Thương gửi mục Lá thư tâm sự!
TPHCM, ngày 10 tháng 11 năm 2023.
Em tên là Lê Trần Thanh Nhã. Sinh năm 2005.
Hiện đang là sinh viên năm nhất trường Đại học Sài Gòn, khoa Tài chính - Kế toán, ngành Tài chính Ngân hàng.
Em là con thứ nhất trong gia đình có 2 chị em, em trai học lớp 10.
Gia đình em từ trước vốn rất êm đềm hạnh phúc và tràn ngập yêu thương, cho đến năm 2021. Đó có lẽ là một năm khó quên đối với gia đình và bản thân em.
Vào một ngày nọ, khi cảm thấy trong cơ thể có nhiều thay đổi, ba của em đã đi test Covid-19, và biết ba đã nhiễm bệnh và được đưa đi cách ly ở bệnh viện. Gia đình em lúc đó thật sự rơi vào tuyệt vọng và lo lắng, tưởng chừng như đại dịch sẽ nhân từ hơn một chút, nhưng vài hôm sau, mẹ cũng nhận kết quả dương tính và được đưa đi cách ly. Vậy là nhà đã thiếu đi hai trụ cột chính của gia đình, mọi thứ sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh đều do hai chị em tự lo liệu, tự đùm bọc lẫn nhau. Mỗi ngày trôi qua lúc đó đều để lại những sự lo lắng, nơm nớp lo sợ trong lòng hai chị em. Đó là nỗi sợ nếu mình bị nhiễm thì ai sẽ là người chăm sóc cho chị/em mình, là nỗi sợ nếu một mai mất đi ba mẹ thì mình biết phải làm sao, lúc này trong em mới hiện hữu cảm giác không có hai đấng sinh thành ở cạnh bên bế tắc đến nhường nào. Vẫn may sao, trước khi đi, ba mẹ đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thuốc men để chị em có thể sống tạm qua những ngày tháng dài đằng đẵng. Cứ mỗi ngày trôi qua như thế, hai chị em đều gọi điện hỏi thăm tình hình ba mẹ ở khu cách ly như thế nào. Chứng kiến được những gì Covid-19 gây ra cho sức khỏe cũng như tinh thần của ba mẹ và những người khác, thật sự rất ám ảnh. Thấm thoắt gần 1 tháng trôi qua, vui mừng như trút được một gánh nặng tinh thần khi nhận được tin ba em đã hoàn toàn khỏi bệnh và bình an trở về nhà. Lúc này, chỉ cầu mong sao cho mẹ cũng bình an trở về nhà để gia đình cùng nhau đoàn tụ. Vui mừng chưa được bao lâu, cả nhà hay tin bệnh tình của mẹ trở nặng, hôn mê và phải chuyển lên bệnh viện Trưng Vương. Gia đình em một lần nữa rơi vào khủng hoảng và tuyệt vọng. Mọi người chỉ có thể theo dõi tình trạng của mẹ qua những cuộc gọi của cô y tá và chỉ có thể cầu nguyện hằng đêm để mẹ có thể qua khỏi giai đoạn nguy hiểm này.
Nhưng vào buổi sáng định mệnh ấy (15.8.2021), một cú điện thoại truyền đến báo tin mẹ đã mất. Gia đình em lúc đó như sụp đổ hoàn toàn. Ai cũng thương, cũng khóc cho mẹ, duy chỉ có ba là người không khóc, ba trở nên mạnh mẽ hơn để an ủi chúng em. Ba đưa hai chị em lên bệnh viện để gặp mẹ lần cuối. Trên đường đi, em biết ba đã rất đau lòng, nhưng ba đã cố nuốt nước mắt ngược vào trong, để chị em em không thấy ba khóc. Trớ trêu thay, vì để đề phòng nhiễm bệnh, nên bệnh viện không cho mấy cha con em vào mà chỉ có thể đứng ở ngoài nhận giấy báo tử. Ba chở hai chị em về trong sự đau đớn vì không thể gặp mẹ lần cuối. Thời điểm đó, tất cả mọi con đường ở TP.HCM đều bị phong tỏa.
Về đến nhà, thấy ba vẫn mạnh mẽ một cách thật lạ thường. Ba kìm nén sự đau thương để chuẩn bị bàn thờ, hương khói cho mẹ. Chỉ đến khi ba cầm điện thoại lên thông báo tang sự đến ông bà và người thân, ba mới vỡ òa bật khóc như một đứa trẻ. Em cũng không thể kìm nén nữa mà cũng khóc cùng ba. Rồi ba nấu cơm dâng lên cúng mẹ mỗi ngày, lần nào cúng ba cũng khóc. Không còn mẹ nữa, chị em tự lo liệu việc học hành, tất cả mọi gánh nặng một lần nữa phủ lên đôi vai của ba. Tất cả mọi thứ bị đảo lộn và lại rơi vào bế tắc.
Tưởng chừng như gia đình đã sống mãi trong sự tiêu cực, tối tăm thì xuất hiện chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên. Các nhà bảo trợ đã chung tay giúp đỡ để em có thể tiếp tục bước tiếp trên con đường học tập đến năm 18 tuổi. Nhờ số tiền đó và lòng hảo tâm của mọi người, em đã lấy lại được động lực và tiếp tục cắp sách đến trường.
Thời gian trôi đi, đến giờ thì em đã vào đại học với số điểm tương đối, em của em cũng đã vào lớp 10 với số điểm khá cao. Vào được trường mình yêu, ngành mình thích, em vừa mừng vì đã không phụ lòng gia đình và thầy cô, nhưng lại vừa lo vì không biết rằng ai sẽ lo liệu học phí khi bây giờ gánh nặng kinh tế đang đổ dồn lên vai của ba. Cứ nghĩ đến đó là lúc nào em cũng sợ, sợ rằng mình không còn có cơ hội học ngành mình yêu thích nữa. Nhưng chương trình lại một lần nữa đem đến ánh sáng cho cuộc đời em, nhà bảo trợ đã động viên em học tiếp cũng như trao đến em phần học bổng với số tiền không hề nhỏ để đóng học phí cũng như trang trải việc học tập của mình. Một lần nữa, tương lai tươi sáng lại mỉm cười với em.
Cùng con đi tiếp cuộc đời quả thật là một chương trình ý nghĩa khi đã giúp em vượt qua những khó khăn trước mắt, trao cho em động lực và niềm hi vọng để viết tiếp cuộc đời của mình. Khi tham gia chương trình, em mới chợt nhận ra rằng còn rất nhiều những hoàn cảnh éo le và khó khăn hơn, nhưng thay vì bỏ cuộc hay buông xuôi thì họ lại chọn cách mạnh mẽ vượt qua khỏi hoàn cảnh và bước tiếp. Điều đó đã để lại trong em một câu hỏi: "Người ta có hoàn cảnh khó khăn hơn mình mà người ta vẫn mạnh mẽ vượt qua, vậy tại sao mình không thể?", đó là một động lực rất lớn thúc đẩy em mạnh mẽ hơn để vượt qua khó khăn, chông gai phía trước.
Thông qua lá thư tâm sự này, em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất, chân thành nhất đến ba của em, một người cha vĩ đại. Cảm ơn đến mẹ vì suốt thời gian qua đã chăm sóc, lo lắng cho em, đã sinh ra em và nuôi nấng em nên người. Cảm ơn bác Tổng biên tập Báo Thanh Niên và các cô chú trong ban biên tập vì đã cho em có cơ hội tham gia chương trình để em nhận ra rằng cuộc đời mình có ý nghĩa. Các bác và cô chú như gia đình thứ 2, tuy không phải là máu mủ ruột thịt, nhưng mọi người vẫn cho em một cảm giác thân thuộc, các cô chú đã chia sẻ, động viên, giúp đỡ để em không mất đi động lực của mình. Cảm ơn nhà bảo trợ cho em là bác Trần Văn Châu và CLB Ánh Dương đã quan tâm, giúp đỡ và động viên em trong cuộc sống cũng như trong học tập để em có được ngày hôm nay. Em xin chân thành cảm ơn!
__________________
Bình luận (0)