Một học sinh bị sát hại trong vụ 'bắt cóc': Trách nhiệm và lương tâm

12/03/2014 02:55 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Có dấu hiệu tắc trách trong điều tra, nhiều bạn đọc đã gọi đến đường dây nóng của báo bày tỏ thái độ bức xúc về việc chậm chạp của cơ quan công an, dẫn đến cái chết đáng tiếc của Lư Vĩnh Đạt (18 tuổi, ngụ Q.6, tạm trú Q.Bình Tân, TP.HCM).

 Một học sinh bị sát hại trong vụ 'bắt cóc'
Chân dung nạn nhân Đạt (bìa trái), áo và dây chuyền của nạn nhân được công an tìm thấy khi bị sát hại  - Ảnh: Đàm Huy, CTV

>> Nghi án một học sinh bị bọn bắt cóc sát hại: Có dấu hiệu tắc trách trong điều tra

Công an Q.Bình Tân nói gì?

Chiều 11.3, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với đại úy Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng đội Điều tra tổng hợp (Công an Q.Bình Tân), xung quanh vụ việc trên. Đại úy Tuấn thừa nhận ngày 27.2, Công an P.An Lạc A (Q.Bình Tân) có tiếp nhận trình báo của gia đình ông Lư Nguyên (44 tuổi, ngụ Q.6, tạm trú Q.Bình Tân) về việc nạn nhân Đạt bị người lạ bắt cóc đòi tiền chuộc. Sau đó, Ban Chỉ huy Công an P.An Lạc A đã báo cáo vụ việc cho lãnh đạo Công an Q.Bình Tân và lãnh đạo quận giao cho Đội CSĐT tội phạm về TTXH quận phối hợp với công an phường vào cuộc điều tra.

 
Ban chỉ huy Đội CSĐT tội phạm về TTXH đã chỉ đạo cho anh Duy liên lạc với gia đình nạn nhân nắm bắt thông tin, phía sau anh Duy còn nhiều người khác làm việc nữa

Đại úy Nguyễn Thanh Tuấn

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên: “Từ lúc (sáng 27.2) gia đình nạn nhân đến trình báo vụ bị người lạ nhắn tin đe dọa tính mạng con tin, đòi tiền chuộc 500 triệu đồng, Công an Q.Bình Tân có mời gia đình nạn nhân lên trụ sở làm việc hoặc có cử cán bộ đến nhà gặp gia đình nạn nhân để hướng dẫn cách trao đổi với bọn bắt cóc, từ đó lên phương án, kế hoạch câu nhử phá án?”, ông Tuấn đáp: “Không nhất thiết phải mời gia đình nạn nhân lên trụ sở quận vì nạn nhân đã từng đến phường làm việc rồi. Sau khi quận tiếp nhận đã bố trí nhiều người tham gia, chứ không phải một mình anh Duy như ông Nguyên nói. Ban Chỉ huy Đội CSĐT tội phạm về TTXH đã chỉ đạo cho anh Duy liên lạc với gia đình nạn nhân nắm bắt thông tin, phía sau anh Duy còn nhiều người khác làm việc nữa”.

Về việc anh Duy (điều tra của Công an Q.Bình Tân) có đúng là đi học hay không, ông Tuấn cho biết do Duy không công tác ở Đội điều tra tổng hợp quận nên không biết. Trả lời câu hỏi sau khi tiếp nhận vụ việc bắt cóc tống tiền nói trên, Công an Q.Bình Tân có báo cáo cho phòng nghiệp vụ của Công an TP.HCM phối hợp điều tra phá án? Ông Tuấn khẳng định quận có báo cáo cho Công an TP.HCM, nhưng không biết ngày nào cụ thể vì ông không phải là người trực tiếp thụ lý vụ án.

Chiều 11.3, PV đã liên lạc với một lãnh đạo của PC45 để hỏi về việc Công an Q.Bình Tân có báo vụ việc trên cho PC45 cùng phối hợp phá án hay không, thì vị này cho biết: “Do không phải là người phát ngôn nên không thể phát biểu”. Sau đó, PV đã liên lạc với người phát ngôn của Công an TP.HCM nhưng không được.

 

Vấn đề quan trọng ở đây là khi dân báo thì anh có làm hay không, có quyết liệt đến nơi đến chốn hay chưa. Nếu chưa thì lỗi là của công an và phải xử lý trách nhiệm

Trung tướng Nguyễn Việt Thành

Trong khi đó, chiều 11.3, ông Lư Nguyên khẳng định với PV Thanh Niên: “Kể từ ngày 27.2 đến 3.3, công an phường, quận chưa lần nào mời tôi lên hoặc đến nhà hướng dẫn tôi liên lạc nhắn tin, câu nhử bọn bắt cóc như thế nào. Chỉ có một lần, anh Duy (công an quận) hẹn tôi uống cà phê chỉ cách nhắn tin khuyên con tôi về nhà... Lúc đó, gia đình tôi bối rối, hoảng sợ, nôn nóng sợ ảnh hưởng đến tính mạng con tôi nhưng công an nói gia đình cứ hẹn địa điểm giao tiền rồi báo công an bắt (!?). Thật sự lúc đó gia đình tôi rất cần sự giúp đỡ của công an hướng dẫn cụ thể cách đối phó với bọn tội phạm, nhưng phía công an để gia đình tôi tự bơi tìm cách trao đổi, thương lượng với bọn bắt cóc. Có lần tôi nóng ruột quá gọi ĐT cho anh Duy nhờ sự giúp đỡ thì anh nói đang đi học ở Q.Thủ Đức, có thông tin gì mới nhắn tin. Gọi cho anh Phó đội CSĐT tội phạm về TTXH thì anh này nói bận việc và cho biết công an quận đang làm, rồi tắt máy”.

Phải xử lý trách nhiệm

Với kinh nghiệm nhiều năm điều tra tội phạm, trung tướng Nguyễn Việt Thành, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, cho rằng thông thường khi tiếp nhận các thông tin bắt cóc, tống tiền thì công an cơ sở, cụ thể là công an phường phải lập tức báo lên cấp trên vì cấp phường không đủ điều kiện để làm. Việc xác minh lâu hay mau các vụ việc này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. “Vấn đề quan trọng ở đây là khi dân báo thì anh có làm hay không, có quyết liệt đến nơi đến chốn hay chưa. Nếu chưa thì lỗi là của công an và phải xử lý trách nhiệm”, ông Thành nói.

Còn ông Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND tối cao, cho rằng: “Việc tiếp nhận thông tin sau một thời gian dài nhưng vẫn để xảy ra hậu quả đáng tiếc để người dân bức xúc thì tôi cho rằng cơ quan công an cần phải công khai việc mình làm đã đến nơi đến chốn hay chưa. Nếu không thì cơ quan công an cấp trên hoặc thanh tra công an phải vào cuộc làm cho rõ”, ông Biểu nói.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết theo điều 103 bộ luật Tố tụng hình sự thì cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức chuyển đến. Quá trình điều tra, trong trường hợp CQĐT xác định được 2 cán bộ công an trên thiếu trách nhiệm, thực hiện không đầy đủ nhiệm vụ dẫn đến việc nạn nhân bị sát hại thì hành vi của những người này có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Người dân không nên tự tiện giao tiền

Qua vụ việc trên, nhiều ý kiến bạn đọc tỏ ra băn khoăn về cách giải quyết khi gặp trường hợp người thân bị bắt cóc tống tiền. Một cán bộ điều tra, từng trực tiếp tham gia chỉ đạo khám phá nhiều vụ bắt cóc tống tiền, khẳng định khi gặp những trường hợp này, người dân phải báo ngay cho công an, để được hỗ trợ xử lý kịp thời. Theo vị cán bộ này, vụ việc trên không phải công an không làm mà làm không nhiệt tình. Các tin nhắn của người nhà nạn nhân cung cấp là quá rõ, quyết định đến việc sinh tử của nạn nhân. “Công an phải chủ động chỉ dẫn bày cách cho gia đình nạn nhân trao đổi, trao đổi như thế nào để kéo dài thời gian; lúc đó rất nhiều việc cần phải làm mới phá án được, không hề đơn giản chút nào... Việc ông Nguyên đến trình báo công an là đúng, không nên giấu giếm rồi tự làm theo yêu cầu của bọn bắt cóc. Người dân không tự tiện đi giao tiền cho bọn bắt cóc vì vừa mất tiền vừa không đảm bảo tính mạng con tin vừa không bắt được hung thủ”, vị cán bộ này nói.

Bắt giữ một nghi can liên quan đến vụ án

Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, chiều 11.3, lãnh đạo Công an TP.HCM đã tổ chức họp án với sự tham gia của lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45), Công an TP.HCM; Ban Chỉ huy Đội Trọng án (PC45) và Công an Q.Bình Tân. Cùng ngày, cơ quan công an đã thực hiện lệnh bắt giữ nghi can Nguyễn Kim An (quê Bình Thuận) liên quan đến vụ sát hại Đạt. Đồng thời, cơ quan công an cũng đã thu giữ chiếc xe gắn máy của nạn nhân. Được biết, An là bạn thân của Đạt, cả hai học chung trường tin học trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM). An khai nhận là người đi uống cà phê với Đạt trên đường Hồng Bàng (Q.6, gần Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.6) vào tối 25.2 và đi ăn kem với Đạt đến khuya 26.2 mới về. 

Đàm Huy

Nguyên Bảo - Thái Sơn - Hoàng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.