Một địa phương Trung Quốc kêu gọi ‘gái lỡ thì’ lấy trai thất nghiệp

Khánh An
Khánh An
29/01/2022 11:00 GMT+7

Chính sách với mục đích tăng tỷ lệ sinh bằng cách khuyến khích phụ nữ lỡ thì lấy chồng thất nghiệp tại một địa phương ở Trung Quốc đang gây tranh cãi.

Một đám cưới tập thể tại Giang Tây, Trung QUốc

reuters

Tờ South China Morning Post ngày 29.1 đưa tin một địa phương ở Trung Quốc gây bức xúc khi khuyến khích những phụ nữ lỡ thì kết hôn, kể cả với những người đàn ông thất nghiệp, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về tỷ lệ sinh thấp.

Huyện Nghi Hoàng thuộc tỉnh Giang Tây đang đưa ra nhiều ưu đãi về nhà cửa và việc làm cũng như trợ cấp sinh sản cho phụ nữ không còn trẻ nhưng chưa kết hôn, bị nhiều nơi gọi là “thặng nữ”, để khuyến khích sinh đẻ.

“Hiện tại, hiện tượng “những phụ nữ trẻ lớn tuổi hơn và lao động” còn độc thân trong huyện đã trở thành một vấn đề đáng chú ý, cần khẩn cấp có sự chăm sóc, giúp đỡ và hỗ trợ của toàn xã hội”, theo một văn bản của chính quyền huyện, đề cập đến những phụ nữ trên 26 tuổi.

Điều gây tranh cãi là việc huyện khuyến khích phụ nữ kết hôn với đàn ông thất nghiệp khi hứa hẹn sẽ giúp chồng họ về đào tạo nghề, vay vốn kinh doanh và ưu tiên các vị trí việc làm.

Bị "mắc kẹt" với nhau vì phong tỏa Covid-19 mà thành đôi

Đề xuất trên đã bị chỉ trích trên mạng xã hội, khi nhiều phụ nữ thắc mắc vì sao việc họ lựa chọn không kết hôn lại là vấn đề.

“Tôi nghĩ rằng tôi biết vì sao tỷ lệ kết hôn và sinh sản cứ giảm, nếu họ không tôn trọng phụ nữ và không xem phụ nữ là con người thì sự tuyệt chủng của nhân loại sẽ không xa”, một cư dân mạng bình luận trên Weibo.

Một người khác thắc mắc vì sao một phụ nữ 26 tuổi bị xem là “già” và phải có con với một người thất nghiệp.

Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp kỷ lục trong năm ngoái, dù đã chấm dứt chính sách một con vào năm 2016 và cho phép các cặp đôi có đến 3 con vào năm ngoái. Những bà mẹ ở Trung Quốc sinh tổng cộng 10,62 triệu em bé trong năm ngoái, giảm 11,5% so với con số 12 triệu vào năm 2020.

Tỷ suất sinh tại Trung Quốc giảm xuống còn 7,52 trẻ/1.000 người, so với mức 8,52 vào năm 2020.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.