Bà chủ quán nước mía 39 Hàng Vải đậm người, xởi lởi, thấy khách quen thể nào cũng nhúm dừa tươi, dừa khô đằm tay hơn một chút.
>> Thiên đường ô mai Hà Nội
>> Thơm lừng chả rươi trong phố cổ Hà Nội
Nước mía nhưng ngoài nước ép từ cây mía tươi ra còn có trân châu deo dẻo, dừa tươi giòn sần sật và dừa khô thơm phức. Sự kết hợp ngẫu nhiên từ một lần anh con trai chủ quán đi chu du khắp nơi, tìm ra công thức nước mía ngon, bỗng trở thành thức uống gắn mác độc quyền ở Hà Nội.
|
Tuy nhiên, giờ thì cả phố Hàng Vải đã học theo nhà 39, ly nào cũng thêm trân châu, dừa khô, dừa tươi, nhưng cách bày trí ly nước và đặt các nguyên liệu ăn kèm đẹp mắt và sinh động nhất, kể ra vẫn là hàng số 39.
Nước mía ngon lành hơn khi đặt trong ly thủy tinh trong suốt. Chiếc ly cao, loại lớn nhất lên đến 75 ml, chuyên dành cho các quý ông uống bia tươi, được sáng tạo để đựng nước mía.
Thả một ít trân châu xuống đáy cốc, bỏ thêm đá viên, đổ nước mía tươi vừa ép vào, trên miệng cốc là một ít cùi dừa bào sợi. Dừa tươi nhất định phải là dừa bánh tẻ, ăn vừa ngọt vừa mềm.
Dừa khô được đặt lên một chiếc đĩa nhỏ bên cạnh, khách ăn đến đâu, nhón từng miếng nhỏ đến đây. Hút một hơi nước mía mát lạnh đến tận ruột, nhón thêm ít cùi dừa khô ăn ngọt, béo bên cạnh, thấy nước mía không còn cảm giác đơn điệu. Câu chuyện với nhóm bạn cũng vui hơn bên đĩa dừa khô giòn khầu khậu, nên nước mía Hàng Vải chẳng tẻ nhạt bao giờ.
Bà chủ cửa hàng tên Tuyết, đã ngoài 50, dáng thấp, đậm người, vốn thật thà kể ngày xưa cả nhà chồng làm cơ khí nên chế ra máy ép nước mía, rồi con dâu mới tranh thủ quay nước mía bán. Từ thời chiếc máy còn phải quay tay, đến nay trong nhà bà Tuyết có 2 máy ép nước mía chạy bằng mô tơ điện nhanh vù vù.
Anh con trai tên Minh năm nay 30 tuổi cũng là lúc quán nước mía lâu đời nhất Hàng Vải tròn 30 năm. Nhiều khách uống nước mía từ thuở ấu thơ cho đến khi vào Đại học rồi bây giờ mang theo cả con nhỏ đến quán.
Thời bao cấp khó khăn, làm việc vất vả để lo cho cả gia đình, cũng để giáo dục con phải yêu lao động và biết thương bố mẹ, nên bà Tuyết đặt một máy tên là "Bố" - máy này để trong buồng, khi nào máy tên là "Mẹ" bị hỏng hóc, mới đem ra thay.
Thế là Bố - Mẹ thay phiên nhau lao động, hàng nước mía chẳng lúc nào đóng cửa và vắng người ghé lại, Minh cũng lớn lên, đi xa đi gần đều gắng học hỏi làm thế nào để nước mía ngon hơn, sạch hơn, giới trẻ đến đông hơn.
Sáng tạo ly uống bia tươi để uống nước mía, hay ăn kèm dừa khô, trân châu, dừa tươi với nước mía cũng là ý tưởng của Minh. Anh sang tận Bát Tràng để đặt những chiếc ly bằng gốm, bên trong là lớp men mịn màng, bên ngoài phủ màu đen, ghi tên hiệu nước mía của cả gia đình.
Ly gốm để khách uống trà đá, nhân trần, hay nước gạo rang, một đặc sản riêng của gia đình mà chỉ riêng mẹ anh, bà Tuyết nắm được công thức gia truyền.
Thường thì sang đông nước gạo rang sẽ nhiều người uống hơn. Lúc ngoài trời vun vút gió, ẩm ướt mưa phùn, vỉa hè Hàng Vải vẫn nườm nượp khách, người ta đến để xuýt xoa nước gạo rang thơm phức, tay áp chặt chiếc ly gốm, thấy hơi thở cũng thành khói sau những ngụm nước gạo rang ngọt mềm môi.
Ấy là mùa đông. Lúc đó thì ở Hàng Vải còn có nước mía nóng. Nước mía đun nóng lên, thêm cả chút cốt dừa béo ngậy, uống hơi ngọt một chút nhưng cũng là cách để thấy mùa đông ấm áp hơn.
Bao nhiêu năm đi qua. Hàng Vải vẫn cũ kỹ, cổ xưa như thế. Trước số nhà 39 vẫn còn những tấm biển cũ ghi dòng chữ "Nước gạo rang". Trên bức tường rêu phong và ám đầy mồ hóng, nguệch ngoạc vết sơn đỏ, vàng “vá săm, bơm lốp” từ bao giờ. Những con ngõ nhỏ, dài, sâu hun hút là nơi sinh sống của hàng chục gia đình, bao nhiêu thế hệ. Nước mía ngon, mát hơn trong sự so sánh, hồi tưởng ký ức - hiện tại.
Lúc vắng khách, thể nào bà Tuyết cũng kéo xịch lại chiếc ghế nhựa, chỉ cho khách quen nghe, ngày xưa hồi bà mới về làm dâu, Hà Nội thế nào, góc phố kia chuyên bán gì, ăn bánh cuốn phải ra phố nào mới đích thị là ngon...
Uống một ly nước mía, “tám” chuyện phố phường để rồi sau lại thấy rưng rưng trong đôi mắt người phụ nữ đã quay nước mía suốt 30 năm những thăng trầm dâu bể đời người.
|
Thúy Hằng
Bình luận (0)