Một mình Bộ Y tế không thể chống hết dịch bệnh

17/05/2014 20:00 GMT+7

(TNO) Theo ghi nhận của Bộ Y tế, nhiều bệnh dịch sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng hè sắp tới và nếu chỉ một mình Bộ Y tế chống thì sẽ không thể ngăn dịch.

 
Ngành y tế lo lắng nhiều bệnh truyền nhiễm tăng cao trong những tháng hè sắp tới - Ảnh: Nguyên Mi

Chiều nay (17.5), Bộ Y tế đã có buổi hội thảo về phòng chống các dịch bệnh mùa hè với các sở y tế, bệnh viện của các tỉnh phía Nam.

Sởi chưa tan, “bệnh đến hẹn lại lên” lại đến

Theo đánh giá của Bộ Y tế, ba loại dịch bệnh nổi trội nhất hiện nay và trong những tháng hè sắp tới là sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Từ đầu năm 2014 đến 17.5, cả nước xác định 4.532 ca mắc sởi, trong số 20.746 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành.

Trong đó, đã có 141 trường hợp nặng xin về và tử vong.

Trong hai tuần gần đây nhất, số ca bệnh sởi có xu hướng giảm nhẹ, với khoảng 300-350 ca/tuần (giai đoạn đỉnh điểm là 500 ca/tuần). Số ca tử vong liên quan đến sởi cũng đang được kéo giảm. Tuần này, ghi nhận 1 ca tử vong liên quan đến sởi (so với tuần trước đó là 5 ca và đỉnh điểm là 19 ca).

Tuy nhiên, song song đó, bệnh tay chân miệng trong tháng 5 này lại đang trổi dậy và có ca bệnh cao hơn rất nhiều so với sởi.

Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 20.500 trường hợp bệnh tay chân miệng. Trong đó, hơn 80% số ca bệnh tập trung ở phía Nam. Đã có hai ca tử vong do bệnh tay chân miệng tại tỉnh Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cũng như tay chân miệng, sốt xuất huyết là “bệnh đến hẹn lại lên” trong mùa này và đặc biệt tập trung ở phía Nam. Đã có 9.011 ca bệnh sốt xuất huyết được Cục Y tế dự phòng ghi nhận, trong đó có 5 ca tử vong. Ngành y tế đánh giá, bệnh đang diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lo ngại số ca bệnh sẽ còn tăng cao nữa khi mùa mưa bắt đầu.

Ngành y tế chống, người dân đứng coi thì không thể hết dịch

Ông Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết trong thời gian qua khi dịch sởi lan rộng, Chính phủ đã chi 80 tỉ đồng cho điều trị, chống dịch.

Để đối phó với các bệnh dịch sắp tới, Bộ Y tế đang tăng cường theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước; đã sẵn sàng tập huấn điều trị, chống nhiễm khuẩn cho các bệnh viện, cơ sở y tế; yêu cầu các bệnh viện có quy trình phân luồng, lọc bệnh để tránh lây lan các bệnh truyền nhiễm trong bệnh viện.

Bộ Y tế, yêu cầu cơ quan y tế địa phương giám sát, phát hiện bệnh sớm, nhanh chống khoanh vùng, dập dịch từ đầu, không để dịch bùng phát, lan rộng.

 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (áo xanh dương) dạy học sinh rửa tay đúng cách, phát động chiến dịch rửa tay phòng bệnh - Ảnh: Nguyên Mi

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, để chống dịch hiệu quả cần sự đồng lòng, ý thức và hành động phòng bệnh tốt của người dân.

“Với sốt xuất huyết, cán bộ y tế thì đi đổ từng lu nước, khử khuẩn, diệt lăng quăng. Trong khi, người dân tại đó chống tay đứng nhìn. Chỉ ngành y tế chống dịch còn người dân đứng coi thì không thể phòng dịch, hết dịch được”, ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, có ý kiến.

Theo đó, ông Lân kiến nghị, để phòng, chống dịch hiệu quả, cần tuyên truyền kiến thức, nâng cao ý thức vệ sinh phòng bệnh cho mỗi người dân.

Đặc biệt, biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng chống các bệnh truyền nhiễm mà Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi người dân thực hiện là rửa tay và vệ sinh môi trường sống.

“Các bệnh tay chân miệng, bệnh lây qua đường tiêu hóa và các bệnh liên quan đến đường hô hấp khác có thể phòng tránh bằng cách vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường thật tốt. Việc rửa tay bằng xà phòng đúng cách cho trẻ em và người trực tiếp chăm sóc trẻ; khử trùng đồ chơi, vật dụng của trẻ; vệ sinh bề mặt bàn ghế sẽ có hiệu quả rõ rệt, giảm nguy cơ nhiễm và lây lan các bệnh”, người đứng đầu ngành y tế phát động.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã dạy các em học sinh ở Trường tiểu học Kỳ Đồng (Q.3, TP.HCM) rửa tay đúng cách để phát động chiến dịch rửa tay. Chiến dịch kéo dài từ hôm nay (17.5) đến hết tháng 12.2014 để tạo thói quen rửa tay, vệ sinh phòng bệnh cho người dân. Trong đó, ngành y tế tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho trẻ em, bà mẹ và người chăm sóc trẻ.

Nguyên Mi

>> Bệnh sởi chưa qua, tay chân miệng lại đến
>> Bệnh sởi - Triệu chứng, cách phòng và chữa bệnh
>> Số ca tay chân miệng nhập viện cao hơn sởi
>> Dịch sởi bùng phát tại TP.HCM: Hậu quả của việc không tiêm vắc xin

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.