Một đời cho chữ

24/01/2009 08:51 GMT+7

(TNO) Những ngày cuối năm ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ông đồ Võ Hiển Đạt (trú thôn Tây, xã An Vĩnh) lại bày "mực tàu giấy đỏ” viết câu đối Tết cho chữ bà con xóm giềng. Trong căn nhà cổ hơn 150 năm, ông đồ “thất thập tri thiên mệnh” và cũng là người cuối cùng giữ hồn chữ của huyện đảo này lúc nào cũng miệt mài với giấy với mực.

Phát tâm

Chiếc sập gụ cả trăm năm tuổi đặt ngay ngắn giữa gian nhà cổ là nơi ông nội, cha và bây giờ là ông Võ Hiển Đạt - đời thứ 3 của họ Võ mài mực cho chữ. Sinh ra trong một gia đình Nho học truyền thống, thuở nhỏ đã sớm làm quen với bút nghiên, năm 6 tuổi ông Đạt theo cha hành lễ, lo việc hương án ở đình chùa miếu mạo trên đảo. Nhưng rồi thế thời thay đổi, chữ Hán không còn thông dụng, đầu thập niên 40, sau mấy năm học trường huyện, cha cho ông vượt biển vào đất liền học chữ Pháp.

19 tuổi, ông lấy vợ và trở về đảo Lý Sơn bắt đầu nghiệp dạy học. Ông Đạt cho biết: “Hồi đó trong đất liền người ta đã dùng chữ quốc ngữ hết rồi, nhưng chỉ riêng ở đảo Lý Sơn, đến tận những năm 1960 vẫn dùng các giấy tờ, gia phả, giấy mua bán đất bằng Hán tự”. Thế nên biết ông hay chữ, người dân ở đảo đến nhờ dịch các văn tự chữ Hán. Lúc này cha ông đã già, ông bắt đầu thay cha đảm nhận việc làm hoành phi, trướng liễn trong các đình chùa.

Nghề dạy học không đủ nuôi sống gia đình, ông đưa cả nhà vào Chợ Lớn, Sài Gòn buôn bán. Giữa gánh mưu sinh, vào những dịp lễ tết hội hè, ông vẫn giữ thói quen viết thư pháp tặng cho người qua đường. Những người Hoa ở Chợ Lớn rất thích chữ của ông, họ thắc mắc sao ông không mở dịch vụ viết chữ để kiếm tiền. “Cái chữ mình học của thánh hiền, thánh hiền qua cái chữ để dạy mình cái đạo làm người, mình phát tâm cho chữ và giữ gìn con chữ của người xưa thôi, chứ nếu ngày xưa mà thánh hiền buôn Nho bán chữ, thì tiền để đâu cho hết” - ông Đạt đùa. “Ngày xưa cái chữ quý lắm, người quý chữ thì đến xin, và tui cho chữ, chứ không phải mua bán tràn lan như thư pháp bây chừ", ông bộc bạch.

Ông Võ Xuân Huyện - Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: “Từ xưa tới chừ ông Đạt vẫn luôn cho chữ bà con trên đảo mỗi dịp lễ tết, hơn nữa hầu như các bức hoành phi, liễn trướng trong đình chùa đều lấy chữ của ông làm mẫu, thậm chí ông còn đích thân tự tay khảm, chạm trổ mà không lấy của ai một đồng nào”.

Xưa là vậy mà nay cũng không khác, kể từ năm 1988, ông về ở hẳn trên đảo Lý Sơn và chuyên tâm nghiên cứu, phục dựng lại các lễ hội cổ truyền ở đảo. Bằng kí ức xưa từng theo cha làm ban tế tự, cộng với các thư tịch cổ còn sót lại, ông làm chủ tế của ban tế tự Khao lề tế lính Hoàng Sa - m linh tự vào tháng 3 m lịch.

Ông đồ cuối cùng trên đảo

Ông Võ Xuân Huyện cho biết: “Trên đảo chẳng còn mấy người biết chữ Hán, và riêng về thư pháp và nhất là thể đại tự thì không có ai viết qua ông Đạt. Hơn nữa chúng tôi cũng rất nể trí nhớ của ông, nhờ bộ “từ điển sống” này mà nhiều lần chúng tôi tái hiện chính xác những mô hình tàu thuyền, đình chùa cổ trong những lần lễ lạc”.

 
Ông đồ Đạt và câu đối Tết: “Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ. Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường”

Ông Đạt năm nay đã 76 tuổi nhưng vẫn rắn rỏi với nước da nâu sạm và đôi mắt sáng. Vợ của ông, bà Đặng Thị Lãnh, 75 tuổi, cho biết: “Tính ông ấy rất kỹ, mọi việc trong nhà ngoài ngõ, lớn nhỏ chi ông cũng phải đích thân làm mới yên tâm, ngay cả việc leo trèo làm tượng rồng phụng trên nóc m linh tự, ổng cũng leo lên tự tay làm”.

Gần một đời say mê thư pháp, điều làm ông đau đáu hiện tại là chưa tìm được truyền nhân. “Tui có 10 đứa con, gần 20 cháu chắt, nhưng chẳng đứa nào chịu học chữ Hán, hồi xưa dạy tiếng Pháp thì chúng nó học rất nhanh, còn chữ Hán thì chịu”. Khoảng mười năm trở lại đây, vài người “bạn chữ” của ông Đạt ở đảo lần lượt ra đi, nhiều phụ huynh mến tài ông thường khuyên ông mở lớp, nhưng lớp mở ra được vài buổi thì dẹp vì chẳng học trò nào chịu học. “Bây chừ tụi hắn học tiền học bạc, chứ ai lại đi học chữ thánh hiền mà làm chi nữa” - ông Đạt buồn bã.

Không có truyền nhân, con cái thì không ai theo nghiệp cha, nên từ 1978, ông đành dành thời gian dịch nhiều sách Hán văn với hi vọng sau này con cháu nếu cần thì có thể đọc được. Dịch quyển Kinh Thi ông mất 1 tháng, bộ “Ấu học cố sự tầm nguyên” gồm 10 cuốn, dạy con người về lễ lạc tang ma, hiếu hỉ, cách sống hòa hợp với lẽ tự nhiên trời đất thì ông phải mất gần 3 tháng mới xong. “Càng lớn tuổi, tui càng thấm cái lẽ của người xưa, nếu “tri” mà không “hành”, thì sớm muộn chi kiến thức cũng mai một rồi quên hết, không để lại chút chi thì mai mốt con cháu không biết, mình lại có tội với tiền nhân”.

Hiện nay những bộ sách này đã có bản dịch ở các nhà sách, nhưng vào thời điểm thập niên 80 của thế kỷ trước mà tự dịch những bộ sách này thì không phải ai cũng làm được. Vẫn chưa có đứa cháu chắt nào tỏ ra say mê với bộ sách quý của ông nội, nhưng ông vẫn luôn giữ kỹ từng trang sách, đặt nó trang trọng trong chiếc tủ gỗ lim, nơi gian điện thờ lúc nào cũng nghi ngút hương trầm.

Bài, ảnh: Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.