13 năm qua có một người đàn bà sống côi cút trên đỉnh Đèo Ngang - dãy núi vươn ra biển lớn vắt ngang hành trình thiên lý bắc nam, là ranh giới của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.
1. Bà là Nguyễn Thị Ngụy, 77 tuổi, quê ở Kỳ Nam, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Từ lâu, cuộc đời bà gắn liền với Đèo Ngang và có lẽ sẽ là điểm dừng chân cuối cùng của người đàn bà này.
Nói về bà mà không nói đến con đèo nổi tiếng hẳn là một thiếu sót. Đèo nằm trên dãy Hoành Sơn, được Dương Văn An miêu tả trong Ô châu cận lục: “Núi này chạy dài từ núi tổ, thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp kéo mãi ra đến tận biển. Vách đứng cao vạn nhận (cứ 8 thước là 1 nhận) nom giống như bức tường thành, án ngữ cả một vùng phương Nam”. Đèo Ngang dài 6 km, đỉnh cao 250m, cách TP.Đồng Hới (Quảng Bình) 80 km, cách TP.Hà Tĩnh 75 km. Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn Quan trên đỉnh Đèo Ngang, cửa cao 4m, hai bên có thành dài 30m, ở trên cổng đắp nổi ba chữ Hoành Sơn Quan. Hai phía ở hai cửa xẻ núi tạo thành 1.000 bậc thang lên xuống… Hoành Sơn Quan đã được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận di tích lịch sử. Trải qua năm tháng, Hoành Sơn Quan vẫn uy nghi, cổ kính. Từ Hoành Sơn Quan nhìn về hai phía nam bắc phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi non hùng vĩ. Mùa hè trời quang mây tạnh, trời nắng nhưng lúc nào cũng mát rười rượi; mùa đông thâm u, mây vần vũ tà tà lưng chừng núi... có cảm giác như đã chạm vào một chút giới bồng lai tiên cảnh.
|
2. Nói đến Đèo Ngang dĩ nhiên không thể không nói đến thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa. Liễu Hạnh công chúa ở Quảng Bình vừa thể hiện hình tượng Mẫu Liễu Hạnh chung trong đời sống tâm linh của người Việt vừa có sự tích riêng. Truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa trên Thiên Đình, Ngọc Hoàng có người con gái tên Liễu Hạnh, tính tình ngang bướng, phóng túng không chịu theo phép tắc. Dù hết lòng dạy dỗ nhưng không có kết quả, buồn bực vì không thể lấy làm gương cho muôn dân nên Ngọc Hoàng quyết định trị tội con gái với mong muốn cho con mình tu tỉnh. Nhân một lần Liễu Hạnh phạm lỗi, Ngọc Hoàng liền đày cô xuống trần gian trong thời hạn 3 năm. Xuống trần, Liễu Hạnh hóa thành một cô gái xinh đẹp, dựng lều quán dưới chân Đèo Ngang - là nơi núi rừng thăm thẳm tuy nhiên lại đông khách bộ hành qua lại vì đèo nằm trên đường thiên lý bắc nam. Thế nên quán của Liễu Hạnh lúc nào cũng đông người nghỉ chân, họ vừa nghỉ ngơi trà nước vừa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp trần gian của cô chủ. Điều đặc biệt, ai có ý định trêu ghẹo đều bị Liễu Hạnh trị tội ra trò, khi trở về nhà không lăn đùng ra chết thì cũng ngơ dại. Với công đức bảo vệ phái yếu, diệt trừ cường tà gian ác, đem lại sự công bằng, Liễu Hạnh trở thành hình mẫu thánh thiện, đức mẹ trong lòng người dân. Hiện đền thờ nằm tôn nghiêm dưới chân núi Hoành Sơn và cũng đã được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận di tích kiến trúc-nghệ thuật-tôn giáo. Hằng năm, các dịp lễ tết, đầu xuân, dân địa phương đều đến quét dọn đền và dâng hương hoa cho thánh mẫu; người tứ phương đi qua cũng thường ghé vào đền.
3. Trở lại với câu chuyện người đàn bà sống một mình trên đỉnh đèo. Một lần tôi lên Hoành Sơn Quan thì gặp bà. Giữa đỉnh đèo đìu hiu cô quạnh, hình ảnh bà già trong túp lều nhỏ đem đến sự ngạc nhiên, tò mò đến lạ. Bà là ai, sống ở đó làm gì và được bao lâu rồi? Thực tế mấy ai biết trên đỉnh đèo vẫn còn đó cửa Hoành Sơn rêu phong cổ kính huống gì có người đang sống bên cạnh. Theo lẽ tự nhiên, tôi chào bà rồi bắt đầu bằng những câu hỏi nhưng chỉ vừa được vài ba câu, bà đã sừng sộ mặt mày chạy vào lều xách cây rựa cùn ra giơ lên và lớn tiếng: “Bà đã sống ở đây là đủ biết bà thế nào rồi nhé”. Bà vừa dứt lời thì tôi cũng bước chân quay về với bao cảm xúc lẫn lộn. Nghĩ lại bà nói đúng, bây giờ Đèo Ngang không còn cảnh thú dữ vờn hú, cướp giật tung hoành như ngày xưa nhưng chắc gì đã lành. Nhất là khi đưa vào sử dụng hầm đường bộ xuyên giữa lòng núi Hoành Sơn gần 10 năm về trước, phần lớn xe cộ qua lại bằng đường hầm nên đường đèo càng trở nên vắng vẻ. Sống ở đó thì cô quạnh quá, trong khi không hề có điện, nước và Hoành Sơn Quan không phải nằm ven đường mà khuất trên đỉnh núi? Đầu xuân Quý Tỵ, lần nữa tôi vượt gần 100 km đi tìm lời giải về người đàn bà bí ẩn. Cầm hương hoa trên tay, tôi xin phép bà được thắp hương lên am thờ ngay cạnh Hoành Sơn Quan. Bà vui vẻ, xởi lởi hẳn và còn cầu khấn “đức mẹ thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa linh thiêng che chở, phù hộ độ trì” cho tôi. Thì ra bà ở đó để lo hương khói cho đền thờ Liễu Hạnh công chúa và lần này tôi đã chạm vào tâm nguyện của bà. Bà tâm sự, ngày xưa “mẹ” đã đi qua, sống và giữ gìn bình yên cho vùng đất này thì bây giờ hậu thế mình phải thờ phụng “mẹ”; linh hồn “mẹ” đang quanh đây, che chở dân lành, an bình cho xã hội, để ai đi qua đèo cũng được thuận buồm xuôi gió, tay lái vững chắc.
Bà có chồng và 6 người con. Ngày trước, chồng bà lên ở đó để hương khói, chăm sóc Hoành Sơn Quan; ông thường hay giúp đỡ những người lỡ đường, bị hư hỏng xe cộ trên đèo. Được 14 năm, đến năm 2000 thì ông mất, kể từ đó bà lên ở thay ông làm nhiệm vụ. Bà sống trong túp lều chưa đầy 4m2, chỉ đủ mắc một cái võng, kê vài ba tấm ván. Có cảm giác bà không ăn uống bao nhiêu nhưng nhìn bà khá khỏe mạnh, nói năng, đi lại hoạt bát. Trong lều có 3 cái nồi, 1 cái lớn đựng nước chè, 1 cái nhỏ đựng khoảng 2 bát cơm và 1 cái nhỏ nữa đựng canh rau. Gần 12 giờ trưa, tôi bảo bà ăn cơm kẻo đói bụng nhưng bà lắc đầu nói lúc nào đói thì ăn, một ngày ăn nhiều lắm cũng chỉ từng đó cơm. Gạo, nước đều do con cháu bà ở quê đưa lên. Vì không ăn uống mấy nên lâu lâu con cháu bà mới lên một lần. Công việc hằng ngày của bà là lau chùi, quét dọn rồi ngồi canh am thờ; có ai đến thắp hương thì bà hướng dẫn, cầu khấn giúp, nhưng ít lắm, bà bảo thế. Khi khỏe, bà đi chặt cây để khô làm củi đun. Hỏi bao lâu thì về nhà, bà trả lời khá hóm hỉnh: “1 năm thì 12 tháng đều ở đây cả”.
Khi tôi về, bà vẫn ngồi lắc chân trên võng trong lều và không hề quay mặt nhìn ra, nhưng tôi tin rằng bà đang cầu mong cho tôi cũng như mỗi người qua đèo được bình yên...
Trương Quang Nam
Bình luận (0)