Nhớ lại những năm trước, sau mỗi trận bão lớn, mưa lũ, lụt lội, nhất là ở các tỉnh miền Trung, cả nước lại dấy lên những chương trình “lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân” đầy nghĩa tình, cảm động. Toàn hệ thống chính trị - xã hội, từ các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan báo chí đến mỗi người dân đều nhanh chóng vào cuộc, góp từng ký gạo, thùng mì, chiếc áo, cuốn tập, tiền bạc… chỉ mong sao chuyển sớm đến đồng bào đang khốn khó. Trong những hoạt động nghĩa tình như vậy, phải ghi nhận sự đóng góp, tổ chức, chỉ đạo, thực hiện rất quan trọng của các cấp Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương nơi xảy ra thiên tai.
Người xưa đúc kết “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Với người nông dân nghèo bị tan hoang cửa nhà, chìm đắm trong lụt lội, màn trời chiếu đất; ngư dân bị chìm tàu thuyền; học sinh mất hết sách vở dụng cụ học tập… thì một đồng bạc, gói mì, cuốn tập, tấm lưới đều hết sức cần thiết, giúp bà con giải quyết ngay những nhu cầu trước mắt. Trước những tình cảnh ấy, thật cảm động khi các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn nhìn thấu nỗi cơ cực của dân và chỉ đạo sát sao với tinh thần quyết không được để một người dân nào đói rách. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xảy ra không ít chuyện ngược với chủ trương nhân đạo, an dân đó. Chả cần nhắc lại cụ thể làm gì những vụ ăn chặn tiền cứu trợ, tiền quyên góp xảy ra ở nơi này nơi khác, người này người khác bởi nói ra chỉ thêm đau lòng. Dư luận gọi đó là tội ác, vành móng ngựa và tòa án lương tâm chẳng bao giờ tha thứ.
Nhưng có thứ hành vi khác, cũng gần như tội ác, là sự thờ ơ, vô trách nhiệm của những tổ chức, con người đang khoác trên mình tấm áo trách nhiệm trước dân. Họ không bớt xén, tư túi, ăn chặn của người nghèo, người bị nạn nhưng họ dửng dưng, lạnh tanh trước nỗi đau của đồng bào.
Xin đơn cử trường hợp: vừa qua báo chí phản ánh ở tỉnh Quảng Bình hiện vẫn còn tồn đọng gần 22 tỉ đồng tiền cứu trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm chuyển đến hỗ trợ người dân bị thiệt hại trong trận lũ lịch sử tháng 10.2010. Ông chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh còn cho biết do sau đợt lũ thấy đời sống nhân dân đã ổn định nên ban cứu trợ quyết định ngoài số tiền sẽ giải ngân thì số tồn đọng sẽ dùng vào việc khác.
Trời ạ, từ trận lụt năm trước tới đầu mùa bão năm nay đã 8 tháng đằng đẵng mà đồng tiền nghĩa tình của đồng bào cả nước, trong đó có không ít đồng bạc cắc chắt chiu để bỏ ống, nuôi heo của các cháu bé góp vào, vẫn nằm trong cái két bạc vô tri và tâm hồn lạnh lẽo của những cán bộ gánh trách nhiệm. Điều đáng lo là sự vô cảm, vô trách nhiệm ấy không chỉ cá biệt ở tỉnh Quảng Bình mà còn ở nhiều tỉnh thành khác.
Chuyển sớm hay muộn, tồn đọng hay không tồn đọng, suy cho cùng ở chỗ có tình người hay không.
Nguyễn Thông
Bình luận (0)