Một lần xin ly hôn

14/06/2009 08:06 GMT+7

(TNO) Năm ấy, anh chính thức trở thành rể nhà tôi trong một đợt nghỉ phép. Sau đám cưới, tôi gói ghém tư trang theo chồng, bắt đầu một cuộc sống mới. Những bỡ ngỡ đầu tiên của vợ chồng trẻ dần qua đi. Niềm hạnh phúc gia đình được nhân lên gấp bội khi ba đứa trẻ lần lượt chào đời. Nhưng đó cũng chính là lúc chúng tôi phải đối mặt với hàng loạt vấn đề cơm áo, gạo tiền...

“Một yêu anh có may ô
Hai yêu anh có cá khô ăn dần
Ba yêu rửa mặt bằng khăn
Bốn yêu anh có chiếc quần đùi hoa…”

Một đoạn thơ vui quen thuộc đã nói lên được phần nào nỗi chật vật của thời bao cấp. Ai cũng khổ, nhà đông con lại càng khổ hơn. Thật ra chẳng riêng gì nhà tôi, nỗi lo vật chất thời ấy đã trở thành ký ức không thể nào quên của nhiều người. Để có thể vun vén trước sau, chồng tôi tăng gia sản xuất. Bếp được tận dụng làm chuồng nuôi lợn, khoảnh đất nhỏ bên hiên nhà thành chỗ trồng rau xanh cải thiện bữa ăn hằng ngày...

Sáng dậy thật sớm, anh đèo tôi đi làm rồi về cầm tem phiếu xếp hàng mua từng cân gạo, mớ rau, con cá. Nhuận bút ít ỏi anh kiếm được cũng phải lên kế hoạch chi tiêu tằn tiện, dè sẻn phòng khi con cái ốm đau. Trong gần mười năm như thế, chồng tôi không có lấy một chiếc quần lành lặn. Nhiều lúc anh còn vui vẻ đùa cùng các con: “Quần bố nhiều ti vi đấy mà!” (ti vi ở đây là những mảnh vá hình vuông chằng chịt). Khó khăn, thiếu thốn đủ bề là vậy nhưng bữa cơm gia đình lúc nào cũng tràn ngập niềm vui.

Thời bao cấp đi qua, chồng tôi động viên tôi tiếp tục đi học nâng cao nghiệp vụ. Còn anh trở thành một người... bán măng ở chợ. Một ngày của anh bắt đầu từ sáng sớm và chỉ kết thúc khi trời đã hoàng hôn. Năm miệng ăn, học phí của tôi và các con, các khoản chi tiêu trong gia đình đều trông vào một tay anh xoay sở. Xót thương anh, nhiều lúc tôi ứa nước mắt. Những lúc ấy, anh thường thì thầm: “Mọi nhọc nhằn rồi cũng sẽ qua đi khi chúng mình sát cánh bên nhau”...

Kinh tế gia đình dần đi vào ổn định. Các con chăm ngoan, học giỏi, hiếu thảo với cha mẹ. Tôi nhận công tác mới. Chồng tôi góp vốn làm ăn cùng bạn bè. Nhịp sống hối hả, công việc bận rộn cứ cuốn chúng tôi đi, khiến thời gian dành cho gia đình càng ngày càng ít hơn. Đầu tiên chúng tôi chỉ nhẹ nhàng góp ý với nhau. Sau thì giận hờn, khóc lóc, cãi vã. Một lần, hai lần,… đến lần thứ năm mươi sáu thì con thuyền hạnh phúc ngày nào của cả hai đã “chòng chành” thật sự. Đêm hôm đó, tôi đặt lá đơn xin ly hôn trong phòng riêng của chồng mình.

Sáng hôm sau…

"Anh ước gì mình được trở về ngày xưa. Dù hồi đó khó khăn biết bao nhiêu nhưng gia đình mình luôn đầy ắp tiếng cười. Còn bây giờ thì… Nếu thật sự em muốn chia tay thì điều duy nhất không thể thay đổi với anh cuối cùng đã phải thay đổi. Đó chính là hạnh phúc của hai đứa mình...". Đọc những dòng chữ trong lá thư anh để lại trên bàn, tôi bật khóc. Chẳng còn bận tâm gì công việc, tôi vội vàng đón chuyến xe sớm nhất trong ngày lên Đà Lạt, nơi chúng tôi gặp nhau lần đầu ba mươi năm trước, để đón anh trở về.

Chồng tôi bảo: “Hãy níu giữ hạnh phúc bằng sự vị tha, tình yêu thương và sự chân thành”. Và anh đã níu giữ được hạnh phúc của chính mình bằng điều ấy. Khi nhận ra lỗi lầm của mình, khi những hờn giận qua đi, chúng tôi yêu thương nhau nhiều hơn. Cảm ơn cuộc sống đã đem anh đến với tôi, cho tôi một bờ vai để dựa, cho tôi những đứa con ngoan, sẻ chia cùng tôi những vất vả, để chúng tôi còn được bên nhau cho đến cuối cuộc đời...

Lưu Thị Phương
(Gia Lai)

 

>> XEM THỂ LỆ CUỘC THI

>> XEM TẤT CẢ BÀI VIẾT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.