Từ một sản phẩm kết thúc học phần, nhóm sinh viên gồm 18 bạn đã kết hợp với Chi hội Xe bus yêu thương nỗ lực xây dựng và sản xuất một chương trình gây quỹ nhằm giúp đỡ trẻ em tại các mái ấm, nhà mở, bệnh viện ở TP.HCM.
Trần Ngọc Quý, sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện, trưởng ban tổ chức chương trình, cho biết: "Đêm nhạc "Hành trình cùng gió", được truyền cảm hứng từ chuyến "Hành trình xuyên Việt" của Chi hội Xe bus yêu thương. Trong hành trình xuyên Việt, mọi người sẽ thực hiện chuyến đi đến những vùng sâu, vùng xa để giúp đỡ và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Từ những hành động trân quý đó, đêm nhạc "Hành trình cùng gió" ra đời với mong muốn kế thừa và lan tỏa giá trị nhân văn đến cộng đồng".
Ngọc Quý thông tin, để hoàn thiện được nội dung chương trình, các thành viên của dự án đã chia thành 2 nhóm nhỏ nhằm xây dựng nhiều ý tưởng riêng biệt, độc đáo xoay quanh chủ đề. Sau đó, các nhóm sẽ chọn ra ý tưởng phù hợp nhất để thực hiện.
"Vì gió lúc nào cũng di chuyển. Vì vậy, chúng mình muốn làm ngọn gió lành, mang yêu thương đến khắp nơi của mọi miền Tổ quốc. Và gió đến rồi đi, điều đó muốn nói lên thông điệp chúng ta cứ việc cho đi mà không cần phải nhận lại", Ngọc Qúy chia sẻ.
Trần Mạnh Tiến, phó ban tổ chức chương trình này, nói: "Mình đã có nhiều cơ hội được tham gia và sản xuất các chương trình thiện nguyện. Với chương trình lần này, mình muốn dùng những kinh nghiệm của bản thân đóng góp một phần nào đó có ít cho cộng đồng. Đây không chỉ là một sản phẩm kết thúc môn học nữa mà đó còn là cả một tấm lòng vì xã hội".
Đêm nhạc đã đưa khán giả "du hành" theo dòng ký ức, ngược về những ngày thơ bé với các ca khúc mang màu sắc tuổi thơ như: Đi học, Nhà em ở lưng đồi, Đôi chân trần, Bài ca tôm cá... mang đậm âm điệu của từng địa phương khắp đất nước Việt Nam. Đặc biệt, tiết mục "Gặp mẹ trong mơ" được biểu diễn bởi các em nhỏ của Mái ấm An Lạc, chùa Pháp Tánh (tỉnh Long An) đã gây xúc động cho khán giả.
Theo Trần Ngọc Quý, dự án này được chuẩn bị từ ngày 27.5, các thành viên trong nhóm đã hoàn thành tất cả các công việc như: lên kịch bản, tiết mục, kế hoạch sản xuất, liên hệ nhà tài trợ, chuẩn bị và dàn dựng sân khấu. Ngoài ra, thành viên của nhóm còn thực hiện chuyến đi thực tế đến một số mái âm, nhà mở để thăm hỏi các em nhỏ và tìm hiểu tư liệu thực hiện chương trình.
Nguyễn Thanh Nga, thành viên đội sản xuất dự án, cho biết: "Trong chuyến đi thực tế đến những mái ấm, nhà mở, mình thấy các bé ở đây thiếu vắng tình thương của cha mẹ nên rất xót xa. Chuyến đi đã để lại nhiều cảm xúc và động lực để mình có thể hoàn thành thật tốt chương trình. Đây cũng là cách mình và nhóm có thể giúp đỡ các bé".
Đến tham dự đêm nhạc, thầy Trần Đức Tuấn, Trưởng bộ môn truyền thông đa phương tiện của Trường ĐH Văn Lang, cho biết: "Chương trình đã mang lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc, xen lẫn niềm tự hào. Đây là sự thành công trong công tác giảng dạy, vì sinh viên đã biết cách tổ chức được một chương trình có đóng góp thiết thực cho xã hội chứ không chỉ đơn giản là một sản phẩm báo cáo kết thúc môn học".
Kết thúc đêm nhạc gây quỹ mang tên "Hành trình cùng gió" đã quyên góp được 140 triệu đồng. Số tiền này được trao cho các mái ấm của 2 chùa Pháp Tánh, Phổ Minh và bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Đại diện mái ấm An Lạc của chùa Pháp Tánh, ông Lê Phát Phước (52 tuổi), chuyên viên giáo dục, bày tỏ: "Tôi rất phấn khởi khi nhận được sự quan tâm của cộng đồng với mái ấm, đặc biệt là các bạn sinh viên thực hiện chương trình vô cùng ý nghĩa này. Chúng tôi sẽ dùng số tiền này để chăm lo sức khỏe và đầu tư cho việc học của các cháu được tốt hơn, đúng như mong đợi của những người thực hiện chương trình".
Bình luận (0)