Một doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có 4 Bộ quản lý

Quý Hiên
Quý Hiên
27/11/2024 19:52 GMT+7

Đại diện MOMO nêu ra hàng loạt khó khăn hiện nay với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có vấn đề chồng chéo, một doanh nghiệp có tới 4 bộ quản lý.

Mỗi đoạn công việc lại làm với một Bộ

Chiều nay, 27.11, Bộ KH-CN cùng UBND TP.Hải Phòng tổ chức diễn đàn "Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam". Diễn đàn nằm trong chuỗi hoạt động của ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TECHFEST 2024.

Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập và là Phó chủ tịch MOMO đã chia sẻ một số vấn đề mang tính thách thức với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hiện nay. Trong đó có sự thiếu hợp lý trong quản lý nhà nước với khởi nghiệp sáng tạo, chẳng hạn như tình trạng một doanh nghiệp có đến 4 Bộ quản lý.

Một doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có 4 Bộ quản lý- Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, hoạt động của MOMO hiện do 4 Bộ quản lý

ẢNH: HẢI HẰNG

Ông Diệp cho biết, MOMO khởi nghiệp từ năm 2007, đã được 17 năm. Vậy mà đến nay, vấn đề khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp này vẫn là cơ sở pháp lý.

"Khi chúng ta tạo ra một sản phẩm đổi mới sáng tạo, nghĩa là sản phẩm này chưa bao giờ có trên thực tế. Vì vậy, các sản phẩm dịch vụ mang tính sáng tạo và đột phá không có trong các quy định pháp luật hiện hành", ông Diệp phân tích.

Cũng theo ông Diệp, mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay ở Việt Nam cũng chưa có bộ chủ quản. Như MOMO hiện thuộc ít nhất 4 Bộ quản lý: Ngân hàng nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ TT-TT. Do đó, khi triển khai một sản phẩm, MOMO phải xử lý một quy trình "rất phức tạp", cũng như phải tuân thủ rất nhiều quy định vì mỗi Bộ có quy định khác nhau và cách thức xử lý khác nhau về sản phẩm.

"Hàn Quốc có Bộ Doanh nghiệp nhỏ và start-up. Mỹ và các nước phát triển cũng có những Bộ tương tự. Nếu chúng ta cũng có một Bộ như thế thì Bộ đó có thể giúp các doanh nghiệp start-up xử lý bài toán chung, xây dựng hệ sinh thái. Còn hiện nay chúng tôi phải làm việc với nhiều Bộ tương ứng với từng đoạn công việc khác nhau nên về mặt tổng thể là rất khó khăn", ông Diệp phản ánh.

Đề nghị gỡ khó khăn về nhân lực, vốn

Một vấn đề quan trọng khác, theo ông Diệp, là vấn đề nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, do nhu cầu phát triển nhanh chóng của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nên thị trường lao động trong nước đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao, gây khó khăn rất lớn cho những doanh nghiệp có tham vọng phát triển thành doanh nghiệp toàn cầu. Từ trước đến nay, các dự án khởi nghiệp sáng tạo lớn ở Việt Nam phải tìm nhân sự ở nước ngoài.

"Rất mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ thiết thực trong vấn đề này như cấp visa làm việc dài hạn, hoặc tạo điều kiện về chỗ ở, rồi giảm thuế thu nhập cá nhân… Nó là những thứ rất đơn giản, nhưng nếu ta làm được thì họ thấy họ được trân trọng, từ đó mà hào hứng hơn trong kế hoạch đến Việt Nam làm việc", ông Diệp đề xuất.

Khó khăn khác, được ông Diệp nêu ra, là vấn đề liên quan đến vốn. Theo ông, hiện các công ty công nghệ chỉ có sản phẩm trí tuệ, sản phẩm công nghệ, không có ô tô, không có trụ sở - nhà cửa.

"Thành thử chúng tôi muốn cần vốn phát triển ra ngân hàng thì khó được vay. Vì theo các quy định hiện hành thì phải có tài sản vật chất để thế chấp. Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận được nguồn vốn thì Nhà nước đã giúp giải quyết được một vấn đề sống còn của chúng tôi", ông Diệp bày tỏ.

Cạnh đó, Phó chủ tịch MOMO phản ánh, hiện nay tất cả doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ Việt Nam đều không thể lên thị trường chứng khoán được, vì các quy định hiện hành chỉ dành cho các công ty truyền thống.

So sánh với các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore…, đều có sàn riêng để công ty khởi nghiệp sáng tạo huy động vốn từ công chúng, ông Diệp mong Chính phủ xem xét chính sách này trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.