Sinh ra trong một gia đình lao động bên bờ sông Trà Khúc, lại tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, Nguyễn Chánh không có điều kiện học hành bài bản. Nhưng ông là một người bẩm sinh thông minh và có khả năng tự học hiếm thấy. Khi tham gia cách mạng, ông đã sớm trui rèn bản lĩnh, và từ một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, ông trở thành một "vị tướng không quân hàm" của Quân đội Nhân dân VN. Tài thao lược của Nguyễn Chánh trong những chiến dịch lớn ở chiến trường Khu Năm thời chống Pháp không chỉ được người Việt Nam yêu nước ca ngợi, mà còn được chính đối phương - một đại tá Pháp chỉ huy chiến trường Tây Nguyên - người đã trực tiếp đối đầu và đã thua tướng Nguyễn Chánh, bày tỏ sự khâm phục rất chân thành, rất quân tử.
Những người đã có thời gian sống và chiến đấu "dưới cờ" của tướng Nguyễn Chánh như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Nguyễn Chí Trung khi nói chuyện với lớp hậu sinh chúng tôi đều không tiếc lời ca ngợi một vị tướng, một con người mà theo các ông là "độc nhất vô nhị". Tướng tài thì trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam không hiếm. Nhưng vừa là tướng tài vừa là một con người sống có nhân có nghĩa, sống hết mình vì đồng đội, hết mình yêu thương chiến sĩ, nhìn được từng điểm mạnh điểm yếu của những người lính thuộc quyền để phát huy tốt nhất khả năng và sở trường của họ thì Nguyễn Chánh là một vị tướng thực sự hiếm. Đọc những thiên hồi ký của những quân nhân từng là "lính" của Nguyễn Chánh mới thấy hết cái nhân cái nghĩa của một người lãnh đạo, nó không đơn giản là "thuật lãnh đạo" hay "thuật dùng người", nó là nhân cách, nhân phẩm, đạo đức của một người làm tướng, một người lãnh đạo. Vì thế, khi Nguyễn Chánh mất đã hơn 50 năm, mà những kỷ niệm về ông vẫn tươi rói nơi những người từng cùng ông chiến đấu, hay đơn giản, chỉ là những người dân lao động quê ông, là láng giềng hàng xóm của gia đình ông.
Tỉnh Quảng Ngãi vừa làm lễ khánh thành ngôi nhà lưu niệm danh tướng Nguyễn Chánh tại quê ông, ngay trên nền nhà cũ của gia đình ông. Năm nay đã 93 tuổi, bà Phạm Thị Trinh - một nhà cách mạng lão thành và là bạn đời của tướng Nguyễn Chánh - đã kể tôi nghe những chuyện rất đời thường của chồng mình. Số phận buộc họ phải xa lìa nhau 51 năm nay, nhưng trong giọng kể của người phụ nữ từng một thời oanh liệt này, tôi vẫn nghe những âm hưởng tha thiết của một tình yêu mà thời gian và nỗi cách biệt âm dương chỉ làm sâu nặng thêm. Người đã khuất hơn nửa thế kỷ mà còn lung linh đến thế trong ký ức những người thân thì quả là hiếm có, quả là hạnh phúc.
Sinh thời, Nguyễn Chánh đã viết những bài thơ đầy khí khái nhưng cũng chan chứa tình yêu. Như có lần ông thổ lộ với một nhà văn, nếu không làm cách mạng, ông chỉ khao khát được trở thành một nghệ sĩ tuồng ở làng xóm, diễn những vở tuồng đã quen thuộc cho bà con nghèo mình coi. Và làm thơ, những bài thơ mộc mạc chan chứa tình yêu quê hương đất nước, tình yêu trai gái vợ chồng. Một ước mơ thật giản dị mà thật đẹp ! Một chiến sĩ cách mạng, một vị tướng tài danh lại chỉ mơ ước làm một nghệ sĩ, một nhà thơ khi đất nước thanh bình, điều đó chẳng đáng cho ta phải suy nghĩ sao ? Nhưng khi phải làm lính hay làm tướng, thì phụng sự hết mình, xả thân hy sinh vì nhân dân vì đất nước. Thanh thản biết bao là những con người những tâm hồn như vậy! Và đã thế, thì dù là "tướng có quân hàm" hay "tướng không quân hàm" cũng chẳng có gì khác biệt, chẳng có gì phải phiền lòng. Nguyễn Chánh đã luôn được hậu thế tôn vinh là một danh tướng, dù bình sinh ông chưa hề đeo trên ve áo một ngôi sao nào.
Thanh Thảo
Bình luận (0)