Chuyến trở về VN lần này Nguyên Lê không đi một mình, ông đi cùng hai đại diện của âm nhạc Bắc Phi: Dhafer Youssef (Tunisia) và Rhani Krija (Morocco/Ðức). Quốc Trung - một trong những nghệ sĩ VN biết đến Nguyên Lê sớm nhất, có sự đồng điệu trong khám phá dòng nhạc world music - đã phải chờ cuộc "hợp duyên" này từ rất lâu. 2 giờ 30 phút của đêm diễn Khởi nguồn là sản phẩm tuyệt vời đầu tiên trả lời cho sự trông đợi của công chúng suốt tháng qua.
|
Từ Quốc Trung nhắc đến nhiều nhất trong lời mở đầu đêm diễn là "cơ hội". Không phải cơ hội bán vé, không phải cơ hội kiếm tiền - vì ai dại làm sô trong thời khủng hoảng kinh tế (đến sát giờ diễn vẫn còn vé để bán cơ mà!), mà đó là cơ hội hiếm có để trải nghiệm, làm việc với những nghệ sĩ quốc tế có cùng lựa chọn và con đường đi trong âm nhạc. Và có lẽ không chỉ riêng Quốc Trung mà các nghệ sĩ VN đã tận dụng tối đa cơ hội này để cống hiến đêm Khởi nguồn trọn vẹn.
Trước đêm diễn, không nhiều người biết đến tên tuổi Kiều Anh - ca nương trẻ của ca trù Thái Hà. Lý mười thương, Lý qua đèo với hòa âm hiện đại và phức tạp của Nguyên Lê từng được ca sĩ Hương Thanh biểu diễn rất thành công trên nhiều sân khấu thế giới và trong lần trở về VN cách đây gần mười năm được Kiều Anh trình diễn khá tự tin, dù ở đâu đó vẫn phảng phất lối nhả chữ của ca trù. Rồi đến Huyền thoại, Kiều Anh thuyết phục người nghe ở cả chất giọng lẫn khả năng kết hợp với kiểu hòa âm khó của Nguyên Lê. Ðến Vọng nguyệt, người nghe mới thật sự nghe và thấy được sự hòa quyện của ca nương này trong âm nhạc Quốc Trung, Nguyên Lê... Kiều Anh cũng có những màn kết hợp đáng nhớ với nghệ sĩ Dhafer Youssef.
Không thể không nhắc đến những âm hưởng Bắc Phi làm rùng mình người nghe. Sự xuất hiện của ca sĩ, nhạc sĩ Dhafer Youssef mang đến không khí hết sức vui nhộn cho sân khấu Khởi nguồn. Nhưng một khi Dhafer Youssef cất tiếng, cả khán phòng lặng người đi với những giai điệu mê hoặc. Ðó chỉ có thể là Bắc Phi với những âm thanh ngẫu hứng, liêu trai, vang và êm ru. Bên cạnh Dhafer Youssef, nghệ sĩ đến từ Morocco Rhani Krija bùng nổ với những âm điệu thổ dân đặc trưng trong màn solo với bộ gõ của mình. Chừng đó, cùng những giai điệu của ca trù, ca Huế, cải lương, hát xẩm, nhạc điện tử tạo nên sự thăng hoa cho đêm diễn Khởi nguồn.
Trong không gian đó, Thanh Lam xuất hiện... với trang phục áo dài. Vẫn là một Thanh Lam rất phiêu, rất bản năng trên sân khấu. Hát Mây trắng bay về, Giữa đôi bờ xa cách, Tò vò..., Thanh Lam phần nào xóa tan sự nghi ngại của nhiều người khi hát world music. Phiêu nhưng không quá lạm dụng và phô diễn kỹ thuật, Thanh Lam hoàn thành trọn vẹn phần biểu diễn của mình trên bản phối mới của Nguyên Lê. Dù vẫn còn những ý kiến trái chiều, người chê, người khen, nhưng không thể phủ nhận được là cùng với Thanh Lam, Nguyên Lê và Quốc Trung mang đến một cách tiếp cận mới đối với những ca khúc quen thuộc như Mây trắng bay về, Giữa đôi bờ xa cách...
Trở về đứt quãng nhưng lần nào Nguyên Lê cũng để lại một thông điệp bằng âm nhạc. Năm 2004, Nguyên Lê cùng êkip của mình, rất nhiều người đã ngỡ ngàng vì tìm thấy những giai điệu truyền thống VN trong âm nhạc của các nghệ sĩ quốc tế. Hai chương trình biểu diễn năm 2011, Nguyên Lê làm việc với các nghệ sĩ VN: ban nhạc Anh Em, Tùng Dương, Mỹ Linh. Lần trở về này, bên cạnh Nguyên Lê ngoài hai nghệ sĩ Bắc Phi còn có Quốc Trung, Thanh Lam, Kiều Anh... và nhiều nghệ sĩ VN khác. Ðã có một cây cầu được nối, nhạc Việt có thêm một "khởi nguồn".
Tối 1-9, Nhà hát Lớn hội tụ các nhạc sĩ và nhạc công các thế hệ: Anh Quân, Thanh Phương, Giáng Son, Hà An, Quang Long... Không phải sô diễn của mình nhưng ai cũng có một niềm vui chung: một cái gì đó đã "khởi nguồn".
Theo Hà Hương - Thu Hà / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)