Một địa chỉ về văn hóa và du lịch

21/11/2021 08:00 GMT+7

Sau hàng chục năm khôi phục lại thương hiệu “Trầm hương Khánh Hòa”, năm 2017, ông Nguyễn Văn Tưởng đã đầu tư 200 tỉ đồng để xây dựng một bảo tàng về trầm hương tại Nha Trang.

Đây là một địa chỉ về văn hóa và du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đặt chân đến Nha Trang.

Tọa lạc trên một khu đất 2,2 ha tại xã Phước Đồng, ngoại ô Nha Trang, Bảo tàng trầm hương Khánh Hòa không chỉ là nơi giới thiệu với du khách về một loại đặc sản của vùng cực Nam Trung bộ này mà còn là một địa chỉ về văn hóa mang tên “trầm hương”.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, 48 tuổi, một doanh nhân chuyên về trầm, người đã góp công rất lớn vào việc phục dựng thương hiệu “Trầm hương Khánh Hòa” gần 20 năm nay nói rằng, ông muốn giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế về lịch sử của một vùng đất thông qua bảo tàng này chứ không phải chỉ là chỗ để trao đổi sản phẩm trầm hương.

Khung cảnh chuẩn bị cho một nghi thức thưởng trầm

Trần Đăng

Được xây dựng bài bản với các phối cảnh và bài trí sản vật trầm hương khá kỳ công, Bảo tàng Trầm hương Khánh Hòa xứng đáng là một địa chỉ văn hóa như chủ nhân của nó kỳ vọng. Ngót 5.000 tư liệu và hiện vật liên quan đến trầm hương và những câu chuyện lịch sử được sắp đặt một cách khoa học nên du khách không bị “rối mắt” khi bước chân vào bên trong bảo tàng.

Những khối trầm hương khổng lồ được chủ nhân bảo tàng sưu tầm từ khắp nơi mang về đây không chỉ mang lại sự trầm trồ cho du khách trước những hình thù kỳ lạ được thiên nhiên khắc tạc, mà nó còn dẫn dắt du khách đi qua những bước thăng trầm của lịch sử về vùng đất cực Nam Trung bộ với những giao thoa về văn hóa giữa các chủ nhân Chămpa xưa với người Việt hiện tại. Suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, trầm hương luôn giữ vai trò như một sứ giả kết nối giữa các nước trong khu vực.

Bảo tàng cũng giới thiệu cho du khách hiểu hơn về cách thưởng trầm của các bậc đế vương thuở trước cũng như những gia thế trâm anh quyền lực một thời. Tin vui thắng trận sau mỗi lần chinh chiến trở về, trầm lại được đốt lên; Hoan hỉ vua tôi sau một năm bội thu mùa vụ, đất nước yên bình... khói trầm lại được bay lên tại những nơi cung kính nhất. Thời khắc thiêng liêng giữa năm cũ bàn giao cho năm mới, hương trầm lại thoảng bay trong gió xuân. Không phải ngẫu nhiên mà trên những chuyến hải hành xuyên đại dương của các con tàu cổ từ hàng trăm năm trước, các thương thuyền bao giờ cũng mang về cố hương đủ các loại trầm hương và kỳ nam mỗi lần ghé các thương cảng vùng cực Nam Trung bộ này.

Tiếp bước truyền thống đó từ ngàn năm trước, trong những năm qua, trầm hương Khánh Hòa đã làm cầu nối văn hóa giữa các các dân tộc thông qua một lượng du khách rất lớn đến tham quan Nha Trang - Khánh Hòa. Những chiếc quạt bằng trầm hương xinh xắn có mặt trong sự kiện APEC diễn ra tại Đà Nẵng năm 2017 có xuất xứ từ trầm hương Khánh Hòa. Nhiều sự kiện văn hóa khác diễn ra tại Việt Nam, trầm hương Khánh Hòa luôn có mặt.

Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, Bảo tàng trầm hương Khánh Hòa đón 3.000 lượt du khách quốc tế mỗi ngày - đủ để biết sự hấp dẫn từ địa chỉ này. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch Khánh Hòa suốt thời gian qua nên Bảo tàng trầm hương Khánh Hòa cũng chung số phận. Dù vậy, chủ nhân của bảo tàng vẫn duy trì bộ máy hoạt động để sẵn sàng đón khách một khi Nhà nước cho phép du lịch khởi động trở lại trong thời gian tới.

“Thông qua bảo tàng trầm hương này, chúng tôi hy vọng du khách sẽ hiểu hơn về lịch sử và con người Việt Nam nói chung và vùng đất Khánh Hòa nói riêng. Sự linh diệu của trầm hương sẽ là cầu nối hiệu quả để giữa các dân tộc hiểu biết nhau hơn”, ông Tưởng kỳ vọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.