow của nước Nga, vì nhiều nguyên nhân.

Mặc dù đã có dịp đến châu u nhiều lần nhưng chưa bao giờ trong tôi lại ngập tràn cảm xúc lẫn tò mò như lần đầu đặt chân đến thủ đô Moscow của nước Nga, vì nhiều nguyên nhân.

Một thời vang bóng

Sau năm 1975, nước Việt Nam thống nhất hiện hữu khá nhiều hàng hóa Liên Xô, từ chiếc xe hơi cho đến đồ gia dụng. Trong lĩnh vực xe cộ, chiếc xế hộp hiệu Lada có lẽ gây ấn tượng vì nó chạy đầy ngoài phố. Nói đến hai chữ Lada, người Việt biết ngay đó là cái gì và xuất xứ từ đâu. Bên cạnh chiếc Lada còn có cái tủ lạnh Saratov và ti vi hiệu Yunost, nhà nào có được hai món này coi như gia đình khá giả. Hồi lập gia đình vào đầu thập niên 1980, nhà tôi chẳng có những món hàng khá giả vừa nêu, chỉ mua được vài món đồ gia dụng tầm thường như cái bàn ủi Liên Xô “ăn chắc mặc bền”, hay cái nồi áp suất “nồi đồng cối đá”. Cái nồi áp suất ấy được gia đình sử dụng liên tục đến nay đã 30 năm, và còn khả năng dùng thêm... 30 năm nữa, rất đáng nể.

Lúc còn tại ngũ trong Lực lượng TNXP TP.HCM, lần đầu tiên trong đời được đi máy bay từ Buôn Ma Thuột về Sài Gòn, tôi ngồi trên chiếc Antonov (AN) 2 cánh quạt cũng do Liên Xô sản xuất. Về âm nhạc thì thế hệ của tôi ai cũng biết ít nhất 2 bài hát trữ tình: Đôi bờ và Chiều Mát-xcơ-va. Dấu ấn về Liên Xô thời ấy xem ra khá đậm đà.

Liên Xô ngày trước và nước Nga bây giờ đã thay đổi khá nhiều, sau khi khối XHCN Đông u sụp đổ. Kể từ dạo ấy, thành phố Moscow đã trải qua những năm tháng thay da đổi thịt, cởi bỏ lớp áo bao cấp, dần lột xác để  mong đuổi kịp sự thịnh vượng như các thành phố lớn của Tây u. Nếu quan sát trên đường phố Moscow ngày nay, bạn sẽ thấy vô số xe hơi đời mới có xuất xứ từ các nước trong khối Liên minh châu u (EU) hoặc Nhật Bản, Hàn Quốc… Các shop thời trang, mỹ phẩm cao cấp nổi tiếng của Ý, Pháp hay các cửa hàng bán thức ăn nhanh kiểu Mỹ hiện diện khắp nơi.

Nếu ai đã từng sống qua thời bao cấp ngày xưa và chứng kiến sự khác biệt do nền kinh tế thị trường hiện nay ở Việt Nam tạo ra, bạn sẽ mường tượng được Moscow cũng đã và đang diễn ra tiến trình tương tự. Và giống như ở Hà Nội hay Sài Gòn, người dân Moscow không phải ai cũng giàu để có thể tậu một căn biệt thự thơ mộng ở ngoại ô, sắm xe hơi đời mới, xài hàng hiệu đắt tiền hay bước vào những nhà hàng sang trọng. Trên các nẻo đường ở Moscow, bạn dễ bắt gặp những chiếc Lada cũ kỹ ọp ẹp song hành cùng BMW, Mercedes, Audi, Toyota mới cáu cạnh, một sự phân hóa giàu - nghèo hiển hiện, không giống “ai cũng như ai” dưới thời Xô viết.

 
Điện Kremlin bên dòng sông Moscow  - Ảnh: Đoàn Xuân Hải

 
Một trong những cửa hàng của Eldorado ở Moscow  - Ảnh: Đoàn Xuân Hải

Cuộc sống đôi bờ

Đến Moscow với tư cách là du khách, bạn không thể bỏ qua chuyến tham quan quần thể kiến trúc đặc sắc Điện Kremlin - cơ quan quyền lực nhất nước Nga và Quảng trường Đỏ - nơi diễn ra những sự kiện chính trị nổi tiếng khắp thế giới. Ở Quảng trường Đỏ, đối diện với lăng Lênin là một dãy tòa nhà bằng đá granit 4 tầng, dài gần cây số, xây dựng vào thời Sa hoàng. Theo lời kể của chị Anna, hướng dẫn viên du lịch người Nga, dưới thời Xô viết dãy nhà này là chuỗi cửa hàng bách hóa quốc doanh phục vụ cho cán bộ - công nhân viên làm việc cho chính phủ, trong Điện Kremlin đối diện.

Nhưng éo le ở chỗ, tới kỳ lĩnh lương ai cũng có tiền nhưng chuỗi cửa hàng quốc doanh ấy lại chẳng có gì để mua sắm, một hiện tượng khá phổ biến ở các xã hội theo chế độ bao cấp. Cái nồi áp suất Liên Xô đã đề cập ở phần trên, hồi ấy vợ chồng tôi mua được là nhờ cả hai đều có thẻ công nhân viên nhà nước, nếu là dân thường thì khó mà mua được vì cầu quá lớn mà cung thì có hạn. Dãy cửa hàng ấy nay đã khác, nó sang trọng và chứa đựng một khối lượng hàng hóa đa dạng không khác gì so với ở Paris hay London, chỉ sợ bạn không đủ tiền để shopping mà thôi. Ở Nga, 70% hàng hóa là nhập khẩu - một thị trường tiềm năng cho những ai muốn làm ăn chân chính.

Bên cạnh những khu chung cư “nhìn thấy ghê” xây vào thời bao cấp, ở Moscow người ta đang tiến hành dựng lên các tòa nhà cao tầng hiện đại cho mục đích kinh doanh. Kiếm một căn hộ trong các tòa nhà mới ấy, tậu một chiếc xế hộp, trang bị đồ gia dụng thời thượng… đang là mục tiêu hướng tới của người dân Moscow, nhất là giới trẻ. Ước muốn là vậy, nhưng tiền ở đâu ra? Câu trả lời nằm ở ngân hàng. Ở Moscow, vay tiền ngân hàng là giải pháp khả thi vì thủ tục khá đơn giản. Ví dụ như ở hệ thống Ngân hàng Home Credit Bank chẳng hạn, nếu là công dân Nga có chứng minh thư hợp pháp, chỉ làm thủ tục mất 30 phút, bạn sẽ được cho vay số tiền 250.000 rub (khoảng 175 triệu đồng VN) mà không cần thế chấp tài sản (giống như dạng tín chấp ở VN). Dạng tín chấp này cũng có rủi ro nhưng trong mức mà các ngân hàng khả dĩ chấp nhận được.

Có vẻ như người dân Moscow đã và đang “cất vào quá khứ” nhiều mặt hàng do chính nước Nga sản xuất, để hưởng thụ hàng hóa đẳng cấp cao hơn từ khắp nơi trên thế giới đổ về, đặc biệt là hàng kim khí điện máy. Chỉ tính riêng ti vi LCD, laptop, máy nghe nhạc, điện thoại di động, iPad, tủ lạnh, máy ảnh kỹ thuật số - những thứ phổ biến trong đời sống hằng ngày, sản phẩm do Nhật Bản và Hàn Quốc sản xuất đã được bày bán la liệt trong chuỗi cửa hàng điện máy ở Moscow, đẩy cái ti vi Saratov và tủ lạnh Yunost năm xưa đi vào dĩ vãng. Nói đến lĩnh vực kim khí điện máy không thể không nhắc đến Eldorado - công ty có mạng lưới cửa hàng điện tử gia dụng lớn nhất nước Nga, hoạt động tại 455 thành phố ở xứ sở bạch dương.

Cả Eldorado và Ngân hàng Home Credit Bank đều là sở hữu của Tập đoàn đầu tư tài chính quốc tế (PPF) thuộc Cộng hòa Czech (ở Việt Nam hiện nay cũng có một công ty con thuộc PPF). Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga bước vào nền kinh tế tự do, hàng loạt công ty, xí nghiệp đứng trước nguy cơ “sập tiệm”, Eldorado nằm trong số đó. Người Czech đã mạnh dạn mua lại và đầu tư cho mạng lưới Eldorado để biến nó thành thương hiệu đứng trong top 5 ở châu u và top 10 trên thế giới hiện nay. Và đó chưa phải là trường hợp duy nhất. Nguy cơ phá sản nền kinh tế thời “hậu Xô Viết” ở nước Nga là nỗi lo của người này nhưng lại trở thành cơ hội làm giàu cho kẻ khác. Những người có đầu óc kinh doanh nhạy bén đã sẵn sàng chi tiền mua lại những cơ sở kinh tế èo uột với giá quốc doanh, sau đó phát triển nó trở thành những công ty có giá tư bản. Nhiều tỉ phú Nga xuất hiện trong thời gian qua đã thông qua kiểu kinh doanh như vậy.

Ngoài sự nổi tiếng về xuất khẩu dầu khí và vũ khí, nước Nga nói chung và Moscow nói riêng đã không còn sự chọn lựa nào khác là phải chuyển động để “hòa tan” vào một thế giới đa sắc màu. Ngành hàng không dân dụng là một ví dụ. Từ Saint Petersburg về Moscow chúng tôi ngồi trên máy bay Airbus 321 của Tây u sản xuất, từ Moscow về Việt Nam bay cùng Boeing 767 của Mỹ, đều thuộc sở hữu của Hãng hàng không Russia Airlines (AEROFLOT). Cũng giống như AEROFLOT, các hãng hàng không khác của Nga sở hữu rất nhiều máy bay không phải do Nga sản xuất. Hình như những chiếc máy bay dân dụng do Nga sản xuất như AN hay Tupolev (TU) không thể cạnh tranh nổi với Boeing hoặc Airbus, tương tự như xe Lada đành chào thua chiếc Toyota vậy.

Thay lời kết

Nước Nga hiện là một trong hai siêu cường về quân sự. Thế nhưng, khi người ta xếp hạng 20 nước có GDP tính trên đầu người cao nhất thế giới, không có nước Nga; xếp hạng 20 thành phố có cuộc sống tốt nhất địa cầu, không có Moscow. Muốn lọt vào top 20 ấy, chính phủ Nga còn phải làm nhiều việc trong nhiều thập niên nữa mới mong được toại nguyện. Có vẻ như một trong “những việc phải làm ngay” ấy là phát triển du lịch. Chính phủ Nga đang mở rộng cửa để chào đón du khách thập phương đến tham quan với thủ tục cấp visa dễ hơn nhiều so với xin visa vào EU. Nhiều công ty lữ hành ở Việt Nam cũng đã chọn Nga làm điểm đến mới với số du khách ngày càng đông.

Người dân Moscow có thể giận dữ khi đội tuyển Nga bị loại ở vòng bảng Euro 2012, nhưng họ sẽ không khóc, vì thể thao suy cho cùng chỉ là game. Không lọt vào top 20 thế giới nêu trên mới đáng khóc hơn, vì Mát-xcơ-va không tin những giọt nước mắt (một phim tình cảm xã hội đã chiếu ở Việt Nam). Tuy được xếp hạng là thành phố có mức sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới, nhưng theo tôi, Moscow vẫn là một điểm đến thú vị mời bạn ghé thăm để chiêm nghiệm về sự đổi thay của đôi bờ cuộc sống...   

Đoàn Xuân Hải

>> Tin vào sự trở về của nước Nga
>> “Góa phụ đen” ám ảnh nước Nga
>> Những quả đấm trong lòng nước Nga
>> Nước Nga trong cơn lốc đỏ đen
>> Đưa nước Nga thoát khỏi “cơn say”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.