Một kỳ thi quốc gia: Nên để thí sinh thi tại địa phương

26/09/2014 09:00 GMT+7

Không còn công nhận đây là kỳ thi gồm 2 mục đích nhưng Bộ GD-ĐT lại phân biệt 2 cụm thi khiến dư luận cảm thấy nhiều mâu thuẫn và đặt vấn đề tại sao không để thí sinh thi tại địa phương như lâu nay, chỉ cần tăng cường giám sát?

Một kỳ thi quốc gia: Nên để thí sinh thi tại địa phương
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Mục đích không thay đổi, sao lại thay đổi hình thức ?

Cho đến trước ngày 23.9 (buổi giải trình với thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội), các lãnh đạo của Bộ GD-ĐT đều cho rằng một kỳ thi quốc gia diễn ra vào năm 2015 nhằm vào 2 mục đích là vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tất cả mọi sự chuẩn bị đều nhằm đáp ứng được 2 yêu cầu này. Chẳng hạn, đối với đề thi, ngay trong buổi công bố chọn phương án cho một kỳ thi quốc gia, trả lời báo chí, các lãnh đạo Bộ đều cho rằng sẽ tổ chức đề thi theo định dạng của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.

Thế nhưng, ngày 23.9 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận lại cho rằng: “Chúng tôi tổ chức kỳ thi quốc gia chứ không phải gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh làm một”. Trong buổi làm việc này, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định kỳ thi này chỉ bắt buộc với mục đích tốt nghiệp THPT chứ không bắt buộc với tuyển sinh ĐH nên các trường có theo thì cũng là tự nguyện và tự chủ của họ”.

Nếu mục đích của kỳ thi này không thay đổi (ít ra là so với năm 2014) vậy sao phải phân thành 2 loại cụm thi làm gì?

Vẫn là nhiệm vụ của địa phương

Nếu theo đúng phát biểu của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và ông Đào Trọng Thi về mục đích của một kỳ thi chung quốc gia sắp tới thì nhiệm vụ chính của kỳ thi này phải là của các sở GD-ĐT. Vì thế nên tổ chức ở các địa phương.

Tại hội nghị triển khai kỳ thi giữa Bộ với các trường ĐH, CĐ và sở GD-ĐT khu vực phía bắc, đại diện Sở GD-ĐT Bắc Ninh đề xuất mỗi tỉnh lập một ban chỉ đạo thi, thành phần gồm lãnh đạo các trường ĐH, lãnh đạo các sở GD-ĐT, đặc biệt là sử dụng được đội ngũ giáo viên giỏi các trường THPT phối hợp với giảng viên các trường ĐH xen kẽ ở tất cả các khâu, làm việc dưới sự chỉ đạo thống nhất của ban chỉ đạo thi. Như vậy sẽ đảm bảo được tính công bằng, nghiêm túc, sử dụng tối ưu những giáo viên có năng lực chuyên môn. Không phải trường ĐH nào cũng có giáo viên giỏi. Nhiều trường phải thuê giáo viên, sinh viên... coi thi, chấm thi. Trong khi đó các trường THPT có những giáo viên rất tốt mà không được sử dụng. Tự nhiên có cảm giác bị... bỏ rơi.

Cũng tại hội nghị này, ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai, đề nghị Bộ cần phải nghiên cứu để làm sao phát huy đầy đủ trách nhiệm cả trường ĐH, địa phương, nhân dân, lực lượng cán bộ quản lý giáo viên của các cơ sở tham gia làm thi. Về lâu dài thì không thể duy trì hình thức các trường ĐH đảm nhiệm, tỉnh đứng ngoài cuộc. Ông Ninh đề xuất: “Nên để mỗi tỉnh một cụm thi. Các trường ĐH vẫn chủ trì, chẳng hạn chủ tịch hội đồng in sao đề thi, chủ tịch các hội đồng coi thi, phó chủ tịch hội đồng phụ trách việc điều hành quy chế thi... là trường ĐH. Còn phó chủ tịch hội đồng lo về an ninh, cơ sở vật chất thì địa phương làm. Lực lượng coi thi thì một nửa của trường ĐH, còn một nửa là địa phương”.

Trên trang mạng cá nhân, ông Bùi Việt Hà, Giám đốc Công ty công nghệ tin học nhà trường, cũng nêu quan điểm: Nếu Bộ phân biệt ra 2 loại cụm thi thì đó là sai lầm lớn. Không nên và không thể phân biệt các cụm thi. Ông Hà đề nghị Bộ nên sửa lại ngay: chỉ có một loại cụm thi duy nhất do Bộ trực tiếp chỉ đạo.

“Nếu cụm thi trong mô hình thi lần này được hiểu là các em sẽ phải đi đến một nơi xa để thi giống như thi ĐH trước đây, thì theo tôi là sai hoàn toàn. Một trong các điều kiện quan trọng của kỳ thi quốc gia mới này là không để cho các em học sinh phải đi xa để thi. Các em sẽ phải được thi ngay trong địa phương của mình, thậm chí ngay trong quận, huyện của mình. Nếu suy nghĩ là có thể cho các học sinh đi xa và rồi phân thành 2 loại cụm thi theo khoảng cách thì sai ngay từ đầu”, ông Hà nêu rõ.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho rằng địa phương chủ trì cũng hoàn toàn có thể làm nghiêm túc và kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm đầu tiên thực hiện “2 không” đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, nếu thực sự muốn làm thì các địa phương phải chịu trách nhiệm thực sự, phải chấp nhận đương đầu với tiêu cực, với những áp lực về kết quả và phải có xử lý nghiêm khắc với những địa phương có kết quả không phản ánh đúng thực chất. “Lâu nay Bộ vẫn nói chấm thẩm định và xử lý nếu thấy kết quả sai lệch nhưng thực tế không trường hợp nào bị xử lý trong khi kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng khiến dư luận nghi ngờ”, ông Hưng nói.

Một kỳ thi, sao lại phân biệt kết quả ?

Cũng trong buổi giải trình với thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ông Phạm Vũ Luận khẳng định: “Cụm thi sẽ bố trí theo hình thức liên tỉnh chứ không phải liên huyện và cả nước ước tính sẽ có khoảng 20 cụm thi do các trường ĐH chủ trì do chưa thể tổ chức mỗi địa phương có một cụm thi”.

Việc có 2 loại cụm thi kèm theo sự phân biệt rõ ràng của Bộ: Các trường đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh ĐH thì chỉ được tuyển học sinh tham gia thi ở cụm thi do trường ĐH chủ trì. Còn những học sinh (xác định chỉ thi để công nhận tốt nghiệp THPT) dự thi ở cụm do sở GD-ĐT chủ trì thì chỉ có thể vào ĐH ở những trường thi hoặc xét tuyển sinh riêng.

Ngay lập tức, có ý kiến cho rằng Bộ đang khẳng định năm 2015 chỉ có một kỳ thi THPT quốc gia tại sao lại chia thành 2 loại cụm thi và thừa nhận kết quả cụm thi này mà không thừa nhận kết quả của kỳ thi kia trong quá trình xét tuyển sinh ĐH? Việc phân biệt kết quả như vậy phải chăng chính Bộ đang thừa nhận hoặc chấp nhận sự không nghiêm túc ở cụm thi do địa phương chủ trì?

Ngoài ra, tuy chưa quyết định chính thức nhưng chủ trương của Bộ là ở nơi nào đã có cụm thi do trường ĐH chủ trì thì sẽ không có cụm thi do địa phương nữa để không bị phân tán nguồn lực tổ chức thi. Vì thế, lo lắng của một học sinh lớp 12 ở huyện Thạch Thất, Hà Nội là có cơ sở. Học sinh này cho biết: “Trường em cũng nhiều bạn chỉ xác định thi tốt nghiệp THPT rồi đi học nghề. Nếu Hà Nội có cụm thi do trường ĐH chủ trì và không có cụm thi địa phương nữa thì học sinh Hà Nội chỉ muốn thi lấy bằng tốt nghiệp THPT phải đi sang tỉnh khác dự thi hay sao?”.

Ý kiến:

Cứ thi như mọi năm

Việc thi cử nên càng đơn giản càng tốt. Cứ thi như các năm là học sinh khỏi phải chạy theo những thay đổi xoành xoạch mà không biết có tốt hơn hay không.

Nguyễn Đình Khôi
(phụ huynh Trường THPT Trưng , TP.Quy Nhơn, Bình Định)

Tốn kém

“Di chuyển sang nơi khác để thi tốt nghiệp THPT là khá mệt mỏi, tốn kém. Nếu thi như cũ sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều”.

Hồ Ngọc Vinh
(phụ huynh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, Đắk Lắk)

Kiểm tra quyết liệt để không xảy ra tiêu cực

Bộ GD-ĐT nên tổ chức như các kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, tức là hội đồng thi đặt tại các trường THPT. Khi đã mang tầm cỡ một kỳ thi quốc gia với mục tiêu lớn như vậy thì chắc chắn Bộ phải tính toán và có phương án kiểm tra quyết liệt để không xảy ra tiêu cực.

Ngô Thu
(phụ huynh học sinh ở Q.3, TP.HCM)

Đừng xáo trộn

Nên để các trường THPT tổ chức thi cho học sinh không có nhu cầu thi ĐH để đỡ xáo trộn và tránh gây tốn kém.

Trần Đình Lý
(phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Nhiều lo lắng

Chỉ riêng tại Gia Lai, toàn tỉnh có khoảng 12.000 thí sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới (gồm cả học sinh hệ bổ túc). Nếu tổ chức thi theo cụm, việc di chuyển các thí sinh này sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc chọn nơi để đặt cụm thi cũng có rất nhiều vấn đề, nếu như cụm thi ĐH trước đây thì thí sinh tỉnh Gia Lai sẽ phải chuyển xuống Quy Nhơn để dự thi.

Lữ Đình Dưỡng
(Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai)

Có thể giao cho địa phương

Tổ chức thi tại địa phương là có thể được, việc tổ chức sẽ như mọi năm nhưng đề thi chung của Bộ phải được vận chuyển về từ các cụm thi, bài thi cũng phải được chuyển về các cụm thi để chấm.

PGS-TS Đỗ Văn Xê
(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ)

Đ.Nguyên - H.Ánh - B.Thanh - M.Quyên (ghi)

Tuệ Nguyễn - Lê Đăng Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.