Một kỷ niệm nhỏ với hai nhà thơ lớn Chế Lan Viên và Bích Khê

23/01/2016 15:58 GMT+7

Tối nay 23.1, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM và Hội Nghiên cứu phê bình và giảng dạy văn học TP.HCM sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày nhà thơ Bích Khê tạ thế (1946-2016) bằng đêm thơ-nhạc.

Tối nay 23.1, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM và Hội Nghiên cứu phê bình và giảng dạy văn học TP.HCM sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày nhà thơ Bích Khê tạ thế (1946-2016) bằng đêm thơ-nhạc.

Lãnh đạo Hội Nhà văn viếng mộ Bích Khê tại Thu Xà - Ảnh: Phạm Đương
Lãnh đạo Hội Nhà văn viếng mộ Bích Khê tại Thu Xà - Ảnh: Phạm Đương
Những bài thơ hay nhất của Bích Khê cùng các ca khúc được phổ nhạc từ thơ ông sẽ được trình diễn trong lễ kỷ niệm này.
Để góp phần trả lại thơ Bích Khê đúng vị trí của nó trên thi đàn văn học nước nhà sau nhiều chục năm bị khuất lấp do những định kiến hẹp hòi, Chế Lan Viên là người đã có công rất lớn vào công việc này. Thanh Niên xin giới thiệu một kỷ niệm nhỏ của nhà thơ Phạm Đương với nhà thơ Chế Lan Viên chung quanh câu chuyện làm tuyển tập Thơ Bích Khê từ 27 năm trước.
Năm 1987 tôi ra lính và về công tác tại Phòng Văn nghệ thuộc Sở Văn hóa thông tin Nghĩa Bình (cũ). Thú thật là tôi cũng không hình dung là mình phải làm gì ở cái phòng mà thoạt nghe có vẻ rất “hợp” với phong cách tà tà của đám viên chức thời bao cấp ấy. Tôi vẫn mặc nguyên bộ đồ lính mang từ rừng về để đi làm hằng ngày, không phải để cho ra vẻ “bụi bụi” mà cái chính là… không còn bộ áo quần nào khác! Đang bí, không biết xoay bằng cách nào để có tiền mua vài mét vải may chiếc áo “dân sự” thì nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, làm cùng phòng với tôi, mách nước: “Cậu chấm mo-rát quyển thơ của Bích Khê nhé? Có tiền thù lao đấy!”. Thấy bạn “rách” quá nên Mừng nói vậy chứ chấm mo-rát thì có khó gì mà phải chia lửa thế đâu.
Nhà thơ Chế Lan Viên (quàng khăn rằn) tại Thu Xà năm 1988
Nhà thơ Chế Lan Viên (quàng khăn rằn) tại Thu Xà năm 1988
Cũng xin được nói thêm là, sau thời kỳ “đổi mới” 1986, Sở Văn hóa thông tin Nghĩa Bình đã nhanh chân hơn Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam là cho in ngay Thơ Hàn Mặc Tử sau nhiều chục năm bị “đóng băng”. Anh Hà Giao - Trưởng phòng Văn nghệ và Nguyễn Thanh Mừng là những người góp phần mang lại tiếng vang cho Sở Văn hóa thông tin Nghĩa Bình hồi ấy qua việc xuất bản tập thơ Hàn Mặc Tử. Vì rằng, nhiều chục năm trước đó, nói đến thơ Hàn Mặc Tử thì rất nhiều người thích, kể cả ở hai miền Nam-Bắc, nhưng để xưng tụng ông thì người ta rất dè dặt, thậm chí không dám nhắc tên ông trên báo bằng những lời thiện cảm. Thế mà một sở văn hóa ở địa phương lại in cả tuyển tập thơ Hàn với lời đề tựa “hay ve kêu” của Chế Lan Viên. Giới văn nghệ cả nước hồi đó đánh giá cao và rất nể trọng cho sự “dũng cảm” này của tỉnh Nghĩa Bình. Thừa thắng, anh Hà Giao làm tới luôn: in tập thơ của Bích Khê.
Thời còn Nghĩa Bình có một luật bất thành văn thế này: Hễ làm một công trình nào đó mà nằm trên đất Bình Định thì ắt phải làm một công trình khác trên đất Quảng Ngãi. Chẳng hạn như đã làm thủy điện Vĩnh Sơn trong Bình Định thì phải làm thủy lợi Thạch Nham ngoài Quảng Ngãi vậy. Hàn Mặc Tử không phải quê Bình Định nhưng gần như toàn bộ sự nghiệp lẫy lừng của ông đều gắn với Quy Nhơn nên coi như ông là dân Bình Định. Vì vậy, đã làm tuyển cho Hàn Mặc Tử thì ắt phải kiếm một ông nhà thơ khác quê Quảng Ngãi cho “đối xứng”. Bích Khê là sự lựa chọn không thể khác hơn. Ngoài chuyện Bình Định-Quảng Ngãi ra, hai nhà thơ này đều rất tài hoa, thuộc hàng “top” của Thơ Mới, cả hai đều bị “vùi lấp” bởi những định kiến hẹp hòi suốt trong một thời gian dài. Họ lại là những người bạn chí cốt nữa. Chế Lan Viên, bạn thân của cả hai người, bấy giờ đang là “tổng đạo diễn” trong việc tái bản thơ Bích Khê. Anh Hà Giao giao việc cho Nguyễn Thanh Mừng phải sưu tầm trong điều kiện có thể, tất cả những trước tác của Bích Khê để in tập.
Mọi chuyện để ra mắt tập thơ Bích Khê gần như hoàn tất, chỉ còn chờ cái tựa của Chế Lan Viên. Phương tiện liên lạc hồi đó chủ yếu là viết thư, nhưng thư đi vài ba cái rồi mà bài tựa thì vẫn bặt tăm. Tôi cùng anh Hà Giao vô Sài Gòn để lo vài việc in ấn các cuốn sách về nhà Tây Sơn nhân kỷ niệm 200 năm Quang Trung đại phá quân Thanh (1789-1989), sẵn dịp “đòi nợ” cái tựa. Hóa ra họ Chế không phải lười mà ông chờ dịp ra Quảng Ngãi, xuống Thu Xà viếng mộ bạn rồi mới có hứng để viết. Chế Lan Viên nói rằng, ông mắc nợ Bích Khê từ hơn 40 năm trước nhưng chưa trả được. Trước năm 1945, Chế Lan Viên nhận lời viết tựa cho tập thơ Tinh hoa của Bích Khê nhưng Cách mạng Tháng Tám nổ ra, mỗi người một ngả, rồi Bích Khê qua đời, lời hứa đã tan theo khói lửa của hai cuộc chiến tranh, giờ là lúc ông trả món nợ ấy.
Sau chuyến trở lại Thu Xà, Chế Lan Viên về Sài Gòn và gửi ra một lá thư “bảo đảm”. Một buổi trưa, tôi và Mừng mở thư xem bản thảo bằng tất cả sự hồi hộp. Tôi nhớ là bản thảo được viết bằng mực tím trên giấy vở học trò, dễ có đến hơn chục trang! Hai tên “cử nhân văn chương” hẳn hoi mà toát mồ hôi để “dịch” cho xong bản thảo họ Chế, vì một lẽ giản đơn là chữ viết của Chế Lan Viên quá xấu! Chúng tôi phải cẩn trọng đến từng dấu phảy vì chữ nghĩa của ông là ngọc là châu chứ không phải chỉ đơn thuần là… chữ. Cuối cùng rồi chúng tôi cũng “dịch” xong.
Chúng tôi đem khoe chuyện “dịch” bài tựa của Chế Lan Viên, một số người tưởng họ Chế viết bằng tiếng… Pháp nên khen chúng tôi giỏi ngoại ngữ! Còn Chế Lan Viên, khi nhận sách, ông đọc bài tựa của ông trước. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi một lời quở trách của ông, nhưng ông cười hiền hậu: “Hai cậu khá lắm”. Chúng tôi hiểu chữ “khá lắm” ấy có nghĩa là “dịch” bài tựa của ông không sai một cái dấu phảy nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.